Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giai đoạn nguy hiểm mới của kinh tế toàn cầu

Nền kinh tế toàn cầu đang ở trong một giai đoạn nguy hiểm mới. Khu vực Eurozone và Mỹ có thể quay trở lại thời kỳ suy thoái.

Đó là nhận định của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF trong Báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu mới được công bố. Thông điệp này được đưa ra ngay trước cuộc gặp gỡ của các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu, trong Hội nghị thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới WB được tổ chức tuần này tại Washington (Mỹ). Trong lúc này, ngày càng nhiều lo ngại rằng, kinh tế toàn cầu đang mất đi động lực phục hồi.

Các bất ổn tài chính toàn cầu đang có xu hướng gia tăng từ giữa năm nay. Thị trường trở nên lo ngại hơn vào khả năng kiểm soát nợ công của các chính phủ. Vấn đề nghiêm trọng hơn khi mối lo này đang lan rộng khắp châu Âu đến Nhật, rồi Mỹ. Điều này khiến IMF đã giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay và năm 2012 xuống mức 4%.

4% không hẳn là thấp, nhưng vấn đề là ở sự mất cân đối. Trong khi các nước phát triển phục hồi kinh tế chậm chạp ở mức tăng trưởng khoảng 1,6%, thì các nước mới nổi được kỳ vọng tăng trưởng tới 6,4%.

Ông Olivier Blanchard, Giám đốc Nghiên cứu IMF cho rằng: “Quá nóng” là từ được dùng để mô tả về các nền kinh tế mới nổi. Một số nền kinh tế đang phát triển, có sự phát triển quá nóng hoặc đang có nguy cơ phát triển quá nóng. Rõ ràng là họ phải tránh tình trạng này. Cùng lúc này, nhìn về phía trước, môi trường kinh tế toàn cầu sẽ xấu hơn, do đó các nước cần sẵn sàng có các chính sách phản ứng kịp thời. Ngoài ra, 1 điều cần làm là thúc đẩy nhu cầu trong nước”.

Trong báo cáo mới, Quỹ Tiền tệ quốc tế khuyến cáo các nước khu vực châu Á cần đặc biệt quan tâm vấn đề kiểm soát lạm phát. Với riêng nền kinh tế Việt Nam, IMF vừa đưa ra dự báo tốc độ tăng giá tiêu dùng cả năm nay ở mức 18,8%. Trong khi dự báo cho tăng trưởng kinh tế 2011 là 5,8%.

Bà Rupa Duttagupta, Bộ phận nghiên cứu kinh tế thế giới, IMF cho biết: “Nhận định của chúng tôi là về cơ bản, ưu tiên của Việt Nam là xử lý lạm phát cao. Tăng trưởng vừa qua đã đạt mức tương đối tốt và chính sách tiền tệ nên tiếp tục thắt chặt”.

Lý giải sự điều chỉnh trong báo cáo lần này, IMF cho rằng, chính sách thắt chặt tiền tệ và nhu cầu tiêu thụ nước ngoài giảm, sẽ làm chậm đà tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi cũng như các nước đang phát triển trong ngắn hạn.

Tâm điểm rủi ro lúc này đang nằm tại châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, rủi ro tại các nước đang phát triển cũng rất phức tạp. Không chỉ nguy cơ tăng trưởng nóng, sự rút vốn đột ngột hay biến động khó lường của giá hàng hoá thô là những thách thức mà các nước đang phát triển như Việt Nam đang phải đối mặt.

Nguồn tin: VTV

ĐỌC THÊM