Giá thép thanh giao tháng 5/2019 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Kì hạn Thượng Hải tăng 1,18%, lên mức 3.689 (tương đương 542,28 USD/tấn) vào lúc 7h45, ngày 22/1, giờ Việt Nam.
Chốt phiên giao dịch hôm thứ Năm 17/1, giá hợp đồng thanh cốt thép giao sau tăng 1,4% lên 3.645 nhân dân tệ/tấn (tương đương 535,82 USD/tấn).
Trên sàn giao dịch Đại Liên, hợp đồng quặng sắt giao sau tăng 2,2% lên 533 nhân dân tệ/tấn (tương đương 78,35 USD/tấn).
Gia hợp đồng than cốc giao sau giảm 1,1% xuống 2.030 nhân dân tệ/tấn (tương đương 298,41 USD/tấn), trong khi giá than luyện cốc giao sau giảm 1,9% xuống 1.214 nhân dân tệ/tấn (tương đương 178,46 USD/tấn).
Ảnh minh họa: internet
Các hợp đồng quặng sắt giao sau tăng giá lên cao nhất kể từ tháng 3/2018, kéo dài đà tăng nhờ kì vọng nhu cầu tăng mạnh khi dự trữ thép tại Trung Quốc giảm và hi vọng Bắc Kinh sẽ triển khai thêm nhiều biện pháp kích thích kinh tế.
Các hợp đồng thép vẫn giữ vững đà tăng sau khi dữ liệu cho thấy sản lượng thép trung bình mỗi ngày của tháng 12/2018 tại Trung Quốc xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2018 khi các nhà sản xuất giảm sản lượng giữa lúc biên lợi nhuận tụt dốc.
Quá trình thiêu kết, là một quá trình gây ô nhiễm cao, làm tan chảy quặng sắt để bắt đầu sản xuất thép.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc cam kết kiểm soát chặt chẽ tình trạng ô nhiễm môi trường, một điều đã gây áp lực lên ngành thép.
Bên cạnh đó, các chuyên gia phân tích hi vọng chính phủ sẽ tiết lộ thêm các biện pháp kích thích kinh tế trong cuộc họp quốc hội thường niên trong tháng 3/2019, gồm giảm thuế mạnh hơn và chi tiêu nhiều hơn cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Sản lượng thang đá tháng 12/2018 của Trung Quốc tăng 2,1% so với cùng kì năm trước, chạm mức cao nhất trong ít nhất 3 năm khi các nhà sản xuất lớn tăng cường sản xuất.
Việt Nam nhập khẩu sắt thép chủ yếu từ Trung Quốc
Kết thúc năm 2018, Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam trong năm 2018 với 6,27 triệu tấn, trị giá đạt 4,5 tỷ USD, giảm 10,2% về lượng, nhưng tăng 9,6% về trị giá so với năm trước.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 12/2018, nhập khẩu nhóm hàng sắt thép các loại của Việt Nam đạt gần 1,13 triệu tấn, trị giá đạt gần 804 triệu USD, tăng 17,5% về lượng và tăng 8,5% về trị giá. Lượng nhập khẩu sắt thép các loại trong năm 2018 đạt 13,53 triệu tấn, trị giá 9,89 tỷ USD, giảm 9,8% về lượng nhưng tăng 9,0% về trị giá so với năm 2017.
Xét về thị trường, Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam trong năm 2018 với 6,27 triệu tấn, trị giá đạt 4,5 tỷ USD, giảm 10,2% về lượng, nhưng tăng 9,6% về trị giá so với năm trước. Đứng thứ 2 là Nhật Bản với 2,23 triệu tấn, trị giá 1,59 tỷ USD, giảm 2% về lượng và tăng 12,7% về trị giá; đứng thứ ba là Hàn Quốc với 1,7 triệu tấn, trị giá đạt 1,41 tỷ USD giảm 0,5% về lượng và tăng 15,4% về trị giá…
Ở chiều ngược lại, lượng xuất khẩu sắt thép các loại trong tháng 12/2018 của Việt Nam đạt 494 nghìn tấn, với trị giá đạt 340 triệu USD, giảm 10,6% về lượng và giảm 11,9% về trị giá. Qua đó đưa lượng xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2018 đạt 6,26 triệu tấn, trị giá 4,55 tỷ USD, tăng 33,1% về lượng và tăng 44,5% về trị giá so với năm 2017.
Xét về thị trường, Campuchia, Hoa Kỳ, Inđônêxia, Malayxia và EU là 5 thị trường lớn nhất nhập khẩu nhóm hàng này của Việt Nam với tốc độ tăng cao đột biến.
Cụ thể, lượng xuất khẩu sắt thép sang Campuchia là 1,4 triệu tấn, tăng 51,2%; Hoa Kỳ: 906 nghìn tấn, tăng 73,1%; In đô nê xia: 688 nghìn tấn, tăng 12,3%; Malaixia: 604 nghìn tấn, tăng 52%; EU: 484 nghìn tấn, tăng 3,8% so với năm trước.
Nguồn tin: VOH