Hàng ngoại “đè” hàng nội
Lượng hàng tồn kho lớn không chỉ do người tiêu dùng giảm chi tiêu do kinh tế khó khăn mà còn bởi hàng trong nước phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ hàng nhập ngoại giá rẻ.
Giải quyết hàng tồn kho là việc làm hết sức cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Ảnh: Trần Việt
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết: Đối với ngành thép, mặc dù tồn kho với số lượng lớn, nhưng lượng thép nhập khẩu vẫn tăng cao. Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, từ tháng 1 - 8/2012, Việt Nam đã nhập khẩu gần 5 triệu tấn sắt thép, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2011; Trong đó, thép nhập từ Trung Quốc là 1,4 triệu tấn, chiếm 28% tổng lượng thép nhập khẩu. Việc lượng thép nhập khẩu tăng mạnh do giá thành thấp hơn thép nội từ 500.000 - 700.000 đồng/tấn, có thời điểm thấp hơn tới 1 triệu đồng/tấn, nên loại thép này vẫn được tiêu thụ mạnh, nhất là ở các vùng nông thôn, các công trình tư nhân.
Tương tự, từ đầu năm đến nay, ngành giấy chỉ sản xuất được 1,369 triệu tấn, giảm 8,1%, trong khi nhập khẩu 876.000 tấn giấy, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2011. Theo ông Cao Tiến Vị - Tổng Giám đốc Công ty giấy Sài Gòn, giá giấy nhập khẩu từ Malaysia luôn thấp hơn hàng trong nước từ 800.000 - 1 triệu đồng/tấn, chất lượng lại tốt hơn nên doanh nghiệp hạn chế sử dụng hàng nội.
Theo kết quả từ một số cuộc điều tra, khảo sát thị trường của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietforest), hiện chỉ có khoảng 20% doanh số tiêu thụ đồ gỗ trong nước thuộc về các sản phẩm của DN Việt Nam, còn lại 80% là sản phẩm của Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan…
Ngoài ra, theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến cuối tháng 9/2012 ngành than tồn kho khoảng 8,9 triệu tấn; ngành sắt, thép và gang tồn kho tăng 40,6% so với cùng kỳ. Chỉ số tồn kho của nhóm may trang phục, phân bón, pin ắc quy, dây điện và cáp điện, sản xuất xe có động cơ... tăng trên 20%.
Giải cứu cách nào?
Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết: Trung bình doanh thu từ hệ thống bán lẻ của Hapro đạt hơn 4.000 tỷ đồng/năm. Để đạt được con số đó, bên cạnh việc mở rộng mạng lưới phân phối, Hapro còn triển khai Chương trình "Liên kết thị trường nội bộ", khuyến khích các đơn vị thành viên trong Hapro trở thành khách hàng, ưu tiên sử dụng dịch vụ, tiêu thụ các sản phẩm của nhau.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện nhu cầu mua sắm, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa hàng năm của các đơn vị là rất lớn, đa dạng. Đơn cử như, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có nhu cầu mua than, giấy các loại, quần áo bảo hộ lao động. Tập đoàn Than - Khoáng sản có nhu cầu mua nhiên liệu, điện năng, các thiết bị điện... và nhu cầu tiêu thụ than, dầu bôi trơn. Tập đoàn Dệt may Việt Nam có nhu cầu mua than, giấy, hóa chất các loại... và có nhu cầu bán các sản phẩm may mặc… Nếu các DN phối hợp trong việc tiêu thụ sản phẩm của nhau sẽ giảm chi phí đầu vào và bớt gánh nặng hàng tồn kho.Trong thời gian qua, để giảm giá thành sản xuất, Tổng Công ty Thép Việt Nam và các DN thành viên đã tăng cường sử dụng vật tư, nhiên liệu trong nước như: Chuyển từ sử dụng dầu FO nhập khẩu sang sử dụng khí hóa lỏng sản xuất trong nước. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng chủ trương sử dụng 100% xăng, dầu diesel, xi măng là hàng nội. Ngành cơ khí liên kết chế tạo thiết bị phụ tùng cho doanh nghiệp ngành giấy.
Để hỗ trợ hoạt động này, vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận sử dụng các sản phẩm của nhau giữa 16 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã đề xuất thêm một số giải pháp khác, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN trong việc phát triển sản xuất, tiêu thụ hàng tồn kho như: Đề nghị Thủ tướng xem xét cho phép tiếp tục thực hiện giảm tiền thuê đất đến hết năm 2013 cho DN. Đây được coi là những giải pháp nhằm giảm đáng kể tình trạng tồn kho mà các DN đang phải đối mặt hiện nay.