Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá vật liệu xây dựng vẫn tăng mặc dù tiêu thụ chậm

Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và thời tiết diễn biến bất thường, các đợt mưa-bão dồn dập kéo dài khiến nhiều công trình đến nay vẫn bị ngưng trệ hoặc xây dựng cầm chừng. Nghịch lý xảy ra là sức tiêu thụ vật liệu xây dựng khá chậm, sản phẩm tồn đọng nhưng giá lại không giảm, mà có chiều hướng tăng cao.

Nếu so với thời điểm đầu và giữa năm, bước sang quý 4 năm nay việc xây dựng các công trình có nhích lên. Tuy nhiên, so với các năm thì việc xây dựng thời điểm hiện nay không đáng kể. Điều đáng lưu ý là sức tiêu thụ VLXD chỉ mới nhích lên nhưng giá một số loại như thép, cát, đá… đã tăng khá cao so với trước đó. Cụ thể, giá thép sau thời điểm vụt lên trên dưới 20 triệu đồng/tấn, sau đó trở về mức dưới 9 triệu đồng/tấn, nay đã vượt 12 triệu đồng/tấn. Cát, đá và một số sản phẩm nội thất cũng có mức tăng tương ứng từ 20%-30% tùy chủng loại, thương hiệu.

Theo dự đoán, nếu hơn một tháng nữa tình hình xây dựng vẫn cầm chừng thì sẽ có một đợt giảm giá mạnh ở một số loại VLXD nhằm thanh lý hàng tồn kho cuối năm. Mặt khác, hiện nay nhiều sản phẩm như thép… từ các nước trong khu vực đang ồ ạt nhập vào Việt Nam, nếu các doanh nghiệp không giảm giá sẽ mất thị phần, đặc biệt là thép cuộn và các sản phẩm nội thất.

Theo các công ty sản xuất VLXD, mức giá đưa ra thị trường hiện nay là “phù hợp” với tình hình biến động giá cả. Trong đó, tác động của giá nguyên liệu thế giới cùng với biến động tỷ giá ngoại tệ đã khiến giá bán một số mặt hàng VLXD nói riêng và các sản phẩm khác nói chung của các doanh nghiệp trong nước tiếp tục điều chỉnh theo hướng tăng.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế nhận định, đó là một cách bao biện của các doanh nghiệp sản xuất nhằm không điều chỉnh giá giảm, gây thiệt thòi cho người tiêu dùng. Thật ra, từ trước đến nay các doanh nghiệp sản xuất trong nước luôn có tâm lý đã tăng thì khó giảm. Đây là tâm lý “ăn xổi” của các doanh nghiệp và nếu không kịp điều chỉnh chắc chắn sẽ thiệt hại nặng khi hàng nhập khẩu đang có nhiều lợi thế tràn vào hiện nay.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, ngành thép sẽ có nguy cơ mất cơ hội nhiều nhất nếu không điều chỉnh giảm giá kịp thời, trong khi lượng tồn kho còn khá lớn.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng sản lượng thép sản xuất trong 9 tháng qua đạt 2,92 triệu tấn, tăng 0,32 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước. Hiện lượng thép thành phẩm tồn kho còn 150.000 tấn cùng với lượng phôi chuẩn bị cho sản xuất trong tháng 10 khoảng 450.000 tấn. Ngoài ra, trong tháng qua, có khoảng 43.000 tấn thép cuộn được nhập khẩu vào Việt Nam với giá bán rẻ hơn từ 500.000 - 700.000 đồng/tấn khiến tổng lượng thép tiêu thụ của các doanh nghiệp trong nước chỉ đạt 300.000 tấn, giảm 100.000 tấn so với tháng trước.

Trước thực trạng trên của thị trường thép, VSA đưa ra cảnh báo, với lượng thép ngoại nhập nhiều như hiện nay cùng với việc giá phôi thép trên thế giới đang có chiều hướng giảm, nếu trong thời gian tới các doanh nghiệp thép không tính toán đến việc giảm giá bán thì sẽ rất khó tiêu thụ được sản phẩm. Do vậy, ngay bây giờ các doanh nghiệp cần có biện pháp điều chỉnh giá bán hợp lý, đừng để người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm nội khi đã quen dùng hàng ngoại với giá rẻ hơn.

(Stockbiz)

ĐỌC THÊM