Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá thép tăng liên tiếp do khan hiếm nguồn cung và hiệu ứng xung đột Nga - Ukraine

Tiếp sau đợt tăng giá ngày 9-10/3, mới đây, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước lại tiếp tục thông báo tăng giá, thời gian áp dụng giá bán mới là ngày 31/3/2022. Động thái này được cho rằng do chi phí sản xuất tăng và chịu hiệu ứng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Giá quặng sắt, than tăng gây áp lực đến giá thành sản phẩm thép

Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), từ đầu năm đến nay do những bất ổn của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thép như quặng sắt, than tăng giá, đặc biệt là tại thị trường lớn như Trung Quốc, Australia.

Cụ thể, giá quặng sắt loại (62% Fe) ngày 8/3/2022 giao dịch ở mức 162-162,50 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, tăng khoảng 12 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 2/2022. Tại cảng Australia, giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu ngày 8/3/2022 giao dịch ở mức 627USD/tấn FOB, tăng mạnh 235,25USD so với đầu tháng 2/2022. Giá than cốc có xu hướng tăng liên tục kể từ quý III/2021, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất thép tăng.

VSA cũng cho biết thêm, giá cuộn cán nóng (HRC) ngày 8/32022 tại CFR cảng Đông Á cũng ở mức 890 USD/T, tăng khoảng 90 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 2/2022. Nhìn chung, thị trường thép cán nóng thế giới biến động, khiến thị trường HRC trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt (CRC, tôn mạ, ống thép) sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất.

Trước tác động giá cả nguồn cung thế giới, hàng loạt doanh nghiệp thép tiếp tục điều chỉnh giá.

Điển hình như, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen vừa thông báo giá bán mới từ ngày 31/3, tăng giá 300 đồng/kg với các mặt hàng tôn mạ, thép dây mạ, ống thép mạ kẽm và 2.000 đồng/m với mặt hàng tôn cách nhiệt Hoa Sen.

Trước đó, ngày 16/3, Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên (Tập đoàn Hoà Phát) cũng đã thông báo tăng thêm 610 đồng/kg đối với cả hai dòng thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tại ba miền Bắc, Trung, Nam.

Sau khi điều chỉnh, giá thép cuộn CB240 tại miền Bắc đã lên mức 18.940 đồng/kg; giá thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 19.040 đồng/kg. Còn tại miền Trung và miền Nam, hai sản phẩm này cũng có mức giá lần lượt là 18.990 đồng/kg và 19.090 đồng/kg.

Thương hiệu thép Kyoei, Việt Đức, Việt Nhật, Pomina cũng điều chỉnh tăng thêm từ 500 - 650 đồng/kg đối với thép cuộn CB24 và thép thanh vằn D10 CB300 trong đợt tăng gần nhất. Hiện mức giá của hai sản phẩm này ở mức giao động từ 18.000 đồng/kg đến 19.800 đồng/kg.

Như vậy, chỉ trong tháng 3, thị trường thép đã trải qua 6 lần tăng giá. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao khiến giá bán tăng.

Thị trường thép thế giới khan hiếm hàng, tiềm ẩn nguy cơ tăng giá

Theo đánh giá của các chuyên gia ngành thép, hoạt động sản xuất thép trong thời gian tới tiếp tục chịu tác động cuộc xung đột Nga - Ukraine, có nguy cơ biến thép thành một mặt hàng xa xỉ.

Giá thép thanh vằn tại Châu Âu trung tuần tháng 3 đã tăng lên mức cao kỷ lục mọi thời đại, 1.140 euro/tấn, cao hơn 150% so với cuối năm 2019; thép cuộn cán nóng, một dạng thép phổ biến khác, đã đạt mức cao kỷ lục khoảng 1.400 euro mỗi tấn, tăng gần 250% so với trước khi bùng phát đại dịch Covid-19. Giá thép cuộn cán nóng ở Bắc Âu thậm chí đạt 1.435 euro (1.583 USD)/tấn, theo dữ liệu hàng tuần của Kallanish Commodities Ltd.

Giá thép tại châu Âu đã tăng lên mức cao kỷ lục sau khi Brussels chuẩn bị cấm nhập khẩu thép từ Nga, đe dọa làm cho nguồn cung càng trở nên khan hiếm, buộc các thương nhân phải tăng giá bán do phải đối phó với việc mất đi nguồn thép xuất khẩu từ Ukraine, sau khi chi phí năng lượng tăng vọt trong thời gian qua đã làm gián đoạn hoạt động của một số nhà máy của lục địa này, làm hạn chế nguồn cung.

" Doanh thu thép 2 tháng 2022 tăng 18,5%

Số liệu từ VSA cũng cho hay, trong tháng 2/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,584 triệu tấn, tăng 1,16% so với tháng 1/2022 và tăng 16,1% so với cùng kỳ 2021. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 5,117 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Bán hàng thép các loại trong tháng 2 đạt 2,574 triệu tấn, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 30,1% so với cùng kỳ, nâng mức bán hàng thép thành phẩm trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt 5,014 triệu tấn, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất khẩu đạt 1.126.017 tấn, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái."

Các chuyên gia ngành thép cho biết thêm, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường quan trọng đối với các nhà sản xuất thép Nga, nơi mà hầu hết thuộc sở hữu của các tỷ phú Nga. Ukraine thường là nhà cung cấp lớn thứ 5 cho châu Âu.

EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số hoạt động xuất khẩu thép từ Nga và đã nhắm vào hầu hết các nhà tài phiệt của nước này, những người sở hữu các nhà máy lớn trong ngành thép Nga.

Một lý do khiến giá tăng đột biến là do quy mô khổng lồ của ngành thép Nga và Ukraine. Nga là nhà xuất khẩu thép lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản, trong khi Ukraine là nước sản xuất lớn thứ tám.

Ngoài ra, giá thép tăng cao cũng do tác động của cuộc chiến đối với giá năng lượng và ngành thép bên ngoài nước Nga. Với việc xung đột tại Ukraine đã đẩy giá khí đốt tăng cao, giá điện tại châu Âu cũng tăng vọt, đạt mức cao kỷ lục vào đầu tháng này, trên 500 euro/megawatt giờ, tương đương cao hơn khoảng 10 lần so với trước khi xảy ra khủng hoảng. Giá tăng vọt đã buộc nhiều nhà máy nhỏ ở khắp châu Âu, từ Tây Ban Nha đến Đức phải đóng cửa, hoặc giảm sản lượng, chỉ hoạt động hết công suất vào ban đêm khi giá điện rẻ hơn.

Các nhà điều hành thép lo ngại rằng, xu hướng giá tăng vẫn chưa dừng lại, nếu giá điện tăng cao, kéo dài thì viễn cảnh thiếu hụt thép là có thật./.

Nguồn tin: Thời báo tài chính

ĐỌC THÊM