Do tăng thuế hay nhu cầu phục hồi?
Thực tế, có thể dự đoán trước giá thép sẽ bật tăng ngay sau khi Bộ Công thương ban hành quyết định áp thuế tự vệ đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu, tuy nhiên, mức tăng khá mạnh và đột ngột chỉ trong thời gian ngắn là yếu tố ngoài dự báo và kiểm soát.
Theo đánh giá của người tiêu dùng và các DN, nguyên nhân chính khiến giá tăng là việc tăng thuế nhập khẩu đối với phôi thép do áp thuế tự vệ. Nhiều cửa hàng và các DN sản xuất thép đã tăng mạnh giá bán do tâm lý tăng thuế thì tăng giá.
Trong số này, CTCP thép Pomina (DN sản xuất phôi thép) và một số DN sản xuất thép phụ thuộc vào phôi thép nhập khẩu, vốn phản đối việc áp thuế tự vệ, đều rục rịch tăng giá để thích ứng với việc tăng thuế.
Tuy nhiên, theo nhận định của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá thép tăng không chỉ do áp thuế tự vệ đối với thép nhập khẩu mà sâu xa hơn là do trùng vào thời điểm hồi phục của nhu cầu thép xây dựng tại thị trường thế giới và trong nước.
Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA, trên thực tế, trước khi ban hành quyết định áp thuế tự vệ, giá thép trong tháng 1 và tháng 2/2016 tại thị trường trong nước đã có dấu hiệu tăng trở lại, do nhu cầu về phôi thép và thép xây dựng nội địa tăng, đón bắt tín hiệu ấm lên của thị trường bất động sản và chuẩn bị bước vào mùa xây dựng.
Số liệu thống kê của VSA cho thấy, trong 2 tháng đầu năm, tổng sản lượng thép tiêu thụ các loại trên thị trường đã tăng gấp đôi, trong đó riêng các mặt hàng thép xây dựng đã tăng hơn 56% so với cùng kỳ năm 2015. Mặt khác, theo phân tích của ông Dũng, thị trường thép nguyên liệu thế giới có dấu hiệu phục hồi từ đầu năm cũng là yếu tố khiến giá thép tăng trở lại. Hai yếu tố này xảy ra trùng thời điểm và cùng kết hợp đã khiến giá thép trong nước tăng mạnh trong những ngày qua.
Cơ quan quản lý cần vào cuộc kịp thời
Vấn đề quan trọng hiện nay là cần có giải pháp kịp thời đủ mạnh để ổn định lại thị trường và đưa giá thép về đúng giá trị. Thực tế, mặc dù mức thuế tự vệ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22/3, song ngay từ khi quyết định trên được ban hành vào đầu tháng 3 cho tới nay, nhiều đại lý và DN thương mại trung gian phân phối thép đã găm hàng tích trữ, chờ thuế tăng để bán giá cao, tạo sự khan hiếm hàng và hiện tượng sốt ảo, gây tác động tiêu cực đối với thị trường.
Đáng chú ý là trong số các DN tăng giá bán, ngoài các DN sản xuất phụ thuộc vào phôi thép và thép nhập khẩu thì thậm chí, một vài DN là nguyên đơn yêu cầu áp thuế tự vệ đối với thép nhập khẩu cũng có dấu hiệu tranh thủ “đục nước béo cò”, tăng giá để kiếm lợi.
Trước tình trạng này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: “Áp dụng thuế tự vệ là biện pháp bất đắc dĩ để bảo hộ sản xuất trong nước, mục đích nhằm bảo vệ và hỗ trợ các DN nội địa trong một giai đoạn nhất định để có điều kiện khôi phục và đẩy mạnh sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh. Việc nhiều DN đã được bảo hộ nhưng ỷ lại, cố tình không nhận thức đúng mục tiêu này, tranh thủ cơ hội tăng giá là điều không thể chấp nhận được”.
Theo ông Long, đây là lúc cần bàn tay hữu hình của Nhà nước can thiệp kịp thời nhằm ổn định thị trường. “Các cơ quan chức năng, bao gồm Bộ Công thương, Bộ Tài chính, cơ quan quản lý thị trường… phải vào cuộc ngay lúc này, thông qua việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Nếu phát hiện DN nào có dấu hiệu tăng giá trục lợi cần phạt nặng và truy thu để làm gương cho các DN khác”, ông Long đề nghị.
Đây là biện pháp hữu hiệu nhất để cơ quan chức năng ổn định thị trường thay vì rút lại quyết định áp thuế tự vệ. “Việc rút lại quyết định này không những không thể bảo vệ sản xuất trong nước mà còn làm ảnh hưởng đến việc ra quyết định những lần sau”, ông Long nói.
Bản thân người đứng đầu VSA cũng lên tiếng kêu gọi các DN sản xuất thép trong nước tăng cường sản xuất để bình ổn giá thép trên thị trường. “Các doanh nghiệp phải có kế hoạch sản xuất, kinh doanh hợp lý, đẩy mạnh sản xuất phôi thép và thép dài, cung cấp đủ nhu cầu trong nước với chất lượng và giá cả cạnh tranh phù hợp với biến động thị trường giá thép thế giới”, ông Hồ Nghĩa Dũng nhấn mạnh.
Nguồn tin: ĐTCK