Gần như ngay khi Bộ Công thương thông báo sẽ áp thuế nhập khẩu tạm thời đối với phôi thép (mức thuế 23,3%) và thép dài (mức thuế 14,2%) từ ngày 22-3-2016 thì giá thép trong nước bắt đầu tăng. Điều đó khiến khách hàng lo ngại giá thép có thể tăng mạnh trong thời gian tới và cho rằng các doanh nghiệp thép đang không "chơi đẹp".
Mặc dù chưa đến ngày áp dụng thuế suất nói trên, nhưng dư luận đã tỏ thái độ bất bình trước hiện tượng một số DN tăng giá bán. Thực tế, có lúc giá thép tăng theo ngày, thậm chí còn tăng theo giờ, nhưng mức tăng phổ biến là vài trăm nghìn đồng/tấn thép xây dựng so với thời gian trước. Đây là diễn biến không mong muốn của thị trường, bởi đi ngược mục tiêu kiềm chế và ổn định giá, nhằm từng bước xác lập một thị trường hoạt động theo hướng lành mạnh hơn của cơ quan quản lý. Đáng ngại hơn là dự báo giá thép vẫn có thể tiếp tục tăng do áp lực tâm lý của người dân, chủ đầu tư công trình "nếu không mua sớm giá sẽ cao hơn", gây bất ổn, phức tạp thêm tình hình thị trường cũng như thể hiện sự không khách quan về quan hệ cung - cầu.
Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hiện mức cung vẫn ổn định, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của xã hội. Hơn thế, các DN vẫn đang tồn đọng hơn 500 nghìn tấn thép trong khi nhu cầu tiêu thụ nhìn chung khá ổn định, không có biểu hiện bất thường để tăng giá đột biến. Mặt khác, hầu hết các DN sản xuất thép đều đang tăng công suất, riêng tháng 2 đạt gần 920 nghìn tấn, tức tăng tới 70% so với cùng kỳ năm ngoái để tranh thủ cơ hội kinh doanh khi tạm vắng sự cạnh tranh của thép ngoại nhập.
Thép tăng giá, đương nhiên là do hành động nôn nóng, tận dụng cơ hội để nhằm vào lợi ích trước mắt của các nhà sản xuất, kinh doanh thép. Nói cách khác, các DN đang "té nước theo mưa" để trục lợi. Thêm nữa, cũng có thể nói là DN thép trong nước đã hành xử theo kiểu "không biết điều" vì bản chất việc áp thuế là nhằm bảo vệ sản xuất trong nước trước thép ngoại nhập. Cách hành xử của các DN như đã nói là thiếu khôn ngoan bởi kinh tế thị trường luôn có đặc điểm tôn trọng khách hàng, theo tinh thần "khách hàng là thượng đế" nên rất có thể khách hàng sẽ quay lưng với những DN đang "chơi xấu". Tuy nhiên, để thị trường vận hành một cách lành mạnh, công bằng thì không thể thiếu sự điều chỉnh của cơ quan quản lý. Hiện, Bộ Công thương đã đưa ra biện pháp phòng vệ thương mại thông qua việc áp thuế nói trên và tăng cường theo dõi, kiểm tra diễn biến thị trường để có hoạt động điều chỉnh phù hợp.
Trong một diễn biến khác, dư luận xã hội và giới tiêu dùng bước đầu dự báo cũng như gợi ý rằng, Bộ Công thương có thể rút lại quyết định áp thuế đối với thép nhập khẩu nếu các DN thép vẫn cố tình tăng giá bất hợp lý để bảo vệ người tiêu dùng. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, vấn đề không đơn giản như vậy, bởi đến thời điểm này vẫn chưa thực hiện áp thuế và không ai mong muốn thu hồi một quyết định vừa mới ra đời. Cần xem xét, cân nhắc lợi ích tổng thể, từ nhiều yếu tố và khía cạnh khác nhau để điều hành có hiệu quả. Theo ông Ngô Trí Long, cần thấy "cái gốc" của vấn đề là một số nước, nhất là Trung Quốc đang dư thừa công suất sản xuất thép, nên rất muốn bán sang các nước, trong đó có Việt Nam. Điều đó gây khó khăn cho DN "nội". Bộ Công thương áp thuế là nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Nhưng, DN thép "nội" cũng phải xác định tinh thần tự giác, lấy người tiêu dùng làm đối tượng để chia sẻ lợi ích và hài hòa các lợi ích mà hướng tới phục vụ. Xét rộng hơn, thép là nguyên liệu đầu vào chủ yếu của ngành Xây dựng, đặc biệt là liên quan đến các dự án bất động sản - lĩnh vực rất quan trọng của đời sống KT-XH nhưng đang gặp khó khăn, nên càng không thể buông lỏng quản lý, dẫn đến sự tăng giá bất động sản. Theo ông Ngô Trí Long, trong trường hợp các DN thép "nội" vẫn cố tình phớt lờ quyền lợi của khách hàng, các cơ quan quản lý sẽ không thiếu biện pháp can thiệp nhằm đem lại sự công bằng.
Nguồn tin: HNM