Giá thép ngày 15/3 quay đầu giảm trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Giá quặng sắt kỳ hạn trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên đã giảm hơn 5% do lo ngại việc kiểm soát sản xuất sẽ ngày càng chặt
Giá thép thế giới giảm
Giá thép ngày 15/3, giao tháng 5/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 41 nhân dân tệ xuống mốc 4.716 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h00 (giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Cách đây một tuần, vào ngày 8/3, chính quyền thành phố Đường Sơn (Trung Quốc) đã ban bố cảnh báo ô nhiễm cấp độ thứ hai và thúc giục các nhà máy sản xuất thép và luyện cốc cắt giảm sản lượng cho phù hợp.
Tuy nhiên, vào hôm thứ Năm (11/3), nhóm thanh tra do ông Huang Runqiu, Bộ trưởng Bộ Sinh thái và Môi trường (MEE) dẫn đầu, đã phát hiện ra một số trường hợp vi phạm các quy tắc về môi trường.
Cụ thể, một nhà sản xuất thép không gỉ thuộc Tập đoàn HBIS, một nhà máy thuộc Tập đoàn thép Tangshan Jinma và hai nhà máy khác đang sản xuất với tốc độ cao trong thời gian báo động ô nhiễm và đã làm giả hồ sơ sản xuất.
MEE đã chuyển các trường hợp vi phạm cho cơ quan an ninh công cộng, đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm các đơn vị nêu trên.
Năm 2021, Trung Quốc đã cam kết cắt giảm sản lượng thép thô từ mức kỷ lục 1,06 tỷ tấn đạt được vào năm ngoái để giảm lượng khí thải carbon.
Hiện tại, ngành thép chiếm 15% tổng lượng khí thải ra môi trường của Trung Quốc, đứng đầu trong tất cả các ngành sản xuất khác.
Ông Huang Runqiu chia sẻ: “Các nhà máy thép cần phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề ô nhiễm không khí. Họ không nên chỉ tập trung vào hiệu suất mà không nghĩ đến hậu quả ô nhiễm để lại cho người dân địa phương”.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu chính quyền địa phương loại bỏ quy trình vận hành lỗi thời. Thay vào đó, MEE sẽ hướng dẫn các công ty cải thiện mức độ kiểm soát ô nhiễm trong quá trình sản xuất kim loại nặng.
Vào cuối tuần trước (12/3), giá quặng sắt kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên ghi nhận mức giảm 5% trong một tuần do lo ngại việc kiểm soát sản xuất sẽ chặt chẽ hơn, Reuters đưa tin.
Theo báo cáo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), giá bán thép thành phẩm trong nước tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch ở mức bình quân khoảng 14.500-15.100 đồng/kg tùy chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể, tăng 20% so với giá đầu tháng 12/2020 và là vùng giá cao nhất trong 5 năm qua.
Nguyên nhân được VSA lý giải là do giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu đẩy giá thép thành phẩm tăng cao. Cụ thể, giá quặng sắt tính đến đầu tháng 3 ghi nhận mức trên 170 USD/tấn, tăng 55% so với cuối năm 2020 và gấp đôi cùng kỳ năm trước; giá thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận 660 USD/tấn, giảm 6% so với cuối năm và tăng 44% so cùng kỳ năm trước.
Theo VSA, việc thiếu hụt nguồn cung thép và thời gian giao hàng kéo dài ở châu Âu, Mỹ cũng là lý do khiến giá thép tăng mạnh. Nhu cầu thép tại Trung Quốc tăng cao sau dịch bệnh trước đà phục hồi kinh tế và các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng. Năm 2020, đất nước này đã nhập 38,56 triệu tấn thép, tăng 150% so với năm trước. Viện Nghiên cứu và Quy hoạch Công nghiệp Luyện kim Trung Quốc dự báo khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau dịch Covid-19, nhu cầu thép quốc tế tăng gần 5%, tương ứng 1,83 tỷ tấn vào năm 2021; riêng Trung Quốc là 991 triệu tấn, tăng 1%.
Với Việt Nam, các chuyên gia dự báo nhu cầu thép năm 2021 sẽ tăng từ 3% đến 5% so với năm 2020. Động lực đến từ các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai như cao tốc bắc - nam, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay quốc tế Long Thành; thị trường bất động sản, nhà ở được dự báo sẽ "nóng" trở lại trong năm nay; một số hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP,... được thực thi kỳ vọng có thêm thị trường xuất khẩu mới.
Bảng giá thép ngày 15/3/2021: Miền Bắc, miền Trung, miền Nam