Nhiều chính sách được NHNN ban hành 6 tháng qua đã tạo ra những hiệu ứng và tác động tích cực tới nền kinh tế
Lạm phát cao khiến cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặc dù đã phải sử dụng đến cả các biện pháp hành chính, vẫn chưa hạ được mặt bằng lãi suất như mong muốn. Đơn giản là vì với mức lạm phát như thế này, người gửi tiền không thể chấp nhận trần lãi suất huy động 14%/năm như hiện nay.
Lãi suất vẫn chưa giảm như mong muốn (Ảnh minh hoạ)
Điểm sáng tỷ giá
Đây là nhận định của TS. Vũ Thành Tự Anh (Chương trình giảng dạy Fullbright) về chính sách tiền tệ và điều hành của NHNN trong 6 tháng qua trên Thời báo Sài Gòn số ra 30/6.
TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng, mặc dù đã có một số dấu hiệu cho thấy NHNN bắt đầu thực hiện chính sách tiền tệ “linh hoạt” hơn (theo cách nói của NHNN), nhưng nhìn chung, cung tiền và tín dụng trong 6 tháng đầu năm được thắt khá chặt; cụ thể là cung tiền chỉ tăng 2,3%, còn tín dụng tăng 7,1% - thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2010. Khi lượng tiền trong lưu thông và tín dụng bị thắt chặt trong một nền kinh tế luôn luôn khát vốn như Việt Nam thì tất nhiên là lãi suất sẽ bị đẩy lên cao.
Trên thực tế, trong 6 tháng qua NHNN đã thực hiện các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng (nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ). Cụ thể, NHNN đã nhiều lần điều chỉnh tăng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên NH và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ, lãi suất kỳ hạn 7 ngày trên nghiệp vụ thị trường mở từ mức 9%/năm lên mức 11%/năm.
Bên cạnh đó, NHNN cũng điều chỉnh các công cụ chính sách tiền tệ (nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, hoán đổi ngoại tệ) nhằm hỗ trợ vốn thanh toán cho các tổ chức tín dụng, đáp ứng khả năng chi trả trong dịp Tết Tân Mão. Ngoài ra, NHNN cũng điều chỉnh tăng 9,3% tỷ giá bình quân liên NH từ mức 18.932 lên mức 20.693 VND/USD (áp dụng từ ngày 11/2) và thu hẹp biên độ ấn định tỷ giá giao dịch của các tổ chức tín dụng so với tỷ giá bình quân liên NH từ ± 3% xuống ± 1%.
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, tỷ giá được coi là “điểm sáng” trong điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng qua khi tỷ giá giữa thị trường chính thức và phi chính thức không có sự chênh lệch đáng kể và nhìn chung khá ổn định.
Nhập siêu giảm nhờ vàng
Sự ổn định của tỷ giá ở trên một phần là do việc ban hành quy định chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng của tổ chức tín dụng và ban hành mới quy định về việc mua bán ngoại tệ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước theo hướng mở rộng đối tượng thực hiện gồm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước và các doanh nghiệp thành viên là doanh nghiệp Nhà nước.
Theo nhiều đánh giá, đây là một bước ngoặt làm giảm nhu cầu vàng trong nước và đẩy giá vàng nội địa vào tình trạng luôn thấp hơn giá quốc tế. Cầu USD để nhập vàng lậu gần như không còn. Ngược lại, xuất khẩu vàng nữ trang tăng mạnh. Kết quả là kim ngạch xuất khẩu vàng nửa đầu năm, theo Tổng cục Thống kê, ước đạt 1 tỷ USD Mỹ, kéo nhập siêu tháng 6 xuống thấp và kiềm chế nhập siêu ở mức 6,65 tỉ USD.
Mong lãi suất giảm
Tỷ giá ổn định cùng với lãi suất lên cao khiến dòng tiền chuyển dịch mạnh mẽ từ ngoại tệ sang tiền Việt Nam. Ghi nhận, lãi suất huy động đã có lúc lên tới 19%/năm. NHNN ban hành quy định tiết giảm cung tín dụng, yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng và thực hiện nghiêm túc kế hoạch tăng trưởng tín dụng dưới 20% trong suốt cả năm 2011; tập trung vốn tín dụng cho lĩnh vực phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất trong tổng dư nợ xuống mức 22% đến 30/6 và 16% đến 31/12.
NHNN cũng cho biết sẽ xử lý nghiêm những trường hợp tổ chức tín dụng xây dựng và thực hiện tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 20% trong năm 2011. Tuy nhiên, theo thông tin từ NHNN, đến cuối tháng 5 vẫn còn 18 NH có dư nợ phi sản xuất trên 22%, trong đó 9 đơn vị trên 30%. Hạn 30/6 đã qua, con số chính xác còn bao nhiêu NH không đáp ứng được dư nợ theo yêu cầu chưa được công bố.
Nhiều ý kiến cho rằng, có khả năng sẽ có không ít NH không kịp rút về mốc 22% đến 30/6. NHNN trước đó cho biết sẽ xử lý nghiêm các trường hợp này bằng cách tăng dự trữ bắt buộc. Nếu biện pháp này được áp dụng, tác động sẽ không nhỏ tới hoạt động của hệ thống (nhất là trong trường hợp số lượng các NH bị xử lý nhiều).
Nhiều chính sách được NHNN ban hành 6 tháng qua đã tạo ra những hiệu ứng và tác động tích cực tới nền kinh tế. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, các doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn đang lo lắng khi lãi suất đã ở mức cao trong một thời gian dài. Gần đây, một số tín hiệu tích cực như lãi suất trái phiếu giảm, lãi suất liên ngân hàng đã hạ nhiệt nhưng NHNN chưa có động thái giảm lãi suất thị trường mở, tái chiết khấu, tái cấp vốn. Bởi vậy, bài toán giảm lãi suất vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.
Nguồn tin: TNVN