Giá thép ngày 30/11 giảm trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Sản lượng thép thô của Trung Quốc đã tăng 5,5% so với cùng kì năm trước, đạt mức 874 triệu tấn trong 10 tháng đầu năm.
Giá thép hôm nay giảm nhẹ
Giá thép ngày 30/11 giao tháng 1/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 1 nhân dân tệ xuống mốc 3.927 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h30 (giờ Việt Nam).
Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) cho biết, sản lượng thép thô của Trung Quốc đã tăng 5,5% so với cùng kì năm trước, đạt mức 874 triệu tấn trong 10 tháng đầu năm.
Do đó, CISA dự đoán sản lượng thép thô hàng năm của Trung Quốc sẽ vượt qua mốc 1 tỉ tấn trong năm nay, cho thấy mức tăng từ 3-5% so với cùng kì năm trước, theo MENAFN.
Vào ngày 15/11/2020, 15 quốc gia, gồm 10 nước ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Australia, đã kí Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) nhằm giảm dần mức thuế quan trên nhiều lĩnh vực.
Đây là khối thương mại lớn nhất thế giới chiếm gần 1/3 GDP và dân số toàn cầu.
Trong thập kỉ qua, các công ty thép trong nước đã phải chịu áp lực biên lợi nhuận nghiêm trọng do một loạt mặt hàng nhập khẩu giá rẻ từ các thành viên trong khối RCEP như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, và bất kì hiệp định thương mại tự do đa phương nào.
Khả năng cạnh tranh của Ấn Độ trên thị trường thép quốc tế đang bị hạn chế bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có việc không tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Tại Ấn Độ, thị trường thép lớn thứ hai sau Trung Quốc, nhập khẩu từ các nước thuộc RCEP đã tăng lên khoảng 57% tổng lượng nhập khẩu trong năm tài chính 2020 (bắt đầu từ tháng 4/2020).
Nếu New Delhi tham gia RCEP thì có thể gia tăng áp lực lên doanh thu và biên lợi nhuận của các công ty thép trong nước. Các nhà sản xuất thép nội địa hiện chỉ có thể tìm kiếm lợi ích từ các quan hệ đối tác một cách hiệu quả nếu có các cơ chế tự vệ phù hợp.
Do ít phụ thuộc vào xuất khẩu nên việc chọn không tham gia RCEP sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khoản đầu tư dài hạn cũng như kế hoạch xuất khẩu theo chính sách thép quốc gia mới.
Tuy nhiên, nếu không tham gia vào RCEP, Ấn Độ sẽ mất tầm ảnh hưởng trên thị trường thép châu Á. Để cạnh tranh trên thị trường thế giới, quốc gia này cần phải hội nhập với chuỗi giá trị thép toàn cầu.
Năng lực sản xuất thép và tiêu thụ nội địa của Trung Quốc gấp khoảng 10 lần so với Ấn Độ và chiếm một nửa tổng sản lượng của thế giới. Việc cho phép Trung Quốc khai thác thị trường nội địa miễn thuế tạo nên mối lo ngại lớn bởi có thể tạo ra sự mất cân bằng lớn trong quá trình cung - cầu.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng phụ thuộc nhiều vào than luyện cốc nhập khẩu, điều này gây ra rủi ro về nguyên liệu thô và áp lực về giá, càng hạn chế khả năng cạnh tranh của quốc gia này trên thị trường thép toàn cầu, theo PTI.
Sản xuất thép tháng 10 tăng nhưng bán hàng giảm
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép trong nước 10 tháng đạt 20,9 và gần 18,4 triệu tấn, giảm lần lượt 0,3% và 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu thép giảm mạnh, đạt 1,64 triệu tấn, tương đương giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng tháng 10, sản xuất thép các loại đạt 2,39 triệu tấn, tương đương với sản lượng tháng trước và tăng 11,7% so với cùng kỳ 2019. Bán hàng thép các loại đạt 1,815 triệu tấn, giảm 14,8% so với tháng 9 và giảm 2,4% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 399.623 tấn, giảm 19,7% so với tháng trước nhưng tăng 16,5% so với cùng kỳ tháng 10/2019.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thép là ngành được kỳ vọng có điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực.
Tuy nhiên, hiện nay ngành thép vẫn phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam. Đặc biệt là thép phải đối mặt với các vụ việc phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ hay EU khiến xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp ngành thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất ngay trong nước.
Các chuyên gia cho rằng ngoài việc nâng cao năng lực cạnh tranh, ngành thép cần nỗ lực khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ các nước khác nhằm giảm đến mức thấp nhất việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế.
Nguồn tin: VOH