Giá thép hôm nay quay đầu giảm nhẹ 4 đồng nhân dân tệ xuống 3.761 nhân dân tệ/tấn sau 3 phiên tăng liên tiếp trước đó. Cũng trên Sàn Thượng Hải, giá thép không gỉ cũng ghi nhận mức tăng 1,2% lên ngưỡng 13.905 nhân dân tệ/tấn.
Giá thép hôm nay quay đầu giảm nhẹ
Giá thép hôm nay giao tháng 10 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 4 đồng nhân dân tệ xuống 3.761 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h00 (giờ Việt Nam).
Giá cuộn cán nóng đóng cửa ở mức 3.819 nhân dân tệ/tấn, tăng 1,1% so với phiên giao dịch trước đó.
Tương tự, thép không gỉ cũng ghi nhận mức tăng 1,2% lên ngưỡng 13.905 nhân dân tệ/tấn. Giá quặng sắt giao ngay với hàm lượng 62% giữ nguyên ở mức 109,5 USD/tấn trong hôm thứ Tư (29/7).
Tên loại | Kỳ hạn | Ngày 30/7 | Chênh lệch so với ngày hôm qua |
Giá thép | Giao tháng 10 | 3.761 | -4 |
Giá đồng | Giao tháng 9 | 51.840 | -60 |
Giá kẽm | Giao tháng 9 | 18.805 | 70 |
Giá niken | Giao tháng 10 | 110.680 | 370 |
Giá bạc | Giao tháng 12 | 5.550 | -179 |
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn). Tổng hợp: An Nhiên
Giá thép và quặng sắt tương lai ở Trung Quốc đóng cửa cao hơn vào thứ Năm (30/7) trong bối cảnh Bắc Kinh đang nhắm đến việc phát hành trái phiếu đặc biệt của Chính phủ vào cuối tháng 10 năm nay. Việc làm này được xem như một sự kích thích cho các dự án cơ sở hạ tầng tại nước này.
Trung Quốc đã thiết lập hạn ngạch phát hành trái phiếu đặc biệt hàng năm ở mức 3,75 nghìn tỷ nhân dân tệ (535,33 tỷ USD) trong năm nay. Bộ Tài chính đã cấp cho chính quyền địa phương quyền tự chủ trong việc sử dụng số tiền thu được, nếu họ thiếu các dự án cơ sở hạ tầng.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 9 trên Sàn Đại Liên ghi nhận mức tăng trong phiên thứ 3 liên tiếp, chốt phiên ở mức 840 nhân dân tệ/tấn (tương đương 119,91 USD/tấn). Giá than luyện cốc hiện giảm nhẹ 1,2% và than cốc giảm 0,8%.
Biểu đồ quặng sắt tại sàn giao dịch Thượng Hải (Nguồn Shfe)
Theo dữ liệu tổng hợp từ Mysteel, sản lượng tồn kho các sản phẩm từ thép tại một số nhà máy ở Trung Quốc đã tăng 1,3% lên mức 22,3 triệu tấn trong ngày hôm qua.
Đây là tuần tăng thứ 6 liên tiếp sau khi Trung Quốc bước vào mùa mưa, cũng là nguyên nhân gây giảm nhu cầu tiêu thụ ở hạ nguồn. Tuy vậy, hàng tồn kho đang tăng với tốc độ chậm so với con số 1,7% được ghi nhận trong tuần trước.
Còn tại Ấn Độ, nhu cầu tiêu thụ thép được dự kiến sẽ giảm ít nhất 10% tính đến thời điểm tháng 3 năm 2021 do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế, đặc biệt là với các ngành sản xuất ô tô, xây dựng, cơ sở hạ tầng và đóng tàu. Dự kiến, giá sắt thép tại đây chưa thể tăng lên trong thời gian tới.
Sau khi vượt Nhật Bản vào năm 2018, Ấn Độ hiện tại vẫn là nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc.
Dự kiến, các nhà sản xuất thép sẽ chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác như Đông Nam Á, Trung Đông, một phần của Nam Âu và Trung Quốc. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu nhiều khả năng sẽ thấp hơn so với doanh số bán hàng trong nước.
Tại châu Âu, giá thép cuộn của 2 quốc gia Ba Lan và Cộng hòa Séc dường như đã chạm đáy của chu kì hiện tại, sau thời gian suy thoái của quí thứ II năm nay.
Những người tham gia thị trường thép Trung Âu đang lo ngại về khả năng tái phát của một làn sóng COVID-19 thứ hai cũng như tác động của nó đến với nhu cầu và giá cả.
Tại Ba Lan, một số khu vực khai thác than quặng sắt ở miền nam nước này đang có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 rất cao. Chính phủ Ba Lan đã tạm thời đóng cửa một số mỏ trong tháng 6 để ngăn chặn sự lây lan rộng hơn.
Tuy vậy, trong ngắn hạn, các nhà sản xuất thép hi vọng sự phục hồi của ngành công nghiệp ô tô sẽ thúc đẩy sự gia tăng số lượng đơn đặt hàng của họ, MEPS đưa tin.
Nguồn tin: vietnambiz.vn