Bên cạnh tác động của giá nguyên liệu và năng lượng đầu vào tăng, việc giá thép tăng liên tục từ đầu năm tới nay còn do hiện tượng mua dự trữ ở nhiều doanh nghiệp.
Giá thép tăng liên tục
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, đầu tháng 2/2011 là thời gian nghỉ Tết Âm lịch, sản xuất và tiêu thụ thép lẽ ra giảm, nhưng do lo ngại giá thép sau Tết sẽ tăng cao vì những biến động giá cả nguyên liệu, tác động của việc điều chỉnh tiền tệ và các biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ, nhiều công ty thương mại và công ty xây dựng đã có tâm lý “mua thép để đón giá tăng”. Thực trạng này đã khiến sản xuất và tiêu thụ thép tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2010.
Hai tháng đầu năm, các doanh nghiệp thành viên VSA sản xuất hơn 852.000 tấn thép, tăng 25% so với 2 tháng đầu năm 2010. Lượng thép tiêu thụ trong cùng thời gian cũng tăng mạnh. Trong tháng 2/2011, dù có kỳ nghỉ Tết kéo dài, nhưng các thành viên VSA đã tiêu thụ 474.800 tấn thép, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm 2010. Tính chung 2 tháng đầu năm, lượng thép tiêu thụ của các thành viên VSA là 944.000 tấn, tăng 45,2% so với cùng kỳ năm 2010.
Con số trên so với mức tiêu thụ bình quân khoảng 300.000 tấn/tháng mà VSA thống kê trong nhiều năm qua đã cho thấy một sự đột biến về bán hàng.
Trong khi đó, lượng phôi thép tồn kho của các nhà máy cán thép phục vụ sản xuất trong tháng 3/2011 của các công ty có lò điện hồ quang vào khoảng 500.000 tấn - được VSA đánh giá là đủ cung cấp nguyên liệu và không gây ra thiếu hụt cho sản xuất.
Hiện giá bán buôn thép (đã gồm thuế giá trị gia tăng) tại các nhà máy ở miền Nam là 18,5 - 19 triệu đồng/tấn, ở các nhà máy miền Bắc thấp hơn 500.000 - 700.000 đồng/tấn.
Tuy nhiên, giá thép trong nước có thể sẽ chưa dừøng lại ở mức hiện nay, bởi giá nguyên liệu sản xuất thép và thép các loại trên thị trường thế giới vẫn có xu hướng tăng và không ổn định. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA cho hay, giá quặng loại tốt có hàm lượng trên 62% Fe đang ở mức xấp xỉ 200 USD/tấn, giá thép phế liệu ở Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang sôi động trở lại, với giá chào bán 460 - 485 USD/tấn. Còn phôi thép giao tại Việt Nam tuy có giảm nhẹ, nhưng hiện cũng ở mức 680 - 700 USD/tấn.
Lo cạnh tranh
Mặc dù giá thép có xu hướng tăng, song các doanh nghiệp ngành thép đang đối mặt với một cuộc cạnh tranh khốc liệt để giữ chỗ đứng trên thị trường.
Theo VSA, năng lực sản xuất thép xây dựng ở Việt Nam hiện đã gấp đôi nhu cầu tiêu thụ của cả nước. Chính vì vậy, việc cắt giảm, hoãn triển khai một số dự án đầu tư xây dựng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP mới đây cũng sẽ khiến “cuộc chiến” trên thị trường thép khốc liệt hơn, vì cung dư thừa càng lớn.
Ngoài ra, mặt hàng thép cuộn nội cũng đang phải cạnh tranh gay gắt với thép ngoại. Lượng thép cuộn nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm được cơ quan hải quan thống kê đã tăng 60 - 70% so với cùng kỳ năm 2010. “Nguy cơ thép ngoại nhập vào Việt Nam những tháng đầu năm chưa rõ rệt, nhưng nếu thép trong nước tiếp tục tăng giá, thì ngành thép sẽ phải chống đỡ với thép nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN, vì mức độ tăng trưởng sản xuất thép của Trung Quốc và ASEAN rất cao.
Bên cạnh đó, vấn đề đảm bảo sản xuất khi câu chuyện tiết giảm điện, nhất là với các doanh nghiệp thép - vốn được xem là dùng nhiều điện, đã bắt đầu được ngành điện thực hiện.
Ông Lê Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt - Úc (Vinausteel) cho hay, Công ty đã nhận được thông báo phân bổ điện cho sản xuất từ tháng 3 đến tháng 6, với mức tiết giảm 30%, do vậy, sản lượng thép sẽ giảm khoảng 7.000 tấn/tháng, trong tổng số 20.000 tấn thép sản xuất bình quân mỗi tháng. “Điều này sẽ gây ra nhiều tổn thất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng lớn đến việc làm và thu nhập của người lao động. Trong khi đó, Vinausteel là một trong những doanh nghiệp được đánh giá là hiệu quả của ngành thép, đầu tư theo đúng quy hoạch phát triển ngành”, ông Thanh nói.
Trước đó, dù thép và xi măng là hai ngành tiêu tốn nhiều năng lượng, nhưng Bộ Công thương vẫn có chủ trương ưu tiên cấp điện trong trường hợp phải tiết giảm điện đối với các nhà máy thép và xi măng có hiệu suất sử dụng điện cao, thuộc Quy hoạch phát triển.
Với câu chuyện sử dụng điện nhiều của các doanh nghiệp ngành thép, ông Cường chia sẻ: “Tôi ủng hộ việc tính đủ giá điện, giá xăng theo các yếu tố thị trường để các doanh nghiệp thép có năng lực về công nghệ và quản lý có thể cạnh tranh tốt thực sự trên thị trường”.
Nguồn: Baodautu