Giá thép đã liên tục giảm trong nhiều tháng qua, nhưng mức tiêu thụ của ngành thép vẫn ở mức thấp.
Ngày 14/7, một số doanh nghiệp sản xuất thép hạ 140.000 - 410.000 đồng/tấn với sản phẩm thép vằn thanh D10 CB300. Giá thép cuộn CB240 cũng được điều chỉnh giảm 110.000-310.000 đồng/tấn.
Cụ thể, thép Hòa Phát miền Bắc hạ 140.000 đồng/tấn đối với dòng thép vằn thanh D10 CB300. Tại miền Trung và miền Nam, giá thép D10 CB300 giảm 150.000 đồng/tấn. Giá sau điều chỉnh ở 3 miền lần lượt là 14,24 triệu đồng/tấn, 14,19 triệu đồng/tấn và 14,09 triệu đồng/tấn. Còn giá thép cuộn CB240 vẫn giữ nguyên so với đợt điều chỉnh trước.
Tương tự, thép Việt Ý hạ giá thép D10 CB300 150.000 đồng/tấn, xuống còn 13,99 triệu đồng/tấn. Đối với thép Việt Đức, giá bán thép cuộn CB240 hiện ở mức 13.840 đồng/kg và giá thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 14.090 đồng/kg.
Thép Việt Nhật hạ giá 260.000 đồng/tấn với thép vằn thanh D10 CB300, xuống còn 13,8 triệu đồng/tấn. Thép cuộn CB240 giảm 110.000 đồng/tấn, xuống còn 13,8 triệu đồng/tấn.
Thép Pomina miền Trung giảm 310.000 đồng/tấn với thép D10 CB300 và 200.000 đồng/tấn với thép CB240. Sau điều chỉnh, giá thép lần lượt là 14,79 triệu đồng/tấn và 14,59 triệu đồng/tấn.
Tại miền Nam, thép Pomina giảm 410.000 đồng/tấn với thép D10 CB300 và 310.000 đồng/tấn với thép CB240. Sau điều chỉnh, giá thép lần lượt là 14,69 triệu đồng/tấn và 14,48 triệu đồng/tấn.
Một số doanh nghiệp khác cũng ghi nhận điều chỉnh giảm giá như thép Tung Ho, thép Thái Nguyên, thép Việt Sing, Việt Mỹ,...
Tính từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng đã có 12-13 đợt giảm liên tiếp, hiện thép CB240 ở mức 13,74 - 14,48 triệu đồng/tấn; còn D10 CB300 khoảng 14,06 - 15,1 triệu đồng/tấn.
Theo số liệu từ VSA, sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 6 đạt 738.196 tấn, giảm 9% so với tháng trước và giảm 20% so với tháng 6/2022. Lượng bán hàng đạt 874.441 tấn giảm 6% so với tháng trước và giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt 149.623 tấn, giảm 21,5%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng thép xây dựng sản xuất đạt gần 5 triệu tấn, giảm 25,5% so với cùng kỳ 2022. Lượng tiêu thụ đạt gần 5,1 triệu tấn, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó xuất khẩu đạt 831.000 tấn, giảm 38%.
Kỳ vọng cuối năm
Theo Reuters, giá quặng sắt kỳ hạn tăng phiên thứ ba liên tiếp vào hôm thứ Năm (13/7), nhờ dữ liệu nhập khẩu quặng sắt mạnh trong tháng 6 của Trung Quốc và tăng trưởng tín dụng, mặc dù triển vọng kinh tế ảm đạm và căng thẳng địa chính trị đã hạn chế đà tăng.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc đã chốt phiên với giá cao hơn 1,6% ở mức 829 nhân dân tệ/tấn (tương đương 115,68 USD/tấn), mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 30/6.
Dữ liệu hải quan cho thấy nhập khẩu quặng sắt trong tháng 6 của Trung Quốc tăng 7,4% nhờ nhu cầu vững chắc từ các nhà sản xuất thép trong nước, mặc dù khối lượng tháng 6 thấp hơn một chút so với 96,18 triệu tấn nhập khẩu trong tháng 5.
Ngân hàng Quốc gia Úc cho biết trong một báo cáo rằng giá quặng sắt cũng được nâng lên chỉ sau một đêm nhờ dữ liệu tín dụng tích cực từ Trung Quốc khi tổng tài chính cho tháng 6 tăng, vượt qua kỳ vọng của thị trường - một dấu hiệu tích cực cho thị trường bất động sản.
Tại Việt Nam, mặc dù đối mặt nhiều thách thức nhưng nền kinh tế có những điểm sáng. Cụ thể, để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận dòng vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành hạ lãi suất lần thứ tư liên tiếp.
Chi phí tín dụng giảm sẽ là yếu tố hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép trong nước, góp phần cải thiện lợi nhuận trước thuế. Chính phủ cũng liên tục điều hành một cách quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đốc thúc Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh điều kiện cho vay thuận lợi hơn, tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay.
Sắt thép là loại nguyên vật liệu quan trọng với các công trình xây dựng, công trình cao tốc. Vì thế, việc giá sắt duy trì ở vùng giá hợp lý như hiện nay sẽ góp phần làm giảm bớt sức ép chi phí đối với các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, triển vọng đầu tư công vẫn sẽ hỗ trợ khơi thông tiêu thụ sắt thép trong nước. Năm 2023, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công với tổng số vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022.
Kỳ vọng thị trường bất động sản dần phục hồi vào giai đoạn cuối năm 2023 cũng được coi là nền tảng thuận lợi cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng.
Nguồn tin: Cafef