Giá thép ngày 11/1 giảm mạnh trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Tại Ấn Độ, giá thép trong nước đã chạm mức cao kỷ lục trong thời điểm nhu cầu đang bắt đầu phục hồi sau đại dịch.
Giá thép giảm mạnh
Giá thép hôm nay giao tháng 5/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 46 nhân dân tệ xuống mốc 4.427 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 10h00 (giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Tại Ấn Độ, giá thép trong nước đã chạm mức cao kỷ lục. Trong thời điểm nhu cầu đang bắt đầu phục hồi sau đại dịch, việc giá thép gia tăng đã gây áp lực chi phí đối với các nhà sản xuất ô tô và đồ dùng lâu bền, theo LiveMint.
Giá thép cuộn cán nóng (HRC), một chỉ báo chính về xu hướng giá thép dẹt, đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay là 58.000 rupee/tấn khi các công ty thép lớn điều chỉnh lại giá tại các đại lý.
Người tiêu dùng thép dẹt như các nhà sản xuất ô tô và đồ dùng lâu bền đã thông báo tăng giá để bù đắp chi phí đầu vào cao hơn.
Các cơ quan công nghiệp đại diện cho các lĩnh vực này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và Bộ trưởng Giao thông Nitin Gadkari đã khiếu nại với Văn phòng Thủ tướng về việc giá thép liên tục tăng, gây ảnh hưởng đến sản xuất, nhu cầu tiêu dùng và việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng.
Trong 15 tuần qua, các nhà sản xuất thép đã tăng giá một cách đều đặn. Giá thép trong nước biến động song song với mức trung bình toàn cầu do nhu cầu của Trung Quốc bị ảnh hưởng.
Khoản kích thích trị giá 550 tỷ USD của chính phủ Trung Quốc nhằm phục hồi nền kinh tế đã làm tăng nhu cầu thép của quốc gia này vào thời điểm các quốc gia xuất khẩu thép như Nhật Bản và Hàn Quốc cắt giảm sản lượng.
Cuối năm, giá thép xây dựng tăng “phi mã”
Bắt đầu tăng giá từ tháng 11/2020, thép xây dựng ở các thị trường liên tục “phi mã” trong tháng đầu tiên của năm 2021, đạt giá trung bình 16 - 17 triệu đồng/tấn.
Theo đánh giá của giới kinh doanh thì hiện tượng thép tăng giá nằm trong quy luật chung của các năm. Bình thường từ cuối năm đến những tháng đầu năm sau (khoảng đến tháng 4 dương lịch) thì nhu cầu xây dựng dân dụng nhiều đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường thép các loại.
Cuối năm 2020 nối sang đến đầu năm nay, do dịch bệnh Covid-19 khiến việc thông thương giữa các nước khó khăn, trong khi sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nguồn cung. Bên cạnh đó, năm 2021 là năm đầu tiên Hà Tĩnh thực hiện kế hoạch 5 năm 2020 - 2025, cùng một lúc rất nhiều công trình, dự án đã được khởi động. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường vật liệu xây dựng, trong đó có thép xây dựng sôi động hơn.
Phó Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vận tải Viết Hải Nguyễn Duy Tùng cho biết: “Suốt từ đầu năm đến tháng 11/2020, giá thép liên tục xuống và đạt “chạm đáy”, tuy nhiên kể từ tháng 11/2020 đến nay thì tăng liên tục. Giá bán của công ty vào tháng 1/2021 đạt từ 16 - 17 triệu đồng/tấn, tăng 4 - 5 triệu đồng/tấn so với hồi đầu tháng 11. So với nhu cầu như hiện nay thì khả năng giá thép vẫn sẽ còn tăng trong những tháng đầu năm 2021”.
Điều đáng nói, giá cao nhưng vẫn không có hàng để bán. Khảo sát một số đại lý phân phối và kinh doanh thép trên địa bàn tỉnh, giá các loại thép không có nhiều khác biệt và khá khan hàng. Một số loại phi 14, phi 16 thép TISCO và KSVC, gần như luôn phải chờ hàng.
Bảng giá thép ngày 11/1/2021: Miền Bắc, miền Trung, miền Nam
Nguồn tin: VOH