Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thép

Ngày 4/11, Hội doanh nghiệp Trẻ và Sở Công thương Hải Phòng đã tổ chức "Toạ đàm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thép".
Sau thời kỳ tăng giá cao vào đầu năm 2008, giá thép trên thị trường bỗng dưng "tụt dốc không phanh", giá phôi thép giảm 70% và chỉ bằng 40% giá thành sản xuất của các nhà máy, khiến thị trường tiêu thụ sắt thép trên cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng trở nên ảm đảm và đang trong "thời kỳ đen tối nhất của cơn khủng hoảng"- theo như lời ông Lê Văn Vang, Giám đốc Công ty Thép Nam Vang (Hà Nội). Hiện cả nước có khoảng 3 triệu tấn thép (tương đương khoảng 2 tỷ USD) còn tồn kho, đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước đến hết quý II/2009. Thép không tiêu thụ được, cộng thêm lãi suất ngân hàng cao khiến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép của Hải Phòng lâm vào tình trạng khó khăn cùng cực.
Nhiều đề xuất đã được các doanh nghiệp đưa ra như: Đề nghị Chính phủ khởi động lại các dự án xây dựng đã bị đình giãn tiến độ và cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi với số vốn bằng 25% vốn điều lệ của doanh nghiệp; Chính phủ sớm xem xét áp dụng tình trạng khẩn cấp về thuế nhập khẩu đối với sắt thép trong thời gian ngắn để tránh tình trạng đổ bộ của mặt hàng này từ nước ngoài trong thời điểm giá sắt thép thế giới giảm mạnh. Hầu hết các doanh nghiệp đều mong mỏi các ngân hàng thương mại giãn nợ, cho vay với lãi suất thấp giảm bớt căng thẳng về tài chính cho các doanh nghiệp, và đặc biệt nên hạn chế tối đa các khoản cho vay để nhập khẩu sắt thép. Cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép cũng đồng thuận phương án: hạn chế nguồn cung; các doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu sắt thép, thay vào đó là mua lại hàng của nhau.
Sau khi phân tích những nguyên nhân của đợt "khủng hoảng" sắt thép, các doanh nghiệp giờ đây mới rút ra một bài học... xương máu, nhận ra sự yếu kém bấy lâu của mình: Đó là, quá thụ động vào các chính sách của Nhà nước, không có tầm nhìn chiến lược sản xuất, kinh doanh riêng của mình; Thiếu sự hợp tác trao đổi thông tin, góp tiếng nói chung với các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các bạn hàng trong nước. Trong các giải pháp tình thế các doanh nghiệp đưa ra, đáng chú ý là lời kêu gọi các doanh nghiệp lĩnh vực này phải hỗ trợ nhau, mua các sản phẩm của nhau, hạn chế nhập khẩu từ nước ngoài. Giờ đây, các doanh nghiệp mới giật mình, bừng tỉnh bởi từ trước đến nay họ ganh đua nhau, mạnh ai nấy làm ăn, nhập khẩu sắt thép vô lối từ nước ngoài trong khi những mặt hàng ấy hoàn toàn có thể mua từ chính các doanh nghiệp trong nước. Đến khi hàng ê chề, ứ đọng mới ngộ ra rằng phải có sự... liên kết hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh doanh.
(TTXVN)

ĐỌC THÊM