Sau khi giảm 100.000 - 610.000 đồng/tấn, hiện giá thép xây dựng đang dao động 15,4 - 16,88 triệu đồng/tấn, tùy theo chủng loại và thương hiệu.
Mới đây, một số doanh nghiệp sản xuất đồng loạt giảm 100.000 – 610.000 đồng/tấn với các sản phẩm thép xây dựng, xuống còn 15,4 - 16,88 triệu đồng/tấn. Đây là đợt giảm giá đầu tiên kể từ đầu năm 2023, sau 4-5 đợt tăng giá liên tiếp, theo số liệu của Steel Online.
Trong đợt điều chỉnh này, thương hiệu thép Pomina có mức giảm mạnh nhất. Ở khu vực miền Nam, thép cuộn CB240 giảm 610.000 đồng/tấn, xuống 16,68 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 510.000 đồng/tấn, còn 16,88 triệu đồng/tấn.
(Nguồn: Steelonline)
Thương hiệu thép Việt Ý hạ 310.000 đồng/tấn với thép cuộn CB 240 và 410.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, hiện mức giá của hai sản phẩm này lần lượt là 15,6 triệu đồng/tấn và 15,55 triệu đồng/tấn.
Còn với thép Việt Sing, thép cuộn CB240 được điều chỉnh giảm 400.000 đồng/tấn xuống 15,43 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 210.000 đồng/tấn, hiện ở mức 15,87 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Đức tại miền Bắc hạ lần lượt 310.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn với thép CB 240 và D10 CB300, hiện hai mặt hàng thép đang ở mức 15,4 triệu đồng/tấn và 15,76 triệu đồng/tấn.
(Nguồn: Steelonline)
Ở mặt bằng chung, doanh nghiệp thép Hòa Phát đồng loạt giảm 300.000 đồng/tấn và 100.000 đồng/tấn đối với dòng thép cuộn CB240 và thanh vằn D10 CB300 tại cả ba miền.
Hiện, giá hai dòng thép ở khu vực miền Bắc lần lượt ở mức 15,66 triệu đồng/tấn và 15,89 triệu đồng/tấn. Tại miền Trung, thép cuộn CB240 hiện ở mức 15,58 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 khoảng 15,79 triệu đồng/tấn. Còn tại miền Nam, hai sản phẩm này có giá lần lượt là 15,68 triệu đồng/tấn và 15,93 triệu đồng/tấn.
Tại Hội nghị triển vọng thị trường thép Việt Nam - Trung Quốc, ông Đoàn Danh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định xét trên các khía cạnh về cung - cầu và giá nguyên vật liệu thì chưa thể khẳng định giai đoạn khó khăn của ngành thép đã đi qua và sẽ bước vào thời kỳ phục hồi.
"Trong vòng 2 - 3 năm qua, giá nguyên vật liệu biến động không theo quy luật nào cả, chi phí sản xuất tăng rất nhiều. Đầu ra cũng giảm mạnh, kể cả thị trường xuất khẩu do nền kinh tế thế giới, đặc biệt là từ châu Âu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi xung đột Nga - Ukraine”, ông Thắng nói.
Ông nói thêm hầu hết hoạt động sản xuất bị đình trệ, khó quay lại trong năm 2023 và cán cân cung - cầu thép thời điểm hiện tại vẫn không thay đổi nhiều. Trong kịch bản xấu, tình trạng này có thể kéo dài đến hết năm 2023.
Các nhà sản xuất thép toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu, năng lượng sản xuất tăng mạnh.
"Tại Việt Nam, nhiều nhà máy hiện chỉ chạy với 40 - 60% công suất thiết kế nên thật khó khi nói đến biên lợi nhuận của các công ty lúc này, hầu như không thay đổi so với cuối năm ngoái", ông Thắng nói.
Nguồn tin: Vietnambiz