Sức nặng của lượng hàng tồn kho đã gây áp lực và khiến doanh nghiệp kiệt sức. Nó được một chuyên gia kinh tế ví như là một trong 3 góc của cái "tam giác quỷ” trói doanh nghiệp trong đó, thật khó mà thoát ra được. Thời gian qua, những giải pháp cho việc xử lý gánh nặng này vẫn tiếp tục được các doanh nghiệp (DN) đưa ra, các bộ, ngành rốt ráo vào cuộc. |
Thép không tiêu thụ được do không cạnh tranh được với hàng nhập giá rẻ Ảnh: Hoàng Long Xử lý hàng tồn bằng thỏa ước Ngày 9-10 vừa qua, Bộ Công thương tiếp tục thực hiện thêm một giải pháp nữa nhằm mục đích giảm hàng tồn kho cho DN. Đó là thực hiện lễ ký kết thỏa thuận sử dụng các sản phẩm của nhau giữa các DN, tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ. Theo ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công thương, nhu cầu mua sắm, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa hàng năm của các đơn vị là rất lớn, đa dạng. Đơn cử như, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có nhu cầu mua than, giấy các loại, quần áo bảo hộ lao động... Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam có nhu cầu mua nhiên liệu, điện năng, các thiết bị điện... và nhu cầu tiêu thụ than, dầu bôi trơn, các phương tiện vận tải thủy, bộ (sà lan, xe tải, xe cẩu..).Tập đoàn Dệt may Việt Nam có nhu cầu mua than, giấy, hóa chất các loại... và có nhu cầu bán các sản phẩm may mặc đồng phục, bảo hộ lao động. Nếu làm tốt hợp tác về cung cấp trang phục và quần áo bảo hộ lao động cũng như các sản phẩm khác, nhiều DN có thể giải quyết được không ít khó khăn đang gặp phải, đồng thời tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Chính bởi vậy, các DN có thể sử dụng sản phẩm của nhau để giảm chi phí đầu vào. Giải pháp này không những sẽ giúp giảm bớt gánh nặng hàng tồn kho mà còn góp phần thúc đẩy cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Ông Trần Quang Nghị - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, thời gian qua, cùng với nỗ lực phấn đấu đưa mục tiêu xuất khẩu 15 tỷ USD về đích sớm trong năm nay, Tập đoàn cũng luôn hướng đến việc cải thiện mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để thu hút người tiêu dùng trong nước. Bởi vậy, các sản phẩm may mặc của Tập đoàn đã chiếm được thị phần lớn tại các siêu thị và ngày càng mở rộng được hệ thống phân phối; người tiêu dùng trong nước cũng chuyển sang sử dụng hàng Việt nhiều hơn thay vì sử dụng những hàng Trung Quốc giá rẻ như trước đây. Cùng với việc ký thỏa ước các DN sử dụng sản phẩm của nhau để tránh tồn kho, Bộ Công thương cũng đã đề xuất thêm một số giải pháp khác nhằm tháo gỡ bớt khó khăn cho các DN. Với chủ trương giảm 50% tiền thuê đất năm 2012 đã được Thủ tướng quyết định, Bộ đề nghị cần có hướng dẫn chi tiết hơn theo hướng giảm nhẹ thủ tục hành chính để DN có thể được giảm tiền thuê đất. Tình hình khó khăn có thể kéo dài đến năm 2013, Bộ Công thương đã đề nghị Thủ tướng xem xét cho phép tiếp tục thực hiện giảm tiền thuê đất đến hết năm sau. Hàng nhập giá rẻ đang dìm chết hàng trong nước Như vậy, có thể thấy rõ, những giải pháp tháo gỡ khó khăn, giảm lượng hàng tồn kho vẫn đang được các DN, bộ, ngành ráo riết vào cuộc. Song, một số DN cho rằng, bên cạnh các giải pháp giảm tải hàng tồn kho, các nhà quản lý cũng cần có những giải pháp kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu, đặc biệt đối với mặt hàng thép – một trong những nhóm hàng vật liệu xây dựng có lượng tồn kho khá lớn. Gần đây, các DN ngành thép đang phải đối diện với nghịch lý là: Khi thép còn đang ứ đọng đầy trong kho thì DN vẫn phải đối chọi với thép nhập từ Trung Quốc ngày càng tràn vào nhiều hơn. Con số thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu gần 5 triệu tấn sắt thép các loại, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý là chỉ riêng lượng thép nhập từ Trung Quốc đã gần 1,4 triệu tấn, chiếm 28% tổng lượng thép nhập khẩu. Nguyên nhân lượng thép nhập tăng cao là do giá thép tại Trung Quốc đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Lãnh đạo một DN sản xuất thép nhận định, chất lượng thép Trung Quốc kém xa chất lượng thép sản xuất trong nước nhưng nhờ giá rẻ nên loại thép này vẫn được tiêu thụ mạnh, nhất là ở các vùng nông thôn, các công trình tư nhân… Điều này đang khiến các DN thép trong nước lâm vào tình trạng nguy nan: Hàng tồn không tiêu thụ được do không cạnh tranh được với hàng nhập giá rẻ. Thiết nghĩ, cùng với những nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, giảm tải sức nặng hàng tồn kho cho các DN, các bộ, ngành chức năng cũng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát nhập khẩu. Nguồn tin: ĐĐK |