Cuộc khủng hoảng nợ của ngành bất động sản Trung Quốc giờ đã lan sang một "mạch máu" quan trọng khác của nền kinh tế tỷ dân - ngành công nghiệp chế biến thép. Hơn nữa, ảnh hưởng cũng đã bắt đầu xuất hiện tại các khu vực khác của nền kinh tế.
Giá thép quay đầu giảm
Trong năm nay, Bắc Kinh liên tục siết chặt các quy định cho vay, khiến nhiều công ty địa ốc phải ôm khối nợ khổng lồ mà đáng chú ý nhất là China Evergrande Group. Một số khác phải thu hồi các khoản đầu tư để tiết kiệm tiền mặt.
Cú sốc thanh khoản của các công ty bất động sản hàng đầu đất nước là một lời cảnh báo cho các nhà hoạch định chính sách vì ngành công nghiệp thép - vốn liên quan mật thiết với lĩnh vực địa ốc, có ảnh hưởng rất lớn đối với sức mạnh của nền kinh tế.
Hiện tại, giá thép tại Trung Quốc đã giảm đáng kể so với mức cao kỷ lục hồi đầu năm do nhu cầu từ hoạt động xây dựng giảm sút, đồng thời cổ phiếu của các công ty luyện thép cũng bị ảnh hưởng. Thông thường, lĩnh vực bất động sản chiếm hơn một nửa lượng tiêu thụ thép.
Sự nhạy cảm của thép đối với hai lĩnh vực xây dựng và sản xuất khiến kim loại công nghiệp này trở thành một chỉ báo cho sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Các công ty thép cũng là các nhà tuyển dụng lớn trên thị trường việc làm.
Ông Qi Xiaoliang, một nhà kinh doanh thép tại Bắc Kinh, cho hay: "Chúng tôi thường trữ hàng vào mùa đông với mức giá tương đối thấp hơn và bán chúng sau kỳ nghỉ năm mới khi lượng tiêu thụ đi lên. Song, năm nay cửa hàng chúng tôi phải tạm ngưng trữ thêm thép".
"Thị trường bất động sản năm 2022 vẫn còn nhiều bất ổn và tình hình dự kiến không thể đảo ngược hoàn toàn trong vòng 6 đến 12 tháng tới", ông Xi nhấn mạnh.
Trong quý cuối cùng của năm 2021, thị trường bất động sản thậm chí còn chịu thiệt hại nặng nề hơn khi tâm lý người mua nhà bị đè nặng. Tồn kho nhà ở chưa bán được tại 100 thành phố lớn nhất Trung Quốc đã đạt mức đỉnh 5 năm vào tháng 11.
Theo dự báo của giới phân tích, nhu cầu mua nhà của người dân tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ giảm sâu hơn nữa trong năm 2022. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thép mà còn một loạt nhà sản xuất sản phẩm khác.
So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng xi măng - một vật liệu xây dựng khác, đã sụt khoảng 16% trong giai đoạn tháng 9 - 11 năm nay. Nhu cầu máy xúc đất cũng giảm trong những tháng gần đây. Hoặc trong ngành công nghiệp thiết bị gia dụng, sản lượng tủ lạnh hàng tháng cũng giảm liên tục từ tháng 5 đến tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái.
Vận may của các hãng thép đảo chiều
Trong ba quý đầu năm 2021, các nhà sản xuất thép luôn nằm trong nhóm những doanh nghiệp hoạt động tốt nhất tại Trung Quốc. 28 hãng thép lớn nhất (đã niêm yết) thu về hơn 106 tỷ nhân dân tệ (tương đương 16,61 tỷ USD) lợi nhuận ròng, tăng 174% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 129% so với trước đại dịch.
Tuy nhiên, thời kỳ bùng nổ của ngành công nghiệp thép đã qua. Các dự án xây dựng mới đã đi xuống kể từ tháng 7 năm nay, đánh dấu đợt suy giảm kéo dài nhất kể từ năm 2015. Tình trạng tê liệt của ngành bất động sản khiến sản lượng thép hàng tháng của Trung Quốc giảm hơn 20% từ tháng 9.
Các chỉ số chứng khoán ngành thép và hợp đồng hàng hóa tương lai đều cho thấy vận may của các hãng thép đã đảo chiều, Reuters cho hay.
Sau khi tăng mạnh khoảng 90% đến giữa tháng 9, chỉ số cổ phiếu ngành thép CSI đã mất 27%. Ở diễn biến khác, giá thép cây và thép xây dựng giao sau lần lượt giảm 24% và 31% so với mức đỉnh lịch sử, xóa bỏ gần như toàn bộ mức tăng đạt được trong năm 2021.
Khi các công ty chế biến thép gặp hạn, các nguyên liệu đầu vào cũng chịu ảnh hưởng. Trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Đại Liên, giá quặng sắt giao sau đã giảm hơn 45% so với mức đỉnh ghi nhận hồi tháng 5 năm nay.
Triển vọng khó đoán
Các lĩnh vực liên quan tới bất động sản là nguồn đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế Trung Quốc, chiếm đến 28% GDP năm 2021. Dù vậy, con số này vẫn giảm so với mức đỉnh năm 2016 là 35%.
Theo Moody's, tỷ trọng GDP được chia nhỏ thành 7% đóng góp trực tiếp từ ngành bất động sản và 21% đóng góp gián tiếp từ lĩnh vực xây dựng cũng như các lĩnh vực dọc theo chuỗi cung ứng như máy móc, thiết bị.
Reuters dẫn thông tin từ một công ty tư vấn của chính phủ Trung Quốc dự báo, nhu cầu thép của đất nước tỷ dân sẽ giảm khoảng 4,7% trong năm nay và sau đó tụt 0,7% trong năm tới.
Trong tương lai, bất kỳ cú sốc thanh khoản mới nào cũng có thể "làm giảm nhu cầu thép xây dựng vì các công ty địa ốc không còn khả năng mua vật liệu với mức giá cao", các nhà phân tích của Fitch Solutions nhận định ở một báo cáo khác.
Nếu vốn đầu tư cho lĩnh vực xây dựng tiếp tục đi xuống, các nhà sản xuất máy móc và thiết bị gia dụng cũng chịu thiệt hại theo.
"Xây dựng bất động sản vốn là động cơ cho nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trong hơn hai thập kỷ qua. Khi hoạt động xây dựng tiếp tục đi lùi, tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ chậm lại", ông Frederic Neumann, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại HSBC, nhấn mạnh.
Nguồn tin: Vietnambiz