Chỉ số tồn kho các mặt hàng tăng mạnh trong ba tháng đầu năm. Nguyên nhân chính vẫn là do sức mua của người tiêu dùng giảm sút, cộng với tình trạng thiếu vốn, lãi vay cao, vốn đọng, vòng quay dòng tiền chậm lại.
Tồn kho khắp nơi
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho tại thời điểm 1-3-2012 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 34,9% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng khá cao là: chế biến và bảo quản rau quả tăng 87,2%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 62,7%; sản xuất sắt, thép tăng 59,1%; sản xuất xi măng, vôi, vữa tăng 55%; sản xuất xe có động cơ tăng 38,7%.
Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh trong quí 1-2012 như sản xuất đồ uống không cồn giảm 20,1%; sản xuất sắt, thép giảm 24,9%; sản xuất giấy và bao bì giảm 26,1%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện giảm 30,1%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 35,7%...
Lý giải về việc ngành sản xuất giấy, bao bì hiện đang có mức tồn kho cao, ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty Giấy Sài Gòn, cho biết từ đầu năm đến nay, một số ngành xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh do khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến mức tiêu thụ của mặt hàng giấy bao bì công nghiệp. Khủng hoảng kinh tế đã làm cho các ngành công nghiệp bị khó khăn, trong đó, ngành công nghiệp sản xuất giấy bao bì toàn cầu chịu áp lực rất lớn vì chi phí sản xuất gia tăng mà đầu ra giảm cả về giá lẫn lượng tiêu thụ. Điều này cũng ảnh hưởng đến ngành giấy bao bì công nghiệp trong nước.
Đối với ngành thép, theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, mức tiêu thụ của ngành thép trong quí 1 năm nay thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Lượng thép tồn kho thành phẩm đến ngày 31-3-2012 của toàn ngành ước tính vào khoảng 250.000 tấn.
Ngành mía đường cũng đang đối mặt với khó khăn khi lượng đường tồn kho vẫn ở mức cao. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng đường tồn kho tại các nhà máy đến ngày 15-3 là 366.000 tấn, và đã có ba nhà máy dừng sản xuất.
Xoay xở bằng nhiều cách
Giải quyết bài toán hàng tồn kho trong tình hình khó khăn hiện nay là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp thiếu vốn, hàng tồn kho còn là vấn đề nan giải hơn khi nguồn vốn bị ứ đọng, doanh nghiệp không thể quay vòng vốn kinh doanh. Không có nhiều hy vọng vào việc giảm lãi suất, ngoài việc thúc đẩy bán hàng bằng nhiều chính sách ưu đãi khác nhau, nhiều doanh nghiệp đang tập trung tìm nguồn vốn bên ngoài có lãi suất thấp hơn để bổ sung và cân đối lại nguồn vốn sản xuất.
Đây cũng là cách mà Công ty Giấy Sài Gòn đã thực hiện thành công trong việc giảm áp lực hàng tồn kho của công ty. Ông Vị cho biết, từ đầu năm đến nay, Giấy Sài Gòn đã huy động được hơn 10 triệu đô la Mỹ với mức lãi vay 1,7%/năm từ những đối tác Nhật Bản. “Với nguồn vốn này, công ty tự tin hơn trong việc thực thi những chính sách bán hàng mới với nhiều ưu đãi hơn cho khách hàng, nhằm duy trì thị phần và chấp nhận mức lợi nhuận vừa phải”, ông Vị nói. Bên cạnh đó, công ty cũng chú trọng hơn đến người tiêu dùng cuối cùng thông qua các biện pháp khuyến mãi, giảm giá, kích thích sức mua. Để sớm giải phóng hàng tồn kho, cũng còn áp dụng nhiều chính sách đãi ngộ cho các đại lý cấp 1 như bán hàng ưu đãi hơn, cho hưởng mức chiết khấu khi thanh toán, cho tỷ lệ khuyến mãi tối đa… Từ đây, những đại lý phân phối cấp 1 sẽ có điều kiện chăm sóc tốt hơn các đại lý cấp 2, cấp 3... cho đến khi hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng.
Ở ngành thép, ông Nghi cho biết lượng thép tồn kho hiện ở mức cao nhưng chưa phải là mức cao nhất của ngành thép. Năm 2011, đã có thời điểm lượng thép tồn kho lên đến 300.000 tấn. Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn đang tìm những giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn. “Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp thép hiện nay là mức cung vẫn cao hơn cầu ở thị trường nội địa. Vì vậy, để giảm lượng hàng tồn kho, các doanh nghiệp thép đang chuyển hướng xuất khẩu ra bên ngoài”, ông Nghi cho biết.
Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất nước giải khát ở TPHCM cũng cho biết lượng hàng tồn kho của công ty ông tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông cho biết công ty đang tập trung vào việc chăm sóc khách hàng tốt hơn và có những chế độ bán hàng khác nhau. Một bộ phận theo dõi hàng tồn kho đã được thành lập và cập nhật thông tin hàng ngày cho ban giám đốc. Dựa trên các báo cáo chi tiết này, công ty sẽ nhanh chóng điều chỉnh khối lượng hàng bán và đưa ra tỷ lệ hoa hồng cũng như chính sách giá tốt hơn cho các đại lý. Đơn cử, những nhà phân phối tốt trong một khoảng thời gian nhất định sẽ được tăng mức chiết khấu từ 3% lên 5%. Các đại lý bán lẻ có doanh số tốt sẽ được nhận thêm nhiều ưu đãi của công ty trong việc ưu tiên phân phối sản phẩm mới đang “hút hàng” và với số lượng nhiều hơn so với các đại lý khác…
Nguồnt tin: TBKTSG