Trong khi các thương hiệu thép nội địa hôm nay (4/6) đã giữ nguyên giá bán sau khi có những điều chỉnh ngày hôm qua, trên sàn giao dịch Thượng Hải, giá thép tiếp tục tăng lên mức 5.127 Nhân dân tệ/tấn.
Giá thép tại miền Bắc
Sau khi giảm nhẹ giá bán ngày hôm qua, thương hiệu thép Hòa Phát ở thị trường miền Bắc hôm nay (4/6) được giữ nguyên, với thép cuộn CB240 ở mức 18.010 đồng/kg; thép D10 CB300 có giá 17.610 đồng/kg.
Tương tự, thương hiệu thép Việt Đức hôm nay đã giữ nguyên thép cuộn CB240 sau giảm 150 đồng ngày hôm qua, hiện ở mức 17.960 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 17.610 đồng/kg.
Với thương hiệu thép Việt Ý giá thép cuộn CB240 ở mức 18.110 đồng/kg; thép D10 CB300 có giá 17.560 đồng/kg.
Về thương hiệu thép Kyoei, dòng thép cuộn CB240 ở mức 18.060 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 vẫn giữ nguyên giá 17.610 đồng/kg.
Công ty thép Thái Nguyên tiếp tục ổn định giá với 2 sản phẩm của hãng là thép cuộn CB240 có giá 18.270 đồng/kg; thép D10 CB300 ở mức 17.710 đồng/kg.
Tương tự, thương hiệu thép Mỹ với 2 sản phẩm của hãng là thép cuộn CB240 ở mức giá 18.720 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 có giá là 17.810 đồng/kg.
Giá thép tại miền Trung
Tại thị trường miền Trung, thương hiệu thép xây dựng Hòa Phát, thép cuộn CB240 ở mức 18.060 đồng/kg; giá thép thanh vằn D10 CB300 có giá là 17.810 đồng/kg.
Với thép Việt Đức, dòng thép cuộn CB240 có giá 18.420 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 hiện ở mức 18.060 đồng/kg.
Thương hiệu thép Pomina, dòng thép cuộn CB240 hiện ở mức 17.710 đồng/kg. Dòng thép D10 CB300 hiện có giá là 17.860 đồng/kg.
Giá thép tại miền Nam
Thương hiệu thép Pomina sau khi giảm mạnh giá bán ngày hôm qua, hiện giá thép cuộn CB240 ngày hôm nay được giữ nguyên ở mức 17.560 đồng/kg. Tuy nhiên, thép thanh vằn D10 CB300 hiện có giá 17.710 đồng/kg.
Với thương hiệu Hòa Phát, hiện thép cuộn CB240 hiện ở mức 18.010 đồng/kg - ổn định từ ngày 19/5 đến nay; thép thanh vằn D10 CB300 ổn định giá từ ngày 12/5 hiện ở mức 17.560 đồng/kg.
Thương hiệu thép Tung Ho, giá thép cuộn CB240 đang ở mức 18.110 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 hiện có giá 17.360 đồng/kg.
Thương hiệu thép Miền Nam, với sản phẩm thép cuộn CB240 đang ở mức giá 17.960 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 duy trì ở mức giá 17.810 đồng/kg.
Giá thép trên sàn giao dịch Thượng Hải
Chốt phiên giao dịch, giá thép hôm nay giao kỳ hạn đến tháng 10/2021 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 57 Nhân dân tệ lên mức 5.127 Nhân dân tệ/tấn.
Vào hôm thứ Tư (2/6), hãng thông tấn TASS đưa tin, dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Andrei Belousov, Nga sẽ quyết định về việc có áp thuế bổ sung đối với các nhà sản xuất thép trong năm nay hay không. Theo đó, các nhà sản xuất kim loại của Nga có thể phải đối mặt với yêu cầu chi trả khoản thuế bổ sung là 100 tỷ RUB (tương đương 1,4 tỷ USD) cho chính phủ.
Ông Belousov cho biết, những thay đổi này chỉ được xem xét đối với các nhà sản xuất kim loại đen và dự kiến sẽ không ảnh hưởng đến các nhà sản xuất kim loại cơ bản. Hiện tại, Moscow đang lo ngại về việc chi phí nguyên liệu thô cho các ngành công nghiệp quốc phòng và xây dựng tăng cao.
Đây là một phần hệ quả của những nỗ lực nhằm giữ ổn định giá hàng hóa trong nước, bất chấp giá các mặt hàng này đang tiếp đà tăng trên phạm vi toàn cầu.
Trong một diễn biến khác, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết ngày 1/6, Ủy Ban chống bán phá giá Australia (ADC) ban hành kết luận điều tra sơ bộ và báo cáo dữ liệu trọng yếu trong vụ việc điều tra chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với ống thép chính xác có xuất xứ từ Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc (mã vụ việc 550).
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu măt hàng này của Việt Nam sang Australia năm 2019 đạt hơn 15 triệu USD. Về cáo buộc tình hình thị trường đặc biệt (PMS), ADC cho rằng không có bằng chứng cho thấy có sự khác biệt về giá nguyên liệu giữa Việt Nam và các nước khác và không có sự tác động của Chính phủ làm lệch lạc giá trị thông thường; các văn bản quy hoạch định hướng tổng thể cho ngành thép không còn hiệu lực ảnh hưởng. Chính vì vậy, ADC kết luận không tồn tại PMS tại Việt Nam.
Về cáo buộc bán phá giá và trợ cấp, tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều được kết luận có biên độ bán phá giá âm (không bán phá giá) và không nhận trợ cấp hoặc nhận trợ cấp không đáng kể từ Chính phủ. Cụ thể, biên độ bán phá giá xác định cho các doanh nghiệp Việt Nam từ -12,2% tới -6,5%; biên độ trợ cấp từ 0% tới 0,01%.
Về mối quan hệ nhân quả, ADC kết luận hàng hóa từ Việt Nam và Đài Loan không gây ra thiệt hại đáng kể. Thiệt hại của ngành sản xuất trong nước xuất phát từ hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Mức thuế CBPG sơ bộ mà các nhà sản xuất, xuất khẩu Hàn Quốc bị áp dụng là 6,2%; tổng mức thuế CBPG và CTC mà các nhà sản xuất, xuất khẩu Trung Quốc bị áp dụng từ 11,9 - 54,5%.
Trong quá trình vụ việc diễn ra, Bộ Công Thương đã thường xuyên phối hợp, trao đổi với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và các doanh nghiệp liên quan chuẩn bị tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp; đảm bảo sự hợp tác đầy đủ, toàn diện, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu theo đúng yêu cầu của ADC.
Kết luận sơ bộ của ADC đã chứng minh hiệu quả của công tác tác phối hợp giữa Chính phủ và doanh nghiệp, cũng như sự hợp tác giữa doanh nghiệp và Cơ quan điều tra nước ngoài trong vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Ở giai đoạn tiếp theo, ADC sẽ gửi khuyến nghị về kết luận cuối cùng để Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Khoa học và Công nghệ Australia đưa ra quyết định chính thức về vụ việc.
Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị