Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá thép thế giới tháng 5/2020 nhìn chung sụt giảm

 Chỉ số giá các sản phẩm thép toàn cầu trong tháng 5/2020 tiếp tục giảm mạnh, thấp hơn khoảng 4% so với tháng liền trước và giảm trên 12% so với cùng tháng này năm ngoái. So với tháng 4/2020, giá thép tiếp tục giảm mạnh tại châu Mỹ và châu Âu, nhưng tăng nhẹ tại châu Á nhờ vào sự hồi phục giá thép tại Trung Quốc.


Thị trường thép toàn cầu tiếp tục bị tác động mạnh bởi các biện pháp phong tỏa ngăn chặn đại dịch Covid -19, gây tê liệt kinh tế của hầu hết các nước trên thế giới. Hiện đã có nhiều nước gỡ bỏ dần giãn cách, khôi phục sản xuất thép trở lại, tuy nhiên nhu cầu từ các ngành tiêu thụ thép chính đang rất yếu, không hỗ trợ được giá thép. Riêng tại Trung Quốc, giá thép đã tăng nhẹ do giá nguyên liệu vật liệu tăng và nhu cầu hồi phục.

Chỉ số giá thép Châu Á trong tháng 5/2020 tăng nhẹ 1,19% so với tháng liền trước, nhưng giảm 9% so với cùng tháng năm ngoái.


Tại Trung Quốc đại lục, chỉ số giá thép tăng 1% so với tháng liền trước, nhưng giảm 11% so với cùng thời điểm này năm ngoái. Hoạt động xây dựng phục hồi nhanh chóng kể từ giữa tháng 4/2020 và đến đầu tháng 5/2020 đã đạt gần mức của một năm trước, tồn kho thép giảm, chi phí tăng cao. Sản xuất thép cây trong tháng 4/2020 đã lên tới 21,11 triệu tấn, tăng 1,1% so với cùng tháng năm ngoái. Giá thép không gỉ đặc biệt tăng mạnh do nguồn cung hạn chế. Tập đoàn Tisco tăng giá thép không gỉ cán nguội 304 thêm 50 CNY/tấn và Hongwang tăng 100 CNY/tấn. Giá thép không gỉ cán nguội 304/2B đạt trung bình 14.069 CNY/tấn trong ngày 15/5/2020.


Tại Đài Loan (TQ), nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng yếu do mùa mưa trong khi nguồn cung phế liệu hiện đang ở mức cao khiến các nhà máy thép giảm giá thép từ 100-200 USD/tấn. Tại nhà máy E-Sheng Steel Co., giá thép thanh góc SS400 cỡ nhỏ đạt 18.400-19.400 TWD/tấn; thanh góc A36 là 18.400 TWD/tấn; thép thanh phẳng A36 và SS400 là 18.400-20.300 TWD/tấn; thanh sắt tròn A36 là 16.400 - 17.400 TWD/tấn.


Tại Ấn Độ, nhu cầu tiêu thụ thép nội địa hồi phục nhẹ do hoạt động kinh tế đã bắt đầu khởi động lại, các nhà máy ô tô, các công trình xây dựng đã dần khôi phục. Hoạt động nhà máy giữ ở mức tối thiểu và lưu trữ hàng thành phẩm chờ cơ hội xuất khẩu và chính sách hỗ trợ của chính phủ.


Tại Hàn Quốc, ngành công nghiệp thép đang hoạt động trở lại tuy nhiên nhu cầu còn rất yếu từ các đối tác tiêu thụ thép lớn như xây dựng, đóng tầu, ô tô. Các nhà sản xuất thép tiếp tục cắt giảm sản xuất để hạn chế tình trạng dư cung.


Tại Nhật Bản, đã có nới lỏng giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành vào nửa cuối tháng 5 song nhu cầu tiêu thụ vẫn yếu từ các khách hàng lớn như ô tô, xây dựng khiến các doanh nghiệp phải giảm giá khoảng 6-11%.


Tại Việt Nam, thị trường thép đã dần hồi phục trở lại sau khi lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ, nhu cầu tiêu thụ thép tăng dần. Giá bán thép tại các nhà máy sản xuất thép ở mức 10.000-12.400 đồng/kg (giá giao tại nhà máy, chưa bao gồm 10% VAT, chiết khấu bán hàng). Hiện tại, giá thép xây dựng bán lẻ phổ biến trên thị trường như sau: tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung dao động ở mức 10.200-12.800 đồng/kg; tại các tỉnh miền Nam dao động ở mức 11.000-13.000 đồng/kg.


Chỉ số giá thép Châu Âu trong tháng 5/20 do SteelHome công bố cho thấy sự sụt giảm thêm gần 6,7% so với tháng liền trước và giảm hơn 11% so với cùng tháng năm ngoái.


Theo Scrapmonster.com, giá thép băng cán nóng vào ngày 14/5/2020 giao dịch ở mức 436 USD/tấn, giảm 37 USD so với tháng liền trước.


Giá thép tại Châu Âu đang giảm mạnh do cung hiện đang vượt xa cầu. Nhu cầu sụt giảm kéo dài gây ra bởi Covid-19 trong khi nguồn cung lớn, thép nhập khẩu giá rẻ chào bán nhiều. Nhiều nhà máy thép đã hoạt động trở lại, nhưng nhu cầu nội địa rất thấp khiến họ đang tìm kiếm bạn hàng từ bên ngoài, đồng thời hạn chế sản xuất. Các đơn hàng được đặt trước đây từ Trung Quốc và Hàn Quốc dành cho các nhà sản xuất ô tô, đã đến trong thời gian phong tỏa và hiện đang chờ thông quan.


Ở Bắc Âu, khối lượng mua thép cây vẫn ổn định do nhiều dự án đang được tiến hành, do đó giá tương đối ổn định.


Giá thép cuộn cán nóng xuất xưởng Ruhr đã giảm 11% kể từ đầu tháng 3/2020 xuống còn 428.50 Euro/tấn (463 USD/tấn) vào cuối tháng 5/2020 do ngưng trệ sản xuất ô tô. Bán ô tô ở châu Âu giảm 76% trong tháng 4/2020.


Thép xây dựng cũng có xu hướng giảm theo nhu cầu yếu, mặc dù hạn ngạch nhập khẩu thép cây đối với một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ đã cạn kiệt và người mua châu Âu phải tìm kiếm nhiều hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước.


Tại châu Mỹ, chỉ số giá thép giảm 14% so với tháng liền trước và giảm gần 20% so với cùng tháng năm ngoái.


Tại Mỹ, giá thép giảm do nhu cầu tiêu thụ giảm sút mạnh. Giá thép thanh cán nóng đạt 552 USD/tấn trong ngày 22/5/2020, giảm 25 USD/tấn so với tháng trước và giá dao động trong tháng từ 543 đến 976 USD/tấn.


Covid khiến nhiều khách mua hàng hủy bỏ đơn hàng và nhu cầu thị trường nội địa suy yếu. Mặc dù một số nhà máy thép tấm bắt đầu giảm công suất để phù hợp với sự thay đổi thị trường, nhưng giá dự kiến sẽ giảm hơn nữa trong thời gian tới.


Một số nhà sản xuất thép hàng đầu của Mỹ như US Steel Corporation, Nucor và ArcelorMittal đang hy vọng có thể tăng giá thép do tình hình COVID-19 đã giảm bớt.


Chính phủ Mỹ cũng đã lên kế hoạch đầu tư 2,3 nghìn tỷ USD để kích thích thị trường, đây có thể là cơ hội tốt để phục hồi hậu COVID.


Thống kê từ Viện Sắt và Thép Mỹ (AISI), trong tuần kết thúc ngày 16/5/2020, sản lượng thép thô của nước này đạt 1,18 triệu tấn, giảm 1,9% so với tuần trước đó và giảm 37,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Công suất sử dụng đạt 52,7%, giảm 1% so với tuần trước đó và giảm 28,1% so với cùng kỳ năm ngoái.


Tính từ đầu năm đến 16/5/2020, sản lượng thép thô của Mỹ đạt 32,04 triệu tấn, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Công suất sử dụng đạt 71,2%, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn tin: Vinanet

ĐỌC THÊM