Sau công bố ngày 7/3/2016 của Bộ Công thương về quyết định áp thuế tự vệ tạm thời với mặt hàng thép có hiệu lực ngày 22/3/2016, hơn 2 tuần qua, thị trường thép đã liên tục “nhảy múa”.
Nhà thầu “lãnh đủ”
Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) hiện đang là tổng thầu của khá nhiều dự án từ cầu đường, nhà máy nhiệt điện, khu công nghiệp, bệnh viện, khu đô thị… Hai tuần nay, giá thép tăng đột biến và đột ngột khiến doanh nghiệp không kịp trở tay.
Ông Lê Đình Khánh Quốc, Trưởng phòng Tư vấn Quản lý dự án CC1 cho biết, chỉ trong thời gian ngắn giá thép tăng từ 15 – 20%, tỷ trọng thép trong công trình lại chiếm phần lớn. Các nhà máy thép sản xuất không đủ để cung cấp, vì thế công trình phải ngưng trệ do không có thép để làm.
“Nguy cơ bị phạt tiến độ đối với chúng tôi rất cao, đồng thời các dự án đang thực hiện, đàm phán lại chủ đầu tư thì không được. Mặc dù chúng tôi có lường trước trong dự toán dự phòng rủi ro khoảng 0,5 – 1% cho vật tư, nhân công… nhưng để cạnh tranh, muốn thắng thầu chúng tôi buộc phải chào sát giá. Nếu giá thép vẫn tăng với tốc độ hiện nay thì doanh nghiệp cầm chắc thua lỗ. Còn những dự án đang dự thầu thì phải điều chỉnh lại giá và nếu cứ “lình xình” có nguy cơ bị thu lại bảo lãnh dự thầu”, ông Quốc lo lắng.
Theo ông Lê Hữu Nghĩa, TGĐ Công ty Xây dựng Lê Thành, thép tăng trong giai đoạn ngắn hạn thì nhà thầu là người chịu hậu quả vì hầu hết các dự án đang xây dựng giai đoạn này đều giao hết cho nhà thầu nên đơn giá bất động sản chưa có gì biến động. Nhưng nếu thép vẫn tăng sau 2 tháng nữa thì chủ đầu tư phải chia sẻ rủi ro đó với nhà thầu. Việc đó đồng nghĩa chủ đầu tư các dự án sẽ phải tính toán lại giá bất động sản nên chắc chắn có sự thay đổi.
“Đối với nhà ở xây dựng riêng lẻ, thép chiếm khoảng 20% tổng giá trị phần thô, do đó giá thép tăng cũng làm ảnh hưởng đến thị phần này”, đại diện một đơn vị xây dựng chia sẻ.
Ai là người được hưởng lợi?
Theo lý giải của ông Đỗ Duy Thái, TGĐ Công ty Thép Pomina, giá thép tăng đột biến như vậy cũng thật khó hiểu. Vì nguyên liệu đầu vào nếu có tăng thì cũng tăng nhẹ nên không bao giờ đột biến như vậy.
“Theo tôi, việc tăng giá thép là hệ quả của việc tăng thuế và bản thân Pomina đã kiến nghị lên Chính phủ là doanh nghiệp chúng tôi đủ năng lực để cạnh tranh với Trung Quốc”, ông Thái khẳng định.
Theo ông Thái, hiện thị trường rất nhạy bén, ngay sau quyết định của Bộ Công thương họ đã dự báo được giá thép sẽ tăng trong thời gian tới nên đổ xô đi mua. Năng lực sản xuất của Pomina khoảng 80 ngàn tấn/tháng thì trong tháng đã đăng ký mua đến 120 ngàn tấn.
Pomina đã quyết định tăng thêm 250 ngàn đồng/tấn nhưng thời điểm này chủ yếu là trả hàng theo đơn và không nhận thêm đơn hàng mới. Như vậy, đến hết tháng ba và cả nửa đầu tháng 4/2016, Pomina chỉ đủ lượng thép để trả đơn hàng.
Ngoài ra ông Thái cũng không biết liệu có việc doanh nghiệp và các đại lý cấu kết để trục lợi đẩy giá thép lên hay không. “Nhưng không có chuyện nhà máy cấu kết với đại lý”, ông Thái khẳng định.
Thông tin thêm, các đơn vị xây dựng cho biết, đến hôm nay các đại lý đã đưa báo giá xuống các công ty xây dựng với giá đã bình ổn ở mức tăng 20%.
Nguồn tin: Xây dựng