Giá thép xây dựng hôm nay (11/9) quay đầu giảm sau khi tăng lên cao nhất kể từ ngày 27/8 vào hôm qua. Ấn Độ có thể áp thuế chống bán phá giá lên một số sản phẩm thép Trung Quốc để bảo vệ doanh nghiệp nội địa trước làn sóng thép nhập khẩu giá rẻ.
Giá thép thanh giao tháng 1/2019 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Kỳ hạn Thượng Hải (SHFE) giảm 78 nhân dân tệ/tấn, tương đương 1,83%, xuống 4.176 nhân dân tệ/tấn (609,22 USD/tấn) vào lúc 7h37 (giờ Việt Nam).
Giá thép này hôm qua có lúc tăng lên cao nhất kể từ ngày 27/8 ở 4.299 nhân dân tệ/tấn (627,16 USD/tấn) trước khi đóng cửa tăng 1,8% lên 4.284 nhân dân tệ/tấn (624,97 USD/tấn).
Giá quặng sắt giao tháng 1/2019 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên giảm 0,7% xuống 497,50 nhân dân tệ/tấn (72,58 USD/tấn).
Giá than cốc tăng 0,3% lên 2.409 nhân dân tệ/tấn (351,44 USD/tấn). Giá than luyện cốc tăng mạnh 3% lên 1.320 nhân dân tệ/tấn (192,57 USD/tấn).
Việc đóng cửa một số nhà máy xử lý than tại Lvliang thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc do không đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường đã “làm giảm nguồn cung than luyện cốc”, chuyên gia Helen Lau của hãng Argonaut Securities cho biết.
Dữ liệu từ Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc (CISA) cho thấy sản lượng thép thô trung bình hàng ngày tại các nhà máy thép thành viên đạt 1,92 triệu tấn trong giai đoạn 21 – 31/8, tăng 0,3% so với giai đoạn 11 – 20/8.
Ấn Độ có thể áp thuế chống bán phá giá lên đến 185,51 USD/tấn trong vòng 5 năm lên một số sản phẩm thép của Trung Quốc nhằm bảo vệ doanh nghiệp nội địa trước làn sóng thép nhập khẩu giá rẻ. Các công ty thép JSW Steel Ltd., Sunflag Iron & Steel Co. Ltd., Usha Martin Ltd., Gerdau Steel India, Vardhman Special Steels Ltd. và Jayaswal Neco Industries Ltd. đã cùng nộp đơn yêu cầu khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá thép.
Nguồn tin: Vietnambiz