Kết quả phân tích cho thấy, năm 2010 ngành thép Trung Quốc sẽ có nhiều biến động mạnh mẽ. Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các chính sách tài khóa của chính phủ cũng như tình hình hồi phục kinh tế toàn cầu, lĩnh vực sắt thép Trung Quốc năm sau được dự báo cần phải thay đổi tích cực để thích nghi với tình hình kinh tế mới.
Nhìn chung, xu hướng của giá thép Trung Quốc khá rõ ràng: đầu năm 2010, do vẫn còn chịu ảnh hưởng từ lượng tồn kho lớn, giá thép không thể tăng mạnh. Tuy nhiên, trong quý 2, quý 3, khi dự án cơ cấu ngành thép bắt đầu có kết quả, cộng thêm nền kinh tế thế giới từng bước phục hồi, giá thép có cơ hội tăng mạnh. Đến cuối năm, các chính sách vĩ mô của nhà nước được dự báo có nhiều biến động lớn, chính phủ dần thoái vị ra khỏi thị trường. Do đó, ngành thép có khả năng rơi trở lại trạng thái bị động một lần nữa trước khi hồi phục hẳn. Tuy nhiên, tổng thể giá thép năm sau sẽ cao hơn năm nay.
Nếu xét về nhóm hàng thì mặt hàng thép xây dựng có khả năng chịu nhiều biến động giá hơn thép công nghiệp trong năm sau. Thứ nhất: do yêu cầu kỹ thuật, công nghệ, thiết bị không cao như thép công nghiệp nên số lượng các nhà máy sản xuất thép xây dựng khá nhiều , quy mô nhỏ. Do đó, khi chính sách tái cơ cấu ngành thép của chính phủ được thực thi, lĩnh vực này sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn: sản lượng cắt giảm mạnh, yêu cầu nâng cấp kỹ thuật cao… Thứ hai: gói kích cầu của chính phủ chủ yếu đánh mạnh vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở và bất động sản, vì vậy, nhu cầu sử dụng thép xây dựng của chính phủ Trung Quốc rất đáng kể. Đây là bước đệm vững chắc nhất khiến giá thép xây dựng tăng mạnh trong năm sau.
Đối với thép công nghiệp: Ngành sản xuất ô tô Trung Quốc dự báo sẽ vượt Mỹ trong năm nay. Doanh số bán xe ô tô chở khách của Trung Quốc tăng 98% trong tháng trước, năm 2009 là năm thứ 5 tăng liên tục của ngành sản xuất ô tô. Ông Bill Russo, chuyên gia tư vấn cao cấp tại Booz & Company cho biết: “Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp ô tô đại diện tốc độ công nghiệp hóa và hiện đại hóa của một quốc gia. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc tăng trưởng chủ yếu ảnh hưởng từ gói kích cầu của chính phủ.”
Từ đó có thể thấy, giá thép công nghiệp cũng có nhiều khả năng biến động mạnh trong năm sau khi sức kéo của nhu cầu sản xuất ô tô và điện gia dụng ngày càng lớn. Tuy nhiên, biên độ tăng có thể không mạnh bằng thép xây dựng do mức độ đầu tư của chính phủ vào lĩnh vực xây dựng vẫn lớn hơn riêng ngành công nghiệp ô tô. Ngoài ra, niềm hy vọng hồi phục của lĩnh vực đóng tàu Trung Quốc đang rất vững mạnh cũng sẽ góp phần bảo hộ giá thép xây dựng duy trì ở mức cao.
Một mặt khác, cuộc đua xây dựng nhà máy mới, nâng cao công suất, mở rộng thị phần của các “ông lớn” Trung Quốc đang rất gay gắt. Các nhà máy như Baosteel, Wugang, Angang, Shagang, Magang, Hegang… không ngừng công bố các dự án thu mua nhà máy, đầu tư ra nước ngoài, xây dựng nhà xưởng mới… Thiết nghĩ, nếu chỉ chính quyền chỉ “quét dọn” các nhà máy cũ kỹ, quy mô nhỏ mà không có biện pháp hạn chế sự bành trướng của các tập đoàn lớn thì sự cân bằng cạnh tranh của ngành thép sẽ bị mất cân đối trầm trọng, ảnh hưởng đến đà hồi phục của toàn ngành trong năm sau.
Đối với các sản phẩm có giá trị gia công thấp như thép băng khổ nhỏ và thép ống hàn, đáp ứng nhu cầu phát triển cơ bản của xã hội, nhu cầu sẽ tiếp tục tăng trong năm sau. Các sản phẩm thép ống đúc đại diện cho dòng sản phẩm có giá trị gia tăng cao chủ yếu phục vụ cho nhu cầu kiến thiết quốc gia cũng sẽ tăng trưởng mạnh trong năm sau.
Tuy nhiên áp lực lên ngành thép vẫn còn rất lớn: tồn kho quá cao, số lượng các nhà máy công nghệ cũ chiếm một phần lớn thị trường thép Trung Quốc, ô nhiễm tăng, hiệu suất sản xuất thấp, thuế chống bán phá giá từ nước ngoài… Do đó, nếu cuối năm sau chính sách tài khóa thoái lui của chính phủ Trung Quốc không “nhẹ nhàng” thì ngành thép khó có khả năng “hạ cánh” một cách an toàn.
(Sacom)