Một số ngân hàng thương mại đã bắt đầu điều chỉnh lãi suất cho vay theo các chính sách khác nhau.
Từ đầu tháng 7/2010, nhiều ngân hàng đã công bố áp chính sách lãi suất cho vay bằng VND chỉ từ 12,5% - 13,5%/năm, theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, đây chỉ là ưu đãi chủ yếu dành cho ba nhóm đối tượng: doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.
Trên thực tế, lãi suất cho vay với phần lớn khách hàng vay vốn, cá cả nhân và doanh nghiệp, vẫn có từ 14% - 16%/năm, cá biệt trên 16%/năm.
Những chuyển động mới
Từ đầu tháng 10 này, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) triển khai một chương trình cho vay mới, kéo dài đến 31/12/2010; trong đó có ưu đãi lãi suất.
Cụ thể, với các cá nhân vay vốn mua bất động sản và vay tiêu dùng thế chấp bằng bất động sản, lãi suất cho vay trong 3 tháng đầu tiên chỉ là 12,99%/năm. Dù chỉ dành cho 3 tháng đầu, nhưng đó là một mức lãi suất hấp dẫn so với “mặt bằng” hiện nay, nhất là đối với các khoản vay tiêu dùng có kỳ hạn ngắn.
Cũng từ đầu tháng 10 này, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á (Nam A Bank) thông báo sẽ dành 1.000 tỷ đồng “tách” riêng với chính sách lãi suất hiện hành để tập trung cho vay phục vụ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước, phục vụ cho hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu…
Cụ thể, theo giới thiệu của Nam A Bank, lãi suất trong gói tín dụng này dành cho doanh nghiệp chỉ khoảng 13%/năm đối với vốn vay bằng VND và chỉ khoảng 5%/năm đối với các khoản vay bằng USD. Đây là những mức lãi suất thấp hơn các mức phố biến trên thị trường từ 1% - 2%/năm.
Trong khi đó, một ngân hàng thương mại tại Tp.HCM cho hay một chính sách cho vay mới cũng đã gần hoàn thiện để bắt đầu triển khai. Điểm nổi bật trong chính sách này là ưu đãi lãi suất.
Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, dự kiến lãi suất ưu đãi nhất sẽ thấp hơn 20% so với lãi suất cùng loại tại cùng thời điểm trên thị trường, được áp dụng cho cả khách hàng doanh nghiệp, hộ gia đình và khách hàng cá nhân; trong đó tập trung ưu tiên cho những đối tượng có quan hệ truyền thống, có tài sản thế chấp và đã quan hệ tiền gửi trước đó và hiện nay….
Không phải là ngẫu nhiên
Theo báo cáo cập nhật tuần gần nhất từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay thông thường bằng VND của các ngân hàng thương mại nhà nước phổ biến từ 13% - 14,5%/năm; của khối ngân hàng thương mại cổ phần có từ 13% - 14,5%/năm.
So với “mặt bằng” đó, chính sách lãi suất mà một số thành viên triển khai nói trên không có điều chỉnh lớn. Nhưng nếu so với riêng tín dụng tiêu dùng, sự điều chỉnh là đáng kể (thực tế nhiều khoản vay của doanh nghiệp và cá nhân vẫn có trên 15%/năm). Mặt khác, đây là một chuyển động đáng chú ý khi lộ trình hạ lãi suất huy động phải đến ngày 15/10 này mới chính thức bắt đầu; và nó không mang tính “ủng hộ”, “hưởng ứng” chủ trương nào đó mà xuất phát từ thực tế vận động của các ngân hàng.
Qua thống nhất thỏa thuận giữa các thành viên, với đầu mối là Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), từ ngày 15/10 này, lãi suất huy động VND sẽ được xem xét hạ về tối đa 11%/năm, thay cho mức 11,2% phổ biến ở nhiều kỳ hạn hiện nay. Bước điều chỉnh này là rất hẹp, khó có thể tạo một cú hích để các nhà băng hạ mạnh lãi suất cho vay đối ứng.
Thế nhưng, như đề cập ở trên, từ đầu tháng 10, một số thành viên đã hạ lãi suất cho vay cục bộ và có những giới hạn nhất định. Chuyển động này có thể một phần đón đầu thỏa thuận trên có hiệu lực, nhưng nguyên do chính vẫn là từ yêu cầu nội tại của các ngân hàng.
Trước hết, chính sách lãi suất ưu đãi dĩ nhiên là để tiếp thị vốn, lôi kéo khách hàng về phía mình.
Còn thực tế hơn, phó tổng giám đốc một ngân hàng tại Tp.HCM cho biết, qua 9 tháng đầu năm, ngân hàng ông đã hoàn thành 90% kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm 2010. Ba tháng còn lại, dự tính cần giải ngân tiếp khoảng 6.000 tỷ đồng để xong kế hoạch.
Nhưng vấn đề không hẳn chỉ ở chỉ tiêu và kế hoạch. Thực tế, ngân hàng này vừa có bước tăng vốn mạnh theo yêu cầu vốn pháp định và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) 9% trong Thông tư 13 (có hiệu lực từ 1/10/2010). Với mức vốn tăng nhanh và mạnh trong thời gian ngắn như vậy, lo ngại “béo phì” là một vấn đề đặt ra. Đây là một áp lực buộc ngân hàng phải tìm đầu ra hợp lý cho nguồn năng lượng mới này, khi đã vượt xa các quy định về an toàn; trong đó, đẩy mạnh giải ngân là một hướng lựa chọn.
Ngân hàng đó không phải là trường hợp duy nhất, bởi những tháng cuối năm 2010 thị trường đón nhận loạt ngân hàng dồn dập tăng mạnh vốn điều lệ để đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định. Đầu ra của nguồn vốn mới dồn lại như vậy là một bài toán không đơn giản. Trong các bản thuyết minh tăng vốn, dễ thấy các cụm từ “đầu tư cho công nghệ”, “đầu tư hạ tầng”, “mở rộng chi nhánh”, “tăng cường năng lực tài chính” và cũng có cả những dấu ba chấm (…) để ngỏ.
“Anh làm gì mà đầu tư ngay hàng nghìn tỷ đồng cho những khoản đó! Cái để ngỏ quan trọng là sẽ cho vay, đẩy mạnh tín dụng. Và đây là một nguồn vốn thuận lợi”, lãnh đạo một ngân hàng nhận định.
Yếu tố thuận lợi ở đây gắn với Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước, sửa đổi Thông tư 13. Một thay đổi ở đây là nguồn vốn tự có, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng không chịu rằng buộc bởi tỷ lệ giới hạn cho vay 80% trong Thông tư 13, được Thông tư 19 sửa đổi.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại bình luận rằng, đó là một yếu tố rất thuận lợi khi hàng nghìn tỷ đồng không nằm trong vòng giới hạn đó. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khi trả lời báo giới về điểm này cũng nhấn mạnh rằng: “ngân hàng thương mại có quyền sử dụng tới 50% vốn điều lệ cho mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh, còn 50% còn lại được phép hoạt động tín dụng vì đó là vốn của họ”.
Tất nhiên, các mối quan hệ giữa sự thuận lợi của nguồn vốn, áp lực của nó trong sử dụng với lãi suất cho vay trên thị trường còn tùy thuộc ở những yếu tố khác. Và lãi suất cho vay thời gian tới vẫn được các chuyên gia và người trong cuộc nhận định là khó có thể giảm nhanh, mà cần có lộ trình.
Nguồn: Vneconomy