Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giải cứu doanh nghiệp thép

 Hiệp hội thép VN (VSA) vừa đưa ra dự báo sẽ có khoảng 20% DN thép bị phá sản trong năm 2012. Tính đến thời điểm này, nhiều DN chưa tuyên bố phá sản nhưng đã rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”. 

Mỗi tấn thép tồn kho, số tiền lãi suất phải trả hàng tháng của DN
đang cộng 200 – 230 nghìn đồng/tấn/tháng (giá mỗi tấn thép là 17 - 19 triệu đồng/tấn)

Theo VSA, dù chưa có giấy tờ khẳng định phá sản nhưng trong số 70 DN sản xuất thép trong nước đã có 5 - 6 DN gần như chết hẳn, không sản xuất gì mấy tháng nay, khoảng 15 DN giảm lương (chỉ trả 70%) và cắt giảm lao động. Tuy nhiên, nhiều DN ngành thép còn cho biết, số DN thép “chết lâm sàng” hiện nay có thể gấp đôi con số của VSA thông báo.

Bội thực thép nội

Với công suất sản xuất thép của các nhà máy hiện nay hơn 11 triệu tấn, trong khi khả năng tiêu thụ trong năm nay khoảng hơn 5 - 5,5 triệu tấn, chưa kể thép nhập khẩu, lượng hàng tồn kho đang bóp nghẹt các DN thép.

Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch VSA cho biết, lượng thép xây dựng tiêu thụ 6 tháng đầu năm gần 2,62 triệu tấn, giảm khoảng 17% so cùng kỳ năm ngoái. Thép tồn kho đang tăng dần theo từng tháng. Lượng thép tồn kho trong cuối tháng 6 tăng lên khoảng 15% so với các tháng đầu năm, tháng 7 tiếp tục tăng thêm khoảng 20.000 tấn. Tính 7 tháng đầu năm lượng thép tồn kho đã lên đến 370.000 tấn.

Theo ông Trần Ngọc Anh - Phó Tổng Giám đốc Cty thép Việt – Ý, mặc dù Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng Thương mại đã giảm mức lãi suất cho vay từ 17 – 18%/năm xuống 14 – 15%/năm, nhưng do lượng hàng tồn kho lớn, các DN vẫn khó có thể trụ được. Với mỗi tấn thép tồn kho, số tiền lãi suất phải trả hàng tháng của DN đang cộng 200 – 230 nghìn đồng/tấn/tháng (giá mỗi tấn thép là 17 - 19 triệu đồng/tấn).

Được đánh giá là một đơn vị vẫn còn khá khỏe của ngành thép, tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Dương – Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, xương sống của ngành thép hiện nay là thép xây dựng, thế nhưng 6 tháng đầu năm đã suy giảm 16%. Hiện nay, Tập đoàn thép Hòa Phát cũng buộc phải cắt giảm 10 – 15% năng suất của mình để giảm lượng hàng tồn kho.

Trong khi công suất sản xuất thép đã dư thừa thì tốc độ tiêu thụ chậm càng khiến ngành thép thêm trầm trọng. Đã vậy, một số dự án thép “khủng” chuẩn bị đi vào hoạt động càng tăng thêm lo ngại về tình trạng dư thừa công suất so với nhu cầu thực tế. Những dự án thép “khủng” đã được cấp phép như nhà máy thép liên hợp Formosa ở khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh (cấp phép đầu tư từ 2008), vừa rồi đã quyết định tăng quy mô dự án lên 22,77 triệu tấn/năm, thay vì 15 triệu tấn như đăng ký ban đầu. Còn khu liên hợp của Tycoon và E. United ISM tại khu công nghiệp Dung Quất (Quảng Ngãi), cấp phép từ năm 2006. Gần đây, E.United đã hợp tác với tập đoàn thép JFE (Nhật Bản), cuối năm nay sẽ lập nhà máy thép liên hợp công suất 3,5 triệu tấn/năm tại Dung Quất.

Lo ngại thép ngoại

Cùng với sự bội thực thép nội thì một nguy cơ khác cũng không kém phần quan trọng đó là thép Trung Quốc tràn vào VN. Hiện Trung Quốc có sản lượng khoảng 700 triệu tấn thép/năm, chiếm hơn 50% sản lượng thép của thế giới. Tuy nhiên, dự báo về bong bóng thị trường bất động sản tại Trung Quốc đang khiến việc tiêu thụ thép chững lại. Một lượng lớn thép dư thừa của thị trường này đang đẩy các thị trường lân cận đứng trước mối lo bị tràn nhập thép giá rẻ từ Trung Quốc.

Ông Trần Tuấn Dương nhẩm tính, chỉ cần 5% thép của họ (gần 40 triệu tấn) đẩy đi, thì không những VN, mà các nước trong khu vực đều phải chịu sức ép trước lượng thép khổng lồ này. Ông Dương cho biết, hiện thép cuộn của Trung Quốc đã vào VN khoảng 300 nghìn tấn. Đáng lưu ý hơn, lượng thép này được nhập vào VN với thuế suất 0%.

Được cho rằng vì có hàm lượng nguyên tố Bo trên 0,0008% nên thép Trung Quốc đang hưởng thuế suất nhập khẩu 0%. Thực tế, tỷ lệ trên chỉ là vi lượng, không làm thay đổi tính chất vật lý của thép, mác của thép. Một số Cty thương mại, nhập thép hợp kim này về, nhưng về bán với giá thép xây dựng, đây là hình thức cạnh tranh không lành mạnh.

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), việc thép có chứa hợp kim Bo từ Trung Quốc đang ồ ạt vào VN đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các DN trong nước. Theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ASEAN - Trung Quốc, mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% được áp dụng với các loại thép hợp kim có chứa nguyên tố Bo (hàm lượng từ 0,0008% trở lên) ở dạng tấm, lá, thanh, que, góc, khuôn hình nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, giám định phân loại thép của hải quan VN trong năm 2010 đã phát hiện hiện tượng thép nhập khẩu khai là thép hợp kim có chứa hàm lượng Bo (từ 0,0008% trở lên) nhưng thực chất được nhập khẩu về để làm thép xây dựng. Với chiêu lách luật này, thép Trung Quốc vào VN bán với giá thấp hơn nhiều so với thép trong nước, khoảng 400-500 nghìn đồng/tấn. Tính cả VAT khoảng 14.500 triệu đồng/tấn thép cuộn.

Những kiến nghị từ DN

Theo ông Huỳnh Trung Quang - Tổng giám đốc Cty thép Tây Đô, thép cuộn của Trung Quốc rẻ hơn, có thể do họ áp dụng công nghệ cải tiến để có giá cạnh tranh, nhưng cũng không loại trừ họ bán phá giá. Để ngăn chặn tình trạng trên, Hiệp hội Thép VN cần có kiến nghị gửi các cơ quan chức năng đề nghị kiểm soát chặt chẽ thép có chứa hợp kim Bo từ Trung Quốc đang ồ ạt vào VN. Trong đó, cần xác định rõ đâu là thép xây dựng, đâu là hợp kim.

 

Việc thép có chứa hợp kim Bo từ Trung Quốc đang ồ ạt vào VN đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các DN trong nước.

Còn theo ông Trần Tuấn Dương, việc cấp phép đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực thép cũng cần phải thay đổi. Đặc biệt là chính sách ưu đãi đầu tư đối với DN nước ngoài theo từng lĩnh vực. Các DN thép nước ngoài đầu tư vào VN chỉ nên ở mức 30% cổ phần, không nên cho đầu tư 100%. Các điều kiện khác cũng không nên ưu ái cho “người ngoài” hơn “người nhà”.

 

Để tăng sức tiêu thụ thép và giảm hàng tồn kho, đại diện Hiệp hội Thép cho rằng, cần tìm đầu ra cho ngành thép, tìm hợp đồng mới, tìm thị trường xuất khẩu mới cho sản phẩm mới như thép mạ kẽm, tôn. Bên cạnh những thị trường cũ, cần mở ra thị trường mới như Đông Nam Á, Trung Đông, Bắc Phi.

Ông Huỳnh Trung Quang còn đề nghị, những tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013 nên có chương trình xúc tiến thương mại ở các nước trong khu vực, trước hết là Myanma, Campuchia, Philipines - đây là những thị trường có lợi thế, tiềm năng.

Cùng với các biện pháp giải cứu DN, hạ lãi suất, giải phóng hàng tồn khó, ông Nguyễn Trọng Khôi - Phó Tổng Giám đốc TCty Thép VN cho rằng, vấn đề quan trọng hiện nay là các DN cần phải đoàn kết, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn. Nếu lúc này, các DN tách nhau ra, mạnh ai nấy đi, giá nào cũng bán chỉ mong mình bán được hàng thì sẽ không giải quyết được khó khăn, mà phải cùng nhau tìm thị trường...

Một bài toán tổng thể, một quy hoạch có tầm nhìn đang được ngành thép trông đợi từ phía Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan.

Nguồn tin: DĐDN

ĐỌC THÊM