Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá thép trong nước sẽ tiếp tục tăng vào quý IV?

 Ảnh hưởng từ giá thép thế giới tiếp tục tăng nhanh do nguồn cung giảm, giá thép trong nước cũng đã tăng mạnh. Dự báo, trong quý IV, giá thép trong nước sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung tiếp tục được kiểm soát và nhu cầu ngày càng tăng.


Giá thép được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Trước những diễn biến của thị trường thế giới đang thừa nguồn cung, ngành thép toàn cầu đang nỗ lực thoát khỏi tình trạng vừa nêu nhằm vực giá thép thoát khỏi tình trạng bất định.

Vựa thép Trung Quốc cắt giảm 100 triệu tấn

Trung Quốc là một trong những quốc gia có tác động mạnh mẽ tới việc kiểm soát nguồn cung ngành thép toàn cầu. Là một nước có sản lượng sản xuất thép thô chiếm 50% toàn cầu, thời gian gần đây Trung Quốc đã quyết định giảm 30% sản lượng xuất khẩu và cắt giảm sản lượng sản xuất lên tới 100 triệu tấn. Con số này tương đương với tổng sản lượng sản xuất của Nhật Bản hàng năm.

Theo đó, thép Trung Quốc cũng đã không tràn ra thị trường nước ngoài nhiều như trước đây, do khoảng cách giữa cung và cầu trong thị trường nội địa đã được rút ngắn. Cụ thể, xuất khẩu thép của Trung Quốc đã giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái xuống mức thấp nhất 3 năm trở lại đây, tương đương khoảng 40 triệu tấn. Điều này đã phần nào làm giảm áp lực lên ngành thép của khu vực Đông Á.

Ngoài việc cắt giảm sản lượng, giảm xuất khẩu, Trung Quốc cũng đã nhận thấy phải tái cơ cấu lại các cơ sở sản xuất quốc doanh. Kế hoạch này đã mang lại kết quả khả quan khi giảm được 65 triệu tấn trong năm 2016 và khoảng 42 triệu tấn từ năm đầu năm nay.

Trước tình hình nguồn cung đã giảm từ vựa thép Trung Quốc điều này đã phần nào tác động đến giá thép cuốn nóng tại khu vực Đông Á. Cụ thể, giá trung bình của thép cuốn nóng đã có xu hướng tăng gần 2 lần, từ mức đáy 300 USD/tấn tính từ tháng 2 năm 2016 đã tăng lên 555 USD/ tấn vào tháng 9 năm 2017. Đây là mức tăng cao nhất của mặt hàng này kể từ năm 2014 do nhu cầu lớn từ nhiều nhà sản xuất.

Mặc dù sản lượng sản xuất thép giảm, song nhu cầu thép từ thị trường nội địa trong những tháng đầu năm nay của Trung Quốc lại tăng mạnh, do các chính sách khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã tăng khoảng 20% tương đương với 5,9 nghìn tỷ NDT bằng 892 tỷ USD.

Dự báo về nhu cầu thép những tháng cuối năm, Phó chủ tịch Hiệp hội Sắt, Thép Trung Quốc cho biết, dự kiến nhu cầu thị trường thép nội địa nước này sẽ tăng 3 – 4%. Đây là mức tăng cao hơn so với dự kiến của Hiệp hội nước này trước đó.

Ngoài yếu tố cung – cầu là một trong những yếu tố tác động đến giá thép thì việc cháy một nhà máy sản xuất thép của Công ty Thép Plates Bengang (Trung Quốc) cũng đã đẩy giá thép cán nóng trên sàn giao dịch Tương lai Thượng Hải tăng lên mức kỉ lục đạt 4,4 nghìn nhân dân tệ/tấn tương đương với 674,48 USD/tấn. Điều này cũng đã đẩy giá thép thế giới lên đỉnh cao nhất trong nhiều năm qua.

Giá thép công nghiệp trong nước tăng 20%

Tại thị trường trong nước, giá thép luôn biến động tức thì theo giá thế giới. Theo đó, giá thép công nghiệp cũng đã tăng 20% từ đầu quý III đến nay và được dự báo khó giảm trong vài tuần tới.

Đại diện một của hàng bán thép cho biết, giá thép xây dựng các loại vẫn trên đà tăng trong vài tuần qua. Giá thép xây dựng bán ra chưa có thuế VAT là 14,5 triệu VND/tấn. Đây là mức giá cao hơn vài tuần trước 1 triệu đồng/tấn. Tương tự, giá thép công nghiệp cũng đang trên đà tăng. Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch HĐTV Công ty Thép Khương Mai nhận định: “Hiện nay, do ảnh hưởng từ Trung Quốc, giá thép cán nóng đang dao động ở mức 590 – 620 USD/ tấn, mặc dù, tháng trước chỉ 420 – 450 USD/tấn”. Như vậy, giá thép hiện giờ ở trong nước đang ở mức cao nhất tính từ năm 2009 – 2010 trở lại đây và chỉ thấp hơn đỉnh của năm 2008 là trên 700 USD/tấn.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo, các nhà máy sản xuất thép dẹt ở châu Âu sẽ tăng giá chào mua hàng lên tới 40 Euro/tấn do chi phí đầu vào và nhu cầu thép phế liệu toàn cầu tăng. Ngoài ra, giá thép phế liệu Thổ Nhĩ Kỳ hiện đạt mức cao kỉ lục trong 5 năm qua, điều này sẽ đẩy giá thép phế liệu của Mỹ cũng tăng theo.

Lý giải nguyên nhân khiến giá thép trong nước và quốc tế tăng liên tục trong thời gian gần đây, Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: Tình hình kinh tế Trung Quốc phục hồi, nhu cầu về đầu tư cơ sở hạ tầng tăng kéo theo sản lượng tiêu thụ thép của nước này cũng tăng.

"Do nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp thép tăng, làm cho giá nguyên liệu quặng sắt, than cốc, thép phế liệu tăng, kéo theo giá bán thành phẩm phôi thép, thép cuộn cán nóng và thép thành phẩm tăng theo", ông Sưa nói.

Trong những năm gần đây, ngành thép Việt Nam phát triển rất mạnh tuy nhiên chưa cân đối. Trong đó, là do mất cân đối giữa thép dài và thép dẹt và Việt Nam chưa sản xuất được thép cuộn cán nóng dẹt. Trong khi, đây là nguyên liệu chính để sản xuất thép cuộn cán nguội, tôn mạ kẽm, tôn phủ màu hoặc các loại ống thép phục vụ cho hoạt dộng xây dựng và sản xuất. Vì chưa sản xuất được nên Việt Nam phải nhập khẩu hoàn toàn, năm 2016 sản lượng nhập khẩu thép cuộn cán nóng lên tới hơn 10 triệu tấn/năm.

Theo đó, 7 tháng đầu năm, ngành thép nhập gần 1 triệu tấn quặng sắt, 1 triệu tấn than mỡ để luyện than cốc, 2,3 triệu tấn thép phế liệu, hơn 5 triệu tấn thép cuộn cán nóng. Do giá nguyên liệu trên thế giới tăng nên các nhà sản xuất thép trong nước cũng phải tăng giá bán sản phẩm. Trong thời gian tới, dự báo giá nguyên liệu cũng như thép thành phẩm tiếp tục tăng. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không quá lớn vì hiện đã ở mức cao.

Cũng theo ông Sưa, nhu cầu về thép trong quý cuối năm thường tăng hơn bình thường, cùng với việc Trung Quốc đang thực thi các biện pháp quản lý nguồn cung thép trong nước cũng nhu xuất khẩu, bên cạnh đó, hồi cuối tháng 6, Mỹ cũng đã cảnh báo về việc áp dụng thuế quan phổ cập và hạn ngạch đối với những thị trường xuất khẩu thép lớn như châu Âu, Canada, Nhật Bản thì cơ hội và giá thép của Việt Nam tăng trong những tháng cuối năm là hoàn toàn có cơ sở.

Nguồn tin: Diễn đàn doanh nghiệp

ĐỌC THÊM