Thời gian gần đây, giá thép xây dựng xuất xưởng chưa VAT tại các nhà máy trong nước đều tăng đáng kể.
Ảnh minh họa
Về thép xây dựng, trong tháng 7 sản lượng sản xuất ước đạt khoảng 780 nghìn tấn, tăng 24,1% so với cùng kỳ 2016 và tăng 7% so với tháng trước, sản lượng thép tiêu thụ ước đạt khoảng 740 nghìn tấn.
Theo báo cáo của Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính, trong tháng 7/2017, do tác động của giá phôi thép, thép phế trên thị trường thế giới, giá thép xây dựng tăng phổ biến ở mức 150 - 300 đồng/kg, tùy từng chủng loại, từng thương hiệu thép. Hiện giá bán tại các nhà máy chưa bao gồm chiết khấu, thuế GTGT rơi vào khoảng 10.000 - 12.300 đồng/kg đối với thép cuộn và khoảng 10.100 - 12.400 đồng/kg đối với thép cây.
Cụ thể, giá thép xây dựng tại nhà máy thép Việt Ý đang bán ở mức 12,38 - 12,58 triệu đồng/tấn chưa VAT, giá thép cây phi 20 của Hoà Phát là 12,180 - 12,38 đồng/tấn chưa VAT, một số nhà máy thép quy mô nhỏ hơn giá thép cây thậm chí lên tới 12,90 triệu đống/tấn. Mức giá này tăng 15-17% so với điểm cuối quý 2/2017.
Giá thép xây dựng bán lẻ tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung dao động ở mức 10.100 - 12.500 đồng/kg; tại các tỉnh miền Nam dao động ở mức 10.200 - 12.800 đồng/kg.
Về thị trường thế giới, giá chào bán phôi thép tháng 7/2017 có xu hướng tăng khoảng 5 – 10 USD/tấn so với tháng 6/2017. Cụ thể, giá chào phôi thép CFR Đông Á ở khoảng 410 - 425 USD/tấn, giá chào phôi CIS khoảng 385 USD/tấn FOB Biển Đen.
Theo các chuyên gia trong ngành, nguyên nhân giá thép tăng do: Mùa xây dựng chuẩn bị bắt đầu, nhu cầu xây dựng tăng nhưng nguyên nhân chính là do tác động từ giá thép Trung Quốc. Ngành thép của Trung Quốc tái cơ cấu, các nhà máy gây ô nhiễm môi trường bị ngưng sản xuất và nhu cầu thép tăng cao ở Trung Quốc, do đầu tư xây dựng hạ tầng tăng đã khiến giá phôi thanh và thép cán nóng thế giới tăng mạnh kể từ tháng 5. Các nguyên liệu thượng nguồn như quặng sắt, than cốc và thép phế cũng tăng đáng kể.
Nguồn tin: Xây dựng