Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá thép tăng đột biến: Do tâm lý!

Diễn biến tăng đột biến của giá thép từ tháng 3 đến nay khiến ngay những người trong ngành thép cũng không khỏi bất ngờ bởi nguồn cung trong nước hiện vẫn cao hơn so với nhu cầu. DĐDN có cuộc trao đổi với ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép VN xung quanh vấn đề này.

Ông Cường khẳng định, giá thép trong thời gian qua tăng là có cơ sở bởi tình hình thị trường nguyên liệu thép thế giới từ tháng 3 có nhiều biến động theo chiều hướng tăng liên tục với biên độ lớn. Nếu như tuần đầu tháng 3 giá phôi thép còn ở mức độ 520 USD/tấn CFR thì ở cuối tuần cuối tháng 3 đã lên tới 610 – 620 USD/tấn CFR (tăng khoảng 100 USD) và giá chào bán tiếp sang đầu tháng 4 còn tiếp tục tăng lên nữa. Giá phôi thép chào hàng của Đài Loan cho các nước Đông Nam Á đã ở mức 670 – 680 USD/tấn CFR. Giá thép phế cũng tăng lên tương ứng. Tại thị trường VN, giá chào bán thép phế cũng đã lên trên 490 USD/tấn CFR. Mặc dù giá thép phế tăng cao, nhưng việc giao dịch mua bán cũng khó khăn vì các bảng chào hàng liên tục bị rút lại, người mua không thể chốt hàng...

- Tuy nhiên, giá thép tăng đột biến lại có vẻ như nằm ngoài dự báo của các chuyên gia, bởi ngay từ đầu năm, Hiệp hội cũng đã đưa ra dự báo giá thép trong nước năm 2010 có tăng nhưng không đột biến ?

Lý do tôi vừa đưa ra là có thật, nhưng chưa thể là nguyên nhân chính đẩy giá thép tăng đến mức chóng mặt như thời gian vừa qua. Đây quả thực cũng là điều bất ngờ vì trước tết không ai tăng giá, đùng cái ra Tết lại tăng với biên độ đến 1,5 – 2 triệu tấn. Đây là điều ít xảy ra.

- Vậy “căn nguyên” của sự “không bình thường” này là từ đâu, thưa ông ?

Điều không bình thường ở đây là giá thép dù cao nhưng lượng tiêu thụ thép lại không những không giảm mà lại tăng một cách cũng “bất thường”. Trung bình chúng ta chỉ tiêu thụ giỏi lắm 400.000 – 450.000 tấn thép trên cả nước. Tuy nhiên, chỉ riêng trong tháng 3, lượng thép xây dựng tiêu thụ đã lên tới 560.000 tấn. Như vậy không phải nhu cầu thép các công trình xây dựng tăng cao mà do giới kinh doanh lo ngại thép tiếp tục tăng cao nên “ôm hàng”, càng gây tâm lý khan hiếm. Sợ nhất giá thép cao là do thiếu thép, nhưng thực chất không phải như vậy.

- Nghĩa là thép trong nước công suất không đủ đáp ứng yêu cầu, kể cả lúc cao điểm, thưa ông ?

Tôi khẳng định công suất của chúng ta là đủ, thậm chí thừa, người tiêu dùng không việc gì phải cuống cuồng đổ đi mua thép tích trữ. Điều này là hoàn toàn thực tế chứ không phải giả tạo bởi công suất các nhà máy thép trong nước là 7,5 triệu tấn, mà nhu cầu tiêu thụ một năm giỏi lắm cũng chỉ vào khoảng 4 triệu tấn, vì vậy thép không thể đến mức độ căng thẳng.

- Vậy các cơ quan quản lý có động thái gì để sự tăng giá trở về “đúng bản chất”, thưa ông ?

Bộ Công Thương cũng đã vừa họp với TCty Thép yêu cầu các DN báo cáo giá thép hàng ngày để người dân biết tình hình, và tôi được biết Bộ Công Thương cũng giao cho TCty Thép họp báo trong thời gian gần nhất để yên lòng người dân.

- Công suất trong nước đủ đáp ứng yêu cầu đã đủ là yếu tố “trấn an” người tiêu dùng khi nhiều người lo ngại giá phôi sẽ tiếp tục tăng, trong khi ta vãn phải nhập phôi đến 60%, thưa ông ?

Giai đoạn mùa đông khí hậu khắc nghiệt ở Nga đã qua, việc vận chuyển nguyên liệu đã dễ dàng hơn, vì thế việc mua phôi, mua sắt thép phế đến giai đoạn thuận tiện hơn. Thêm nữa là việc ký kết hợp đồng mua nguyên liệu cũng đã chốt lại trong cuối tháng 3, nên thời gian tới (theo suy luận) thị trường thép thế giới sẽ đi vào giai đoạn ổn định. Và, thường khi thép lên nhanh thế thì sẽ không lên bất tận mà sẽ đến giai đoạn giảm nên đừng có ai dại mua vào lúc thị trường đang nóng.

- Nhưng điều gì có thể khẳng định chúng ta đang chủ động ?

Với công suất 7,5 triệu tấn thép cán xây dựng, cao nhất như năm 2009 thép dài mới tiêu thụ 5,4 triệu tấn, năm 2008 là 4,3 triệu tấn, 2007 là 4,6 triệu tấn - nghĩa là quanh quẩn chỉ già nửa công suất thiết kế. Sản xuất thép cán xây dựng nếu trên 5 triệu tấn thì phôi nhập vào là nhập về 2,3 triệu tấn, còn sản xuất trong nước như năm 2009 là 2,7 triệu tấn.

Nói như vậy thì cũng phải hiểu chúng ta sản xuất thép phôi thì chúng ta phải nhập sắt thép phế. Vì sắt thép phế trong nước chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, còn lại 70% phải nhập, cho nên, thực tế là chúng ta bớt nhập được phôi thì nhập thép phế. Thế nên nói thoát khỏi phụ thuộc là cũng không đúng.

Tôi nghĩ điều này cũng là bình thường và thị trường chứ không nên nặng nề. Bởi vì tất cả quặng trên thế giới chỉ phụ thuộc vào hai nước là Brazil và Australia, kể cả Nga cũng phải nhập quặng của hai nước này. Ngay Nhật Bản sản xuất mỗi năm 120 triệu tấn thép họ cũng nhập cả 100% quặng thép. Đài Loan, Hàn Quốc cũng vậy.

- Vậy thưa ông, quặng trong nước thì sao khi chúng ta vẫn có quặng xuất đi Trung Quốc gần 2 triệu tấn mỗi năm ?

Quặng của trong nước đến nay có Thái Nguyên tự túc đựơc. Còn TCty Thép có mỏ Quý Sa khai thác rồi nhưng mình rất ít lò cao, chỉ có mấy lò cao nhỏ ở địa phương.

Vài năm nữa khai thác mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh), và làm những liên hợp ở Thạch Khê có lò cao, sử dụng quặng trong nước sẽ đỡ. Nhưng phải mất 3 - 4 năm nữa bởi quặng Thạch Khê có đặc thù là khó khai thác, tốn kém vì nằm sát biển, dưới mực nước biển. Còn những quặng mà chúng ta vẫn bán sang Trung Quốc đều là quặng ở những mỏ nhỏ, rải rác ở các vùng heo hút, đi lại khó khăn, không tập trung.

- Ở đây có nghịch lý là ta vẫn cứ nhập thép phế liệu về nhưng quặng của ta vẫn cứ được xuất sang bên bạn ?

“... không phải nhu cầu thép các công trình xây dựng tăng cao mà do giới kinh doanh lo ngại thép tiếp tục tăng cao nên “ôm hàng”, càng gây tâm lý khan hiếm”.

Về mặt lý thì là nghịch, nhưng nó khó ở chỗ, thứ nhất như tôi đã đề cập là chúng ta không có lò cao, thứ 2 là những mỏ ở biên giới rải rác ở tỉnh nghèo và mỏ nhỏ, nên người ta tự khai thác bán chứ mình cũng chưa thể thu gom được, mà cũng không thể vận chuyển ôtô vì giá thành cao, mà xây lò cao cũng không thể xây được vì chở than lên các vùng đó chi phí cũng cao. Phải tính hiệu quả kinh tế.

- Dự báo giá thành cao hiện nay có sợ giá thép ngoại tràn vào không, thưa ông ?

Với mức giá cao như thế này tôi nghĩ cũng khó bởi một số nước nâng giá quặng lên 40 – 50%, thậm chí 90%, giá thép nhiều nước trong khu vực cũng tăng cao.

- Vậy theo ông, Nhà nước có nên can thiệp vào thị trường mỗi khi giá thép không bình thường ?

Lãi suất ngân hàng giờ cũng thoả thuận, giá điện về lâu dài cũng để tự điều chỉnh theo thị trường... nếu Nhà nước cứ can thiệp mãi sẽ làm méo mó nền kinh tế. Tuy nhiên, việc công bố thông tin rộng rãi để dư luận hiểu về bản chất của việc tăng giảm giá theo thị trường là cần thiết để làm lành mạnh và phát triển, không chỉ riêng với thép.

- Xin cảm ơn ông !

dddn

ĐỌC THÊM