Giá sắt thép thế giới quay lại đà tăng, nhưng giá trong nước nhiều khả năng sẽ còn chững một thời gian nữa và sẽ tăng tốc vào quý IV khi hết độ trễ.
Giá sắt thép thế giới đang phục hồi
Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá quặng sắt niêm yết trên Sở Giao dịch Singapore (SGX) đã tăng vượt mức 120 USD/tấn, tương đương với mức tăng gần 10% so với mức giá đầu tháng 8.
Hiện giá quặng sắt ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 4 năm nay.
Quặng sắt là đầu vào quan trọng trong lĩnh vực sản xuất thép. Do đó, cùng xu hướng với giá sắt, giá thép thế giới cũng đang có tín hiệu phục hồi nhẹ sau một khoảng thời gian ảm đạm.
Giá thép trong nước sẽ tăng tốc vào quý IV khi hết độ trễ.
Đơn cử, hiện giá thép cây tại Trung Quốc đã tăng hơn 4% lên mức 3.761 nhân dân tệ/tấn. Trong khi đó, giá thép cuộn cán nóng đạt mức 3.976 nhân dân tệ/tấn, tương đương tăng gần 2% so với mức giá thiết lập vào giữa tháng 8.
Mức tăng trưởng tích cực này là nhờ Chính phủ Trung Quốc đã liên tục ban hành các biện pháp nhằm vực dậy đà tăng trưởng kinh tế bao gồm: hạ lãi suất cho vay, cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nới lỏng các quy định thế chấp mua nhà… sau một thời gian nền kinh tế lớn thứ hai thế giới liên tục gặp áp lực giảm phát, bất động sản trì trệ và niềm tin tiêu dùng suy yếu.
Các chính sách thường có độ trễ trong việc đem lại hiệu quả, nhưng niềm tin trong ngành tích cực hơn giai đoạn trước đã hỗ trợ cho giá sắt thép thế giới.
Ngoài ra, do mùa tiêu thụ cao điểm sắp đến, nhu cầu được kỳ vọng phục hồi cũng đã hỗ trợ cho giá quặng sắt. Tuy nhiên, bài toán nhu cầu trên thực tế vẫn sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức và điều này khiến đà tăng của giá sắt thép còn nhiều trở ngại.
Giá trong nước thế nào?
Trong thời gian giá sắt thép thế giới liên tục gặp áp lực từ khoảng đầu tháng 4, ở thị trường nội địa, giá thép cũng đã giảm 19 lần liên tiếp.
Lần điều chỉnh gần đây nhất là vào ngày 6/9, đưa giá thép về ngưỡng 13-14 triệu đồng/tấn . Đây là mức giá thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
MXV nhận định, giá thép trong nước thường có diễn biến theo xu hướng giá thế giới, nhưng sẽ có độ trễ nhất định do áp lực tồn kho và nhu cầu nội địa.
Đầu tư công, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, dự án nhà ở xã hội vẫn sẽ là điểm sáng cho nhu cầu sắt thép trong giai đoạn cuối năm.
Bên cạnh bối cảnh tiêu thụ ảm đạm chung, bức tranh nhu cầu nội tại còn yếu, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản khó khăn đã gây sức ép lên các doanh nghiệp thép trong nước.
Ngoài ra, giai đoạn mùa mưa thấp điểm vừa qua càng hạn chế hoạt động xây dựng và tiêu thụ vật liệu xây dựng, làm gia tăng áp lực lên bài toán nhu cầu.
Vì vậy, nhiều khả năng giá thép trong nước sẽ còn chững một thời gian nữa. Song, sẽ bật tăng tốc mạnh vào quý IV.
Đầu tư công, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, dự án nhà ở xã hội vẫn sẽ là điểm sáng cho nhu cầu sắt thép trong giai đoạn cuối năm, giúp cải thiện tình hình tiêu thụ trong nước.
Dữ liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cũng cho thấy, nhu cầu sắt thép có các tín hiệu khả quan, với mức tăng trưởng nhập khẩu đạt cao nhất từ đầu năm tới nay.
Cụ thể, trong tháng 8, Việt Nam nhập khẩu 1,28 triệu tấn sắt thép các loại, tương đương tăng 63,89% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 18,2% so với tháng 7.
Ngoài ra, cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5-2,0%/năm. Mặt bằng lãi suất thị trường cũng có xu hướng giảm.
Những thuận lợi trên sẽ giúp các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Theo đó, nhu cầu đầu tư bất động sản cũng được kỳ vọng sẽ tăng lên, tạo hiệu ứng tích cực cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có sắt thép.
Nguồn tin: Giao thông