Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, nhiều ngân hàng lớn lần lượt giảm lãi suất cho vay, đây được xem là tín hiệu tốt đối với các doanh nghiệp. Nhưng theo các chuyên gia, với những khó khăn như thanh khoản, chỉ tiêu tín dụng thì việc giảm lãi suất sẽ khó lan rộng và không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn này.
Lãi suất cao khiến nhiều doanh nghiệp chỉ dám sản xuất cầm chừng
Ngân hàng lớn đi tiên phong
Đi đầu trong việc giảm lãi suất phải kể tới các ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Mức lãi suất cho vay được các ngân hàng này điều chỉnh xuống chỉ còn ở mức 15-17%, là mức giảm tương đối sâu so với mức 19 - 22% như trước.
Tiếp sau, một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã đưa ra những chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng thuộc nhiều nhóm khác nhau. Mới nhất là Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cho biết, đã xây dựng gói tín dụng quy mô 4.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn bình quân 1,5% một năm, áp dụng riêng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu. Cụ thể, trọng điểm của gói tín dụng này là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, cà phê, thủy sản, đồ gỗ, dệt may…
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, ACB bắt đầu triển khai chương trình “Tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu” với quy mô 100 triệu USD. Các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là các ngành gạo, thủy sản, điều, xăng dầu, nhựa, sắt thép… khi có nhu cầu sẽ được tài trợ vốn với lãi suất thấp hơn 0,5% so với cho vay thông thường.
Các ngân hàng đang nhìn nhau để đưa ra những điều chỉnh thích hợp nhằm thu hút khách hàng, tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia thì đợt giảm lãi suất này sẽ khó trở thành một “làn sóng” mạnh mẽ. TS. Lê Thẩm Dương - Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho rằng, đối tượng mà các ngân hàng cho vay với lãi suất thấp chỉ mang tính nhỏ lẻ và xuất phát từ một số ngân hàng dư thanh khoản, muốn mở rộng tín dụng chứ chưa thể trở thành xu hướng tất yếu.
Điều này cũng được chính các ngân hàng thừa nhận. Bà Nguyễn Thu Hà - Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, chủ trương hạ lãi suất cho vay vừa được hội đồng quản trị, ban giám đốc thông qua toàn hệ thống, nhằm chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp.Cụ thể, cho vay thương mại và dịch vụ ngắn hạn còn 17% một năm, ngắn hạn phục vụ sản xuất 16,5%, xuất khẩu ngắn hạn 16%. Tuy nhiên, lãi suất cho vay bước đầu chỉ giảm ở các kỳ hạn ngắn và chủ yếu dành cho các đối tượng ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ. TS. Cấn Văn Lực, cố vấn cấp cao BIDV cũng cho biết, lãi suất thấp mới chỉ dành cho các doanh nghiệp cực tốt, có uy tín, thuộc lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu, vừa và nhỏ.
Doanh nghiệp vẫn chờ
Bà Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ - Xuất nhập khẩu Thành Hoa (Bắc Ninh) cho biết, hiện công ty đang vay ngân hàng hơn 5 tỷ đồng để thực hiện hợp đồng xuất khẩu đồ gỗ mỹ nghệ với mức lãi suất 21%/năm. Trước thông tin các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, doanh nghiệp cũng đã liên hệ với ngân hàng để đề nghị được điều chỉnh giảm, tuy nhiên phía ngân hàng chưa có phản hồi chính thức. “Với mức lãi suất như hiện nay, chúng tôi phải rất chật vật để xoay xở. Các cơ sở sản xuất mới đây cũng thông báo có thể sẽ điều chỉnh giá các mặt hàng do giá nguyên liệu điều chỉnh. Như vậy, với những lô hàng mới chúng tôi sẽ phải chịu thêm một khoản chi phí tương đối lớn. Nếu lãi suất tiếp tục giữ ở mức cao sẽ rất khó khăn cho hoạt động kinh doanh” - bà Hòa chia sẻ.
Ông Bùi Việt Tùng - Giám đốc phụ trách kinh doanh một công ty sản xuất vật liệu xây dựng cho biết, có quan hệ với ngân hàng khá thân thiết và tài sản đảm bảo, công ty được vay với mức lãi suất 19,5%/năm. Mức vay này được xem là “nhẹ nhàng” so với các doanh nghiệp phải vay ở mức 23-24% trong năm 2011. “Nhưng nhìn chung, mức lãi suất này cũng khiến doanh nghiệp khó phát triển hay mở rộng sản xuất. Đứng về phía doanh nghiệp, chúng tôi vẫn mong lãi suất sẽ giảm xuống khoảng 15-16%/năm. Như hiện nay, doanh nghiệp chỉ đủ sức duy trì hoạt động và trả lương công nhân, lợi nhuận còn lại không đáng kể sau khi trả lãi ngân hàng” - ông Tùng cho biết.
Nguồn tin:ANTD