Trong tuần qua (29/8 - 4/9) giá thép đã có phiên tăng nhẹ sau chuỗi giảm 15 lần liên tiếp trong gần 4 tháng với mức chỉnh tăng từ 110 - 600 đồng/kg.
Bật tăng trở lại
Ngày 31/8 vừa qua chứng kiến thị trường thép trong nước sau 15 lần giảm đã bật tăng trở lại. Các DN thép đã thông báo tăng giá theo mức dao động từ 110 - 600 đồng/kg.
Cụ thể, thương hiệu thép Hòa Phát điều chỉnh tăng giá bán 260 với 150 đồng, tương ứng với 2 dòng sản phẩm của hãng gồm dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.630 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.280 đồng/kg.
Hay với thép VAS, với thép cuộn CB240 ở mức 14.210 đồng/kg - tăng 210 đồng; dòng thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.570 đồng/kg - tăng 180 đồng. Hiện giá thép trong nước dao động ở mức 14.000 - 15.000 đồng/tấn tùy vào loại thép và thương hiệu.
Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo nguồn cung bất động sản hồi phục và chính sách đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép.
Tuy nhiên, các dự án xây dựng sẽ được đẩy mạnh khi giá thép duy trì ở mặt bằng giá ổn định. Vì vậy, sự tăng trưởng sẽ được phản ánh sau vào thời điểm giá thép ổn định.
Cụ thể, nguồn vốn kế hoạch giải ngân trong năm 2022 và 2023 còn lại rất nhiều sẽ là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy xây dựng các dự án hạ tầng cũng như nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng
Cùng với đó, nguồn cung bất động sản trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt trong 2023 sau quá trình siết chặt nguồn vốn vào thị trường bất động sản năm 2022. VCBS kỳ vọng chính sách sẽ dần nới lỏng cho các chủ đầu tư vào năm 2023 giúp nguồn cung được hồi phục rõ rệt.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang khẩn cấp rà soát các vấn đề về pháp lý và hoàn thiện khung pháp luật liên quan tới lĩnh vực bất động sản để tháo gỡ những khó khăn giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định hơn.
Kỳ vọng từ thị trường Trung Quốc
VCBS kỳ vọng giá thép có thể hồi phục trong nửa cuối 2023 sau khi giảm về mặt bằng giá thấp hơn hiện tại, nguyên nhân đến từ việc các chính sách kích thích cần thời gian để thể hiện rõ tác động giúp vực dậy nhu cầu đang rất yếu của thị trường Trung Quốc.
Đồng quan điểm, theo CNBC, các công ty khai thác toàn cầu tự tin sự kích thích của Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu thép và quặng sắt. Cụ thể, những nhà cung cấp quặng sắt lớn nhất của Trung Quốc lạc quan về kế hoạch của Bắc Kinh đưa ra các chính sách và biện pháp kích thích để thúc đẩy ngành thép khi đất nước này phải đối mặt với những khó khăn kinh tế và ngành bất động sản đang gặp khó khăn.
Chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra nhiều chính sách kích thích bao gồm thêm 300 tỷ Nhân dân tệ (44 tỷ USD) hạn ngạch cho chi tiêu và đầu tư cơ sở hạ tầng của các ngân hàng - cao hơn mức 300 tỷ Nhân dân tệ đã được công bố vào cuối tháng 6.
Trong khi có những bất ổn xung quanh sức mạnh của nhu cầu và sản xuất thép ở Trung Quốc, các công ty khai thác như Tập đoàn Fortescue Metals của Australia cho biết, đến nay không có dấu hiệu nhu cầu giảm do tồn kho quặng sắt ở các cảng Trung Quốc ở mức thấp.
“Thị trường có tính chu kỳ, nó thường được xác định bởi triển vọng sản xuất thép ở Trung Quốc… và chúng tôi đã thấy Trung Quốc vào năm ngoái, chỉ sản xuất hơn một tỷ tấn thép thô. Chúng tôi nghĩ rằng, Trung Quốc có thể đang trên đà sản xuất một lượng thép thô tương tự trong năm dương lịch này" - Giám đốc điều hành của Fortescue, Elizabeth Gaines nói.
Năm ngoái, Trung Quốc đã sản xuất 1,033 tỷ tấn thép thô, mức giảm trong năm đầu tiên kể từ năm 2016. Sản lượng thép quốc gia trong 7 tháng đầu năm nay giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong dự báo của mình vào cuối năm ngoái, Viện nghiên cứu và quy hoạch ngành luyện kim Trung Quốc cho biết, họ dự kiến sản lượng năm 2022 của Trung Quốc sẽ chậm lại còn 1,017 tỷ tấn - giảm gần 1,5% so với năm trước.
Bất chấp nhu cầu về thép ở Trung Quốc không ổn định trong năm nay do các đợt đóng cửa của Covid-19, nguồn cung quặng sắt của Fortescue đã đạt mức kỷ lục 189 triệu tấn trong năm tài chính 2021/2022, cho phép công ty đạt mức thu nhập cao thứ hai với kỷ lục 17 tỷ USD cho cùng kỳ, kết quả tài chính cho thấy.
Khoảng 88% doanh số bán quặng sắt của Fortescue là cho Trung Quốc. Tuy nhiên, thu nhập của công ty đã giảm xuống mức 22 tỷ USD của năm ngoái do giá quặng sắt giảm, do phản ứng với điều kiện kinh tế đang suy yếu ở Trung Quốc trong năm nay.
Người phát ngôn của Fortescue nói rằng, trong khi có những bất ổn về sản xuất thép của Trung Quốc, công ty tin rằng Bắc Kinh “tăng đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ chính sách liên tục của chính phủ và nới lỏng hơn nữa các chính sách Zero - Covid” sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu thép và do đó, sản xuất. Các nhà cung cấp quặng sắt chính khác cũng tích cực về lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc.
Giám đốc điều hành BHP Anh - Úc Mike Henry cho biết, trong khi công bố kết quả hàng năm của BHP hai tuần trước rằng ông kỳ vọng Trung Quốc sẽ là “nguồn ổn định cho nhu cầu hàng hóa trong năm tới, với sự hỗ trợ chính sách đang dần được giữ vững”.
Ông cho biết, ngay cả trong các đợt ngừng hoạt động lớn trong quý II của năm, tỷ lệ sử dụng lò của Trung Quốc - hay hoạt động của nhà máy thép - vẫn có khả năng phục hồi.
“Vì vậy, chúng tôi tin và tiếp tục tin rằng khi Trung Quốc thoát khỏi tình trạng bị khóa, vì có thêm một chút kích thích được cung cấp và tất cả các thiết lập chính sách mà chúng tôi thấy ở Trung Quốc hiện tại đều phù hợp với điều đó. Bao gồm các cuộc họp gần đây và những gì diễn ra trong số đó, chúng ta sẽ thấy nền kinh tế Trung Quốc có một bước tiến mới" - ông Henry nói.
Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị