Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá thép tăng vọt tại thị trường Trung Quốc, ảnh hưởng toàn cầu

 Thép là nguyên liệu chính được sử dụng trong xây dựng, thiết bị gia dụng, ôtô và máy móc. Giá thép Trung Quốc tăng vọt có thể kéo giá của các mặt hàng khác leo thang.

Quyết định tăng giá của các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại về rủi ro lạm phát ở nền kinh tế thứ hai thế giới. Điều đó sẽ gây tác động mạnh lên những nhà sản xuất nhỏ hơn, vốn không thể gánh chi phí tăng cao.

Theo South China Morning Post, giá hàng hóa tại Trung Quốc đồng loạt tăng mạnh so với mức trước đại dịch. Hôm 10/5, giá quặng sắt (thành phần quan trọng để sản xuất thép) giao sau tăng 10% lên mức cao kỷ lục 226 USD/tấn, trong khi giá thép vọt lên 6% chạm ngưỡng giới hạn giao dịch.

Tuần trước, giá quặng sắt lần đầu tiên vượt 200 USD/tấn. Trước đó, ba công ty khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới đều báo cáo sản lượng khai thác trong quý I/2021 thấp hơn quý IV/2020.

Mysteel đưa tin điều đó khiến gần 100 nhà sản xuất thép Trung Quốc, bao gồm những nhà sản xuất hàng đầu như Hebei Iron & Steel Group và Shandong Iron & Steel Group, đồng loạt nâng giá.

Tác động lan tỏa

Baosteel thuộc Baowu Steel Group - nhà sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc - cho biết sẽ tăng giá thép giao tháng 6 hơn 10% lên 1.000 NDT (tương đương 155 USD).

Giá thép bắt đầu vọt lên kể từ tháng 2. Giá tăng lần lượt 7,6%, 6,9% và 6,3% trong tháng 2, tháng 3 và tháng 4, theo tính toán của South China Morning Post dựa trên chỉ số giá thép nội địa của Trung Quốc. Tính đến ngày 7/5, thép ở thị trường Trung Quốc tăng giá 29% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận của các nhà sản xuất thép tại Trung Quốc cũng tăng đáng kể. Một phần nguyên nhân là nhu cầu mạnh mẽ trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc tăng mạnh chi tiêu vào cơ sở hạ tầng và xây dựng.

Trước đó, Bắc Kinh áp đặt hạn chế đối với sản lượng của những kim loại như thép và nhôm để giảm lượng khí thải nhà kính. Đây là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nằm xây dựng một nền kinh tế trung hòa carbon vào năm 2026.

Trung Quốc cũng cắt giảm mua thép, than, đồng và các mặt hàng khác từ Australia khi mối quan hệ giữa hai quốc gia trở nên tệ hại sau khi dịch Covid-19 bùng phát.

Theo Bloomberg, Trung Quốc - nước tiêu thụ nguyên liệu thô lớn nhất thế giới - cũng phải tranh giành nguồn cung ít ỏi với những nền kinh tế khác. Các gói chi tiêu mạnh tay của nhiều quốc gia trên toàn cầu giúp nền kinh tế đứng dậy từ cuộc khủng hoảng, thúc đẩy nhu cầu tăng vọt.

Giới phân tích nhận định nguồn cung hạn hẹp và sự gián đoạn chuỗi cung ứng vì dịch Covid-19 cũng "đổ thêm dầu vào lửa".

Theo South China Morning Post, dù chưa tác động lên lạm phát nói chung, giá cả tăng vọt có thể đe dọa một loạt ngành công nghiệp khác. Bởi thép là nguyên liệu chính được sử dụng trong xây dựng, thiết bị gia dụng, ôtô và máy móc.

Giá thép tăng vọt có thể đe dọa một loạt ngành công nghiệp khác. Bởi thép là nguyên liệu chính được sử dụng trong xây dựng, thiết bị gia dụng, ôtô và máy móc

Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc, giá thép cây được sử dụng trong xây dựng đã tăng 10% lên 5.494 NDT/tấn. Trong khi đó, giá thép tấm cán nguội - chủ yếu dùng cho ôtô và thiết bị gia dụng - leo dốc 4,6% tới 6.418 NDT/tấn.

Giá quặng sắt tăng cao ở Trung Quốc trong bối cảnh xung đột thương mại với Australia, nhà cung cấp lớn nhất của đất nước 1,4 tỷ dân. Sự phụ thuộc vào Australia khiến một số nhà sản xuất thép Trung Quốc lo ngại.

Hai nhà phân tích Guo Hao và Cao Yun cảnh báo Trung Quốc không nên giảm nhập khẩu quặng sắt từ Australia. Bởi điều đó sẽ “đẩy giá lên đáng kể”. "Trung Quốc có thể sử dụng các biện pháp dài hạn khác như tăng nhập khẩu ở những quốc gia khác nhằm giảm phụ thuộc vào Australia", hai nhà phân tích khẳng định.

Tiến thoái lưỡng nan

Ngoài ra, giới chuyên gia cho rằng động lực chính khiến giá thép và các nguyên liệu sản xuất thép tăng vọt là hoạt động đầu cơ. Bởi trên thực tế, khi giá leo dốc, một số nhà máy đã ngừng mua nguyên liệu, trì hoãn sản xuất và giao hàng.

Tuy nhiên, các nhà giao dịch vẫn mua bán hàng hóa trên thị trường giao ngay. "Giá quặng sắt và thép tăng chủ yếu do những giao dịch đầu cơ", nhà phân tích Wu Shiping của Tianfeng Futures nhận định.

Hồi đầu tháng 4, Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính Trung Quốc, do Phó thủ tướng Lưu Hạc đứng đầu, cam kết sẽ "duy trì sự ổn định cơ bản của giá cả" và đặc biệt chú ý đến giá cả hàng hóa.

Hôm 20/4, người phát ngôn Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc Huang Libin khẳng định bộ sẽ làm việc với các bên liên quan để ngăn chặn tình trạng mua, tích trữ, kiên quyết ngăn chặn tình trạng độc quyền thị trường và đầu cơ ác ý.

Bất cứ khi nào Bắc Kinh cho rằng giá cả đã biến động quá mạnh, các sàn giao dịch hàng hóa nhộn nhịp của Trung Quốc là mối nghi ngờ hàng đầu. Hôm 10/5, sau khi giá quặng sắt tăng vọt, Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tuyên bố sẽ "trừng phạt mạnh tay" những vi phạm trong các giao dịch mua bán quặng sắt.

Cơ quan này cũng tăng yêu cầu ký quỹ và thu hẹp biên độ giao dịch hàng ngày.

Giá quặng sắt và thép tăng chủ yếu do những giao dịch đầu cơ

Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải cũng cam kết thắt chặt giao dịch thép, trong khi sàn Trịnh Châu có động thái tương tự đối với than nhiệt.

Mục đích của các cơ quan quản lý Trung Quốc là hạ nhiệt dòng đầu cơ có thể đẩy giá tăng phi lý. Tuy nhiên, theo Bloomberg, vấn đề nằm ở chỗ cách tiếp cận trên chưa chắc có thể quản lý thị trường hàng hóa với những động lực của riêng chúng. Chẳng hạn, giá thép vẫn leo dốc trên toàn thế giới.

Bloomberg nhận định nỗ lực giảm khí thải của Trung Quốc cũng có thể khiến đất nước 1,4 tỷ dân gặp khó trong việc kiểm soát giá cả và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hậu đại dịch.

Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc buộc phải lựa chọn, hoặc là hạn chế sản xuất thép để giảm ô nhiễm và chấp nhận sự tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, hoặc cho phép sản lượng thép tăng và đáp ứng nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế.

Nguồn tin: Zingnews

ĐỌC THÊM