Giá thép xây dựng hôm nay (16/3) liên tục biến động "lập đỉnh" khi các doanh nghiệp thép điều chỉnh giá thép xây dựng quanh mức từ 18.000-19.000 đồng/kg (tùy thương hiệu và sản phẩm)…
Từ đầu tháng 3 tới nay, giá thép Hòa Phát tăng nhẹ theo xu hướng thép thế giới. Bảng báo giá thép Hòa Phát của "ông Vua" thị trường thép hiện nay vẫn đang là vấn đề quan tâm của đông đảo khách hàng.
Vào thời điểm 10 giờ sáng ngày 16/3, trên kênh "Giá Vật liệu xây dựng" cập nhật tại thị trường miền Bắc giá thép xây dựng Hoà Phát hiện ở mức từ 18.230 đồng/kg - 18.430 đồng/kg. Tại thị trường miền Trung và miền Nam giá thép xây dựng Hoà Phát ở mức 18.280 đồng/kg - 18.480 đồng/kg. Đây là bảng báo giá thép xây dựng Hoà Phát được công bố tuỳ thuộc vào chủng loại.
Bảng báo giá thép xây dựng Hoà Phát. Ảnh: Chụp màn hình
Trong năm 2021, Hòa Phát cung cấp cho thị trường tổng cộng 8,8 triệu tấn thép bao gồm phôi, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), ống thép và tôn mạ, tăng 35% so với 2020.
Báo cáo tài chính của Hoà Phát cho thấy, trong cơ cấu lợi nhuận sau thuế theo mảng kinh doanh, mảng thép ghi nhận 15.077 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, giá thép xây dựng Việt Ý có giá thấp hơn một chút hiện ở mức từ 18.180 đồng/kg - 18.380 đồng/kg, tuỳ thuộc vào chủng loại. Giá thép xây dựng Việt Nhật tại miền Bắc được công bố ở mức từ 18.220 - 18.420 đồng/kg.
Bảng giá thép xây dựng Pomina. Ảnh: Chụp màn hình
Đối với giá thép xây dựng Pomina tại thị trường miền Trung có giá nhỉnh hơn so với giá thép xây dựng Hoà Phát, giá từ 18.770 đồng/kg - 19.080 đồng/kg, tuy nhiên tại thị trường miền Nam giá thép xây dựng Pomina lại có giá thấp hơn giá thép xây dựng Hoà Phát rất nhiều, giá chỉ từ mức 17.860 đồng/kg - 18.170 đồng/kg.
Bảng báo giá thép xây dựng Việt Nam tại miền Bắc có giá quanh khung từ 18.080 đồng/kg - 18.280 đồng/kg, tại miền Trung từ 17.980 đồng/kg - 18.230 đồng/kg, tại miền Nam từ 18.180 đồng/kg - 18.380 đồng/kg.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá thép cây liên tục được công ty này tăng giá. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, giá thép cây đã 6 lần tăng giá. Trong đó, lần tăng cao nhất là ngày 15/3 với mức tăng thêm như đề cập ở trên. Các lần tăng giá trước đó đều từ 200.000-300.000 đồng/tấn.
Sau khi điều chỉnh 6 lần tăng giá, giá thép cây đắt hơn thời điểm cuối năm 2021 tới 2 triệu đồng/tấn. Thời điểm cuối năm 2021, giá thép cuộn xây dựng đã tăng 150.000 đồng/tấn vào ngày 27/12. Tuy nhiên, bước sang năm 2022 đà tăng còn khủng khiếp hơn.
Theo các chuyên gia đánh giá, giá thép có nhiều biến động do giá xăng, dầu tăng liên tục từ đầu năm tới nay tạo ra nhiều áp lực rất lớn tới nền kinh tế. Trong đó giá thép xây dựng cũng chịu ảnh hưởng từ giá xăng dầu. Do đó, giá vật liệu xây dựng cũng tăng theo giá xăng dầu.
Giá thép có biến động theo giá xăng dầu tăng cao. Ảnh: Hoà Phát
Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, giá các nguyên, nhiên liệu sản xuất thép tăng trở lại ở mức cao, như giá xăng dầu liên tục "lập đỉnh" khiến giá thép xây dựng tăng mạnh theo trong thời gian qua.
Sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 1/2022 đạt hơn 1,12 triệu tấn, tăng 11,19% so với tháng 12/2021 và ngang mức cùng kỳ 2021. Tiêu thụ đạt hơn 1,05 triệu tấn, tăng 1,55% so với tháng trước đó và tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu thép trong tháng 1 đạt gần 232.000 tấn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.
Thực tế, ngay từ đầu năm mới và trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn duy trì hoạt động xuất khẩu thép với sản lượng lớn qua các cảng biển.
Đầu tháng 2/2022, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất đã ký hợp đồng xuất khẩu lô thép cuộn cán nóng (HRC) đầu tiên tới Italy với khối lượng 35.000 tấn...
Trong khi đó, hiện có rất nhiều khách hàng nước ngoài muốn đặt mua HRC được sản xuất tại Việt Nam nhưng doanh nghiệp trong nước chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của thị trường do năng lực sản xuất mặt hàng này còn hạn chế.
Với nhu cầu tăng cao về xây dựng, đầu tư, Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo, thị trường thép trong nước tăng trưởng 15-20% trong năm 2022.
Nguồn tin: Dân trí