Giá thép ngày 18/10 giảm mạnh trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Hiệp hội Thép Thế giới dự đoán, nhu cầu thép toàn cầu trong năm nay sẽ tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,86 tỷ tấn.
Giá thép thế giới giảm mạnh
Giá thép ngày 18/10 giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 146 nhân dân tệ xuống mức 5.342 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h00 (giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên Sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Ngày 18/10, China Steel Corp - nhà sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc, cho biết, họ sẽ giữ ổn định giá thép giao vào tháng tới do khách hàng đã tích lũy hàng tồn kho sau khi chuỗi cung ứng toàn cầu ngừng sản xuất.
Công ty có trụ sở tại Cao Hùng này đã kêu gọi các công ty sử dụng thép Đài Loan tận dụng lợi thế của giá thép thấp để sẵn sàng cho các thách thức Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) sắp tới đối với các ngành liên quan.
China Steel hy vọng rằng, những người mua hạ nguồn có thể tận dụng tối đa thời kỳ ổn định giá thép này để đẩy nhanh nỗ lực chuyển đổi ESG và chuẩn bị cho xu hướng khử cacbon trên toàn thế giới.
Theo kế hoạch của công ty, họ sẽ giảm 7% lượng khí thải carbon so với mức năm 2018 vào năm 2025 và hoàn toàn trung tính với carbon vào năm 2050.
Song song đó, China Steel cũng sẽ theo sát sự dẫn đầu của Tata Steel Europe và Thyssenkrupp Steel của Đức trong việc bổ sung phụ phí carbon.
China Steel nhận định, một số yếu tố đang cho thấy giá thép châu Á sẽ phục hồi trong quý IV, bao gồm nhu cầu tăng do kinh tế toàn cầu phục hồi và chi phí nguyên liệu thô đang tiếp đà đi lên.
Công ty cho biết: “Chính sách sử dụng điện ‘kiểm soát kép’ nghiêm ngặt buộc nhiều nhà sản xuất thép ở Trung Quốc chỉ có thể hoạt động trong giờ thấp điểm từ ngày 15 /11/2021 đến ngày 15/3/2022. Chính vì vậy, sản lượng thép thô sẽ giảm ít nhất 30%”.
Ngoài dự đoán về việc nguồn cung thắt chặt hơn do thiếu điện, công ty này cũng cho biết, giá than luyện cốc đã phá vỡ mức 400 USD/tấn. Trong khi đó, giá quặng sắt, vốn chạm đáy vào tháng trước, đã tăng gần 40%, Taipei Times đưa tin.
Theo VSA, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thép các loại trong 9 tháng năm 2021 vẫn tăng trưởng khá là do kế thừa được kết quả kinh doanh tốt của những tháng đầu năm.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa công bố báo cáo về hình thị trường thép Việt Nam tháng 9 và 9 tháng năm 2021. Theo đó, trong tháng 9/2021, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,4 triệu tấn, giảm 3,97% so với tháng 8/2021, tương đương với mức sản lượng cùng kỳ năm 2020.
Tính chung 9 tháng năm 2021, sản xuất thép thành phẩm đạt hơn 24,8 triệu tấn, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Về tiêu thụ thép các loại, trong tháng 9/2021 đạt 2,2 triệu tấn, tăng 7,4% so với tháng trước, và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng năm 2021, tiêu thụ thép các loại đạt gần 22 triệu tấn, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của VSA, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thép các loại trong 9 tháng năm 2021 vẫn tăng khá là do kế thừa được kết quả kinh doanh tốt của những tháng đầu năm 2021.
Về tình hình xuất khẩu thép, trong 9 tháng năm 2021 xuất khẩu sắt thép thành phẩm và bán thành phẩm đạt 10,6 triệu tấn, với trị giá trên 9 tỷ USD, tăng 40% về sản lượng và tăng gấp 2 lần về trị giá xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2020.
Các sản phẩm thép của Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia và khu vực trên thế giới trong 8 tháng đầu năm 2021.
Ở chiều ngược lại, trong 9 tháng nhập khẩu thép về Việt Nam đạt 14,9 triệu tấn với trị giá hơn 11 tỷ USD, tăng 1% về lượng và tăng 44% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, sau 9 tháng năm 2021, Việt Nam đã nhập siêu 2 tỷ USD thép các loại.
Theo đánh giá của VSA, thị trường thép của Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng khá và sẽ phục hồi mạnh mẽ ở những tháng cuối năm 2021, sau khi suy giảm ở năm 2020 do đại dịch Covid-19. Ngoài ra, ngành thép Việt Nam cũng dự báo được hưởng lợi lớn nhờ kinh tế hồi phục, đặc biệt khi các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai.
Nguồn tin: VOH