Sau 2 quý thua lỗ liên tiếp, các DN sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) đang rất thận trọng trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2023. Thậm chí, không ít công ty đã phải ngừng kinh doanh trước bão giá.
Sức tiêu thụ yếu
Trong tháng 2/2023, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 416.000 tấn thép thô, bằng 60% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC) và phôi thép đạt 475.000 tấn, bằng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 2 tháng đầu năm, sản lượng thép thô của tập đoàn này đạt 809.000 tấn, giảm 42% so với cùng kỳ. Bán hàng thép xây dựng, HRC và phôi thép ghi nhận 877.000 tấn, giảm 34% so với 2 tháng đầu năm 2022.
"Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 02/2023/TT-BXD với hướng dẫn chi tiết một số nội dung về hợp đồng xây dựng; công bố và hướng dẫn sử dụng mẫu hợp đồng thi công xây dựng, mẫu hợp đồng tư vấn xây dựng, mẫu hợp đồng thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng công trình được áp dụng từ ngày 20/4."
Nhận định về tình hình kinh doanh, đại diện Hòa Phát thông tin, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm thép tại thị trường trong và ngoài nước đều giảm so với cùng kỳ. Điều này phản ánh hai trạng thái khác nhau của thị trường xây dựng đầu năm 2022 và 2023. Trong nửa đầu năm 2022, thép xây dựng tiêu thụ cao kỷ lục nhờ nhu cầu thị trường tăng trưởng mạnh, nhưng rồi sau đó đã sụt giảm.
Đặc biệt, sang năm 2023, thị trường trầm lắng do sức cầu yếu, dẫn đến mức tiêu thụ thép không khả quan, kế hoạch sản xuất năm 2023 bao gồm doanh thu hợp nhất 150.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của "ông lớn" ngành thép này chỉ 8.000 tỷ đồng, tương ứng với biên lãi thuần 5,33% - gần bằng với lãi sau thuế của năm 2022 khi chỉ thu về 8.444 tỷ đồng.
Với Tập đoàn Hoa Sen, kết quả kinh doanh quý I niên độ tài chính 2022 - 2023 (1/10/2022 - 31/12/2022) lợi nhuận gộp thu về 160 tỷ đồng, tuy nhiên sản lượng bán hàng thấp hơn 9% so với cùng kỳ. Với kết quả trên, năm 2023, Hội đồng Quản trị của DN này cũng công bố 2 phương án kinh doanh đều cùng tiết giảm sản lượng, tồn kho, chi phí tài chính nhằm tăng biên lợi nhuận, hạ dư nợ ngắn hạn.
Ban lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen nhận định, xuất khẩu thép vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó lường trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh vào rào cản thương mại. Bên cạnh đó, thị trường nội địa cạnh tranh gay gắt, các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị trong ngành.
Nhiều doanh nghiệp "ngồi trên đống lửa"
Mặc dù nhu cầu tiêu thụ sắt thép được nhiều chuyên gia trong ngành kỳ vọng tăng, giúp giảm nguồn cung từ những nỗ lực của Chính phủ khi quyết liệt giải ngân đầu tư công, tháo gỡ cho các dự án trọng điểm, hoặc tập trung vào các dự án nhà ở xã hội... Nhưng hiện nay, giá cả các mặt hàng VLXD đều ở ngưỡng rất cao, trong khi để dự án chính thức đi vào xây dựng mất rất nhiều thời gian.
Nhiều nhà thầu, chủ đầu tư trên địa bàn Hà Nội cho biết, các loại VLXD cơ bản, trừ giá xi măng đang có độ chững, còn lại như thép, cát xây... đều có xu hướng tăng trở lại. Nhiều công trình thi công sử dụng khối lượng thép lớn khiến các DN không dám nhận thầu, còn đã trót làm thì vượt quá tầm kiểm soát, bỏ dở công trình để tránh lỗ nặng.
Giám đốc một DN chuyên thi công cầu, đường thông tin, mỗi lần nhà cung cấp gửi báo giá mới đều như "ngồi trên đống lửa". Từ đầu năm tới nay, giá thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 sau ít nhất 5 lần điều chỉnh đã lên tới mức xấp xỉ 16 triệu đồng/tấn và ngày 6/3 giá thép cây Hòa Phát tại miền Nam đã tăng thêm 200.000 đồng/tấn, dự kiến sẽ áp dụng tại thị trường miền Bắc.
Bên cạnh đó, giá cát xây dựng sau Tết đã tăng hơn do nhiều chủ đại lý thông báo khan hiếm do nguồn cung giảm dần. Cát san lấp có thời điểm rơi vào khoảng 100.000 đồng/m3, cát vàng thô dao động từ 390.000 - 460.000 đồng/m3, cát đen xây dựng 130.000 - 160.000 đồng/m3 - mức tăng từ 30.000 - 40.000 cho mỗi m3.
Giám đốc Công ty CP COPLAN Phó Thanh Tùng chia sẻ, với các DN tham gia vào công đoạn xây dựng thô chắc chắn gặp khó khăn, bởi liên quan tới chi phí đầu vào. Vì thép chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá trị xây dựng phần thô, bởi cát là vật liệu quan trọng trong quá trình đổ bê tông, trát - công đoạn liên quan tới tiến độ dự án. Tuy nhiên, việc thương thảo điều chỉnh này còn tùy thuộc vào các điều khoản hợp đồng. Nếu có điều khoản điều chỉnh giá, việc điều chỉnh được bao nhiêu cũng còn tùy thuộc vào thiện chí và khả năng tài chính của chủ đầu tư.
"Với những nhà thầu làm các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, nhiều hợp đồng có điều chỉnh giá quy định sử dụng nguồn chỉ số giá của địa phương (nơi dự án đi qua) hoặc nguồn của Tổng cục Thống kê để tính toán bù giá theo công thức trong hợp đồng, nhưng thường không theo sát biến động thực tế, dẫn tới tình trạng các DN xây dựng có tâm lý thi công cầm chừng, chờ đợi cập nhật mới" - ông Phó Thanh Tùng cho hay.
Các DN xây dựng vốn đã gặp khó trong duy trì dòng tiền, đói vốn, chi phí vay tăng cao và vướng nhiều công nợ từ thị trường bất động sản giảm sút, nay dần "ngấm đòn" trước biến động giá VLXD. Có chuyên gia dự báo, nếu tình trạng này kéo dài, trong 5 năm tới, số lượng công ty có đủ năng lực, chất lượng thuộc ngành xây dựng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Minh chứng cho điều này, số liệu của cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2023, cả nước có 51.401 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, phần lớn lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn với 38.772 DN, tăng gần 6.000 DN so với cùng kỳ năm 2022.
Phân theo 17 ngành nghề kinh doanh, 2 ngành xây dựng và kinh doanh bất động sản có số DN tạm ngừng kinh doanh rất cao với hơn 7.180 DN. Cụ thể, ngành xây dựng có 5.525 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022 (4.527 DN). Tương tự, ngành kinh doanh bất động sản trong 2 tháng qua có 1.660 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái (1.057 DN).
Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị