Kể từ đầu tháng 5, giá thép đã giảm 11 lần liên tiếp với tổng mức giảm cao nhất hơn 3,9 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu, loại thép và vùng miền.
Giá thép giảm lần thứ 11 trong 3 tháng
Ngày 27/7, giá thép trong nước tiếp tục ghi nhận giảm từ 150.000-310.000 đồng/tấn. Đợt điều chỉnh này là lần giảm thứ 11 liên tiếp của mặt hàng thép từ ngày 11/5. Tổng mức giảm cao nhất khoảng hơn 3,9 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu, loại thép và vùng miền.
Cụ thể, tại khu vực miền Bắc, Hòa Phát điều chỉnh giảm 310.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại này còn 15,38 triệu đồng/tấn và 16,24 triệu đồng/tấn.
Nguồn: Steel Online
Còn tại miền Nam, với thép Hòa Phát, hiện thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 lần lượt ở mức 15,48 triệu đồng/tấn và 16,14 triệu đồng/tấn.
Tại miền Trung, giá thép cuộn CB240 và thép D10 CB300 của Hòa Phát đứng ở mức 15,58 triệu đồng/tấn và 16,34 triệu đồng/tấn.
Tương tự như Hòa Phát, thép Việt Ý cũng giảm lần lượt 250.000 đồng/tấn với thép CB240 xuống còn 15,25 triệu đồng tấn và thép D10 CB300 đứng ở mức 16,01 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Đức hạ giá với thép CB 240 từ mức 15,5 triệu đồng/tấn xuống còn 15,25 triệu đồng/tấn và thép D10 CB300 từ 16,1 triệu đồng/tấn xuống còn 16,01 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Nhật, với dòng thép cuộn CB240 giảm 310 đồng, xuống mức 15.600 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 200 đồng, hiện có giá 16.060 đồng/kg
Ngoài ra, thương hiệu thép miền Nam giảm giá thép CB240 và D10 CB300, xuống lần lượt từ 15,9 triệu đồng/tấn và 16,5 triệu đồng/tấn còn 15,68 triệu đồng/tấn và 16,44 triệu đồng/tấn.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VAS) lý giải giá thép xây dựng giảm liên tiếp do nhu cầu thép vẫn giảm mạnh. Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thép đi xuống cũng là một yếu tố khiến giá mặt hàng này liên tục điều chỉnh giảm trong hai tháng qua.
Trên thị trường thế giới, theo Trading Economics, giá thép thanh vằn tương lai tại Trung Quốc ngày 27/7 là 3.876 nhân dân tệ/tấn (572 USD/tấn), tăng nhẹ 0,5% so với ngày trước đó.
Trong khi đó, theo Sunsirs, giá quặng 62% Fe xuất xứ Australia giảm 0,3% xuống còn 730 nhân dân tệ/tấn (107 USD/tấn). Trong tuần trước, giá mặt hàng này giảm 4% xuống còn 687 nhân dân tệ/tấn (101 USD/tấn).
Mới đây, ngân hàng Goldman Sachs nhận định cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc sẽ kéo giá quặng đi xuống trong thời gian tới. Goldman Sachs cho rằng nguồn cung quặng sẽ dư thừa trong nửa cuối năm, khiến giá mặt hàng này giảm.
Còn Bloomberg đưa ra nhận định rằng trong số các kim loại, thép có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất trong quý III do tình trạng người mua nhà tẩy chay thanh toán thế chấp đối với các căn hộ chưa hoàn thiện trong khi ngành xây dựng chiếm khoảng 49% nhu cầu thép ở Trung Quốc.
Thị trường thép dự báo sẽ gặp nhiều biến động
Theo VSA, ngành thép đang ở tâm điểm của nền kinh tế toàn cầu và do đó, thông thường, xu hướng giảm giá thép và nguyên liệu trong những tháng gần đây sẽ được người tiêu dùng hoan nghênh. Tuy nhiên, thực tế sự sụt giảm nhu cầu thép đó là kết quả xu hướng lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.
Nhu cầu giá thép giảm đã tác động trực tiếp đến giá nguyên liệu đầu vào. Quặng sắt giá 161 USD/tấn vào tháng 4 nhưng đã giảm xuống còn 115 USD/tấn vào tháng 5; than cốc cũng đã giảm từ 518 USD/tấn xuống còn 302 USD/tấn.
Các mặt hàng kim loại khác giảm mạnh cũng là báo động sâu sắc cho việc kinh doanh thua lỗ. Đồng đã giảm gần 20% giá trị trong 3 tháng qua. Trước đó, không có sự sụt giảm hàng quý nhanh chóng như vậy kể từ năm 2011. Các thống kê cũng cho thấy, kẽm và nhôm đều mất khoảng 1/3 giá trị kể từ tháng 4/2022.
Ngoài ra, sự giảm tốc ở thị trường Trung Quốc do chính sách Zero COVID đã khiến tăng trưởng nhu cầu thép toàn cầu thấp hơn dự báo. Trong năm 2022, triển vọng không chắc chắn và kỳ vọng về sự phục hồi sau đại dịch đã bị lung lay bởi cuộc chiến ở Ukraine và lạm phát gia tăng.
Xuất khẩu thép của Trung Quốc trong hai tháng 5 và 6 tăng so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu xuất phát từ lượng đặt hàng mạnh vào tháng 3 sau khi xung đột Nga-Ukraine làm gián đoạn thị trường thép toàn cầu.
Nhưng kể từ tháng 6, động lực thị trường đã thay đổi, gây áp lực cho xuất khẩu thép. Các nguồn tin cho biết, xuất khẩu thép dự kiến sẽ tiếp tục có xu hướng giảm đến cuối năm 2022 do nỗ lực kiềm chế lạm phát đã khiến nhu cầu thép ở nước ngoài giảm.
Tuy vậy, nhận định về diễn biến thị trường thép, Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, thị trường thép nửa cuối năm sẽ còn khó khăn hơn khi dự báo giá thép xây dựng trong nước sẽ tiếp tục giảm, trong khi lợi nhuận mảng xuất khẩu thép không còn tốt như trước. Bên cạnh đó, như thường lệ, tiêu thụ thép trong giai đoạn từ tháng từ 7 - 9 sẽ không sôi động do yếu tố thời tiết bước vào mùa mưa, nhiều công trình xây dựng ảnh hưởng tiến độ.
Nguồn tin: Tổ quốc