Doanh nghiệp vật lộn vì vốn Tại hội thảo "Ngân hàng và doanh nghiệp trước tác động của chính sách tiền tệ” vào ngày 23-8 ở TP. Hồ Chí Minh, ông Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho biết: "Dự kiến 4 tháng cuối năm Chính phủ sẽ ưu tiên kiềm chế CPI, ổn định kinh tế nên sẽ khó có đợt cung tiền mạnh như cuối năm 2009 và 2010. Lãi suất cho vay cũng sẽ giảm chậm đến cuối năm do nguồn vốn chưa dồi dào”. Ít ngày trước, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng đưa ra thông điệp "sẽ kéo lãi suất cho vay xuống 17-19% trong tháng 9”. Dù ngay tại thời điểm này, lãi suất chưa thể giảm ngay, song câu nói này của tân Thống đốc giống như một "liều thuốc bổ” giúp các doanh nghiệp có thêm động lực chống chọi với khó khăn về vốn hiện nay. Con số thống kê của Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho thấy: Trong 6 tháng đầu năm 2011, có khoảng 30% số doanh nghiệp phải phá sản, giải thể, đóng cửa, tạm ngừng sản xuất, nguyên do chính là bởi lãi suất vay vốn quá cao. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH CNC cho biết, thời gian qua, công ty đã phải hoạt động cầm chừng, phải thắt chặt chi tiêu, tiết giảm nhân công để cố gắng duy trì sự tồn tại của công ty. Chỉ riêng việc lo trả lãi suất cho ngân hàng cũng khiến công ty có nguy cơ đóng cửa, nói gì đến việc doanh nghiệp có lãi. Đón nhận thông tin NHNN hứa sẽ giảm lãi suất cho vay xuống còn 17 – 19%, ông Hà cho rằng, nếu được như vậy thì thực sự sẽ là động lực giúp cộng đồng doanh nghiệp thoát khỏi những khó khăn lâu nay, không những nhiều doanh nghiệp sẽ được vực dậy mà còn giúp cho nguồn thu ngân sách của Nhà nước ổn định hơn, vì doanh nghiệp làm ăn có lãi thì mới có tiền để nộp thuế. Dù kỳ vọng nhiều vào lời hứa của vị tân Thống đốc NHNN, song các chuyên gia vẫn cho rằng, lãi suất cũng khó có thể giảm sâu ở thời điểm này. Theo TS Nguyễn Minh Phong – Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, điều kiện để giảm lãi suất một cách rõ rệt vẫn là mặt bằng chi phí huy động phải giảm. Nếu lãi suất huy động từ hệ thống các ngân hàng thương mại vẫn ở mức cao như hiện nay (17 – 18%/năm) thì khó có thể kéo lãi suất cho vay xuống. Quả thực, trên thực tế, thông tin từ đại diện một số ngân hàng thương mại cho hay, nhiều ngân hàng vẫn đang huy động vốn với lãi suất cao (khoảng 18% - 19%/năm). Lãi suất sẽ giảm chậm Nhận định của các chuyên gia kinh tế, tình hình kinh tế thế giới còn bất ổn nên áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm sẽ cao hơn, điều đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ khó xoay xở hơn. Dự báo trong những tháng cuối năm, các ngân hàng sẽ được phép cho vay ra nền kinh tế thêm khoảng 238 ngàn tỷ đồng, bình quân giải ngân khoảng 47,6 ngàn tỷ đồng/tháng, gấp đôi tiến độ giải ngân 7 tháng đầu năm 2011. Theo ông Đinh Thế Hiển, nhìn chung, nền kinh tế và doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng từ thắt chặt tiền tệ. Lãi suất cho vay cũng sẽ giảm chậm đến cuối năm do nguồn vốn chưa dồi dào. Trước tình hình trên, doanh nghiệp cần cương quyết xử lý các khó khăn tài chính từ hoạt động sản xuất kinh doanh trước khi tìm cách huy động vốn, đồng thời cắt bỏ những hoạt động kém hiệu quả. Đồng quan điểm trên ông Ths. Bùi Văn, chuyên gia tài chính cao cấp cũng cho rằng: "Kinh tế đang trong giai đoạn rất bất ổn, doanh nghiệp phải tự xoay xở đừng kỳ vọng vào các biện pháp hành chính vì nó sẽ không còn hiệu quả vì nếu bước chệch bên phải (tăng cung tiền) sẽ gây ra lạm phát, bước chệnh sang bên trái sẽ giảm tiền khi đó doanh nghiệp sẽ phá sản”. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ khẳng định, Nghị quyết 11 không gây khó cho DN nhưng bản thân các ngân hàng tín dụng cũng là DN vì vậy trong việc rà soát dự án họ có "thắt chặt” hơn nên DN khó tiếp cận vốn. Năm 2009-2010 Chính phủ có đưa ra chính sách kích cầu tạo điều kiện cho DN phát triển hơn nữa. Nhưng sang năm 2011, biến động mạnh về kinh tế, hàng loạt mặt hàng lên giá nằm ngoài tầm kiểm soát cho nên DN cũng phải đa dạng hoá nguồn vốn không để phụ thuộc vào nguồn vốn nào vì cứ thắt chặt tiền tệ DN lại gặp khó khăn. | Nguồn tin: Daidoanket |