Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giảm lãi suất, đi chậm không vấp…

Lạm phát vẫn là nguy cơ tiềm ẩn đối với nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, lạm phát kỳ vọng trong dân chúng còn khá cao.

Theo công bố của Thống đốc NHNN, trần lãi suất huy động sẽ giảm xuống 13%/năm; cùng với đó, các mức lãi suất chủ chốt cũng sẽ được giảm khoảng 1% trong “một vài ngày tới”.

Như vậy, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu của NHNN sẽ giảm xuống 14% và 12% tương ứng. Bên cạnh đó, Thống đốc NHNN cũng cho biết, nếu chỉ số lạm phát có thể kiềm chế xoay quanh 10% trong năm nay thì trung bình 1 quý, lãi suất sẽ giảm 1% và đến cuối năm, mặt bằng lãi suất huy động có thể về mức 10%/năm.

Chia sẻ với ĐTCK, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT LienViet Post Bank nhận định, về cơ bản, hạ lãi suất huy động không ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của các NHTM, bởi khi đó lãi suất cho vay cũng giảm tương ứng... Ngoại trừ một số ngân hàng thanh khoản kém đã phải huy động lãi suất cao, bây giờ lại cho vay thấp sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh quý II/2012, còn đa số NHTM thấy thuận lợi hơn vì lãi vay thấp, các DN... sẽ dễ thở hơn và có điều kiện trả nợ ngân hàng.

Ông Nguyễn Văn Tạo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Phân bón Nam Việt tại Bình Dương cho biết, DN ông hoạt động được 15 năm, hầu như lúc nào số dư trong tài khoản cũng đạt khoảng 10 - 12 tỷ đồng, doanh thu hàng năm khoảng 300 tỷ đồng. Do vậy, Công ty khi cần vay ngân hàng vài tỷ đồng thì không cần thế chấp tài sản. Không những vậy, ngân hàng còn chào mời cho vay với lãi suất khá ưu đãi.

“Việc NHNN công bố giảm lãi suất xuống đối với DN tôi không có tác động gì nhiều. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho các DN nhỏ và vừa đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn”, ông Tạo nói.

Trong khi đó, ông Phan Thanh Tịnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH HT Việt Nam tại Đồng Nai cho biết, cách đây 4 tháng, ông vay một khoản tại ngân hàng với lãi suất 20,5%/năm và còn 2 tháng nữa là hết hạn. Khi nghe tin giảm lãi suất, ông đã tính trả khoản nợ trên trước 2 tháng, chấp nhận nộp phạt do đáo hạn sớm rồi chuyển sang gói vay mới với lãi suất rẻ hơn. Tuy nhiên, sau một hồi cân thắc, do khoản chênh lệch không lớn, nên ông quyết định “cứ từ từ”, bởi lãi suất hạ trên thực tế là “không đáng kể”.

Ông Tịnh chia sẻ thêm, mặc dù không có con số thống kê cụ thể nhưng ước tính, số lượng DN có doanh thu 100 - 200 tỷ đồng/năm đang rất khó khăn ở Đồng Nai là không ít. Những DN này ít vốn tự có, đi vay ngân hàng không những lãi suất cao mà còn phải có tài sản để thế chấp nên rất khó khăn.

“Đáng lẽ chủ trương hạ lãi suất huy động, qua đó các ngân hàng có điều kiện hạ lãi suất cho vay cần phải tiến hành từ tháng trước để hỗ trợ các DN nhỏ, cũng như bà con nông dân lúc bắt đầu vào vụ sản xuất nông sản. Đồng thời, mức giảm lãi suất 1%/năm vừa qua là rất nhỏ giọt”, lãnh đạo một DN ở Đồng Nai nói.

Theo đại diện Ngân hàng ANZ, việc NHNN quyết định giảm trần lãi suất huy động vào thời điểm này không bất ngờ. ANZ cũng dự báo lạm phát sẽ giảm còn một chữ số trong năm nay. Trong tháng 2, lạm phát (tính theo năm) giảm còn 16,4%, thấp hơn so với mức 23,0% vào tháng 8 năm ngoái. Trong bối cảnh đó, việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ giúp nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,0% trong năm nay. Tuy nhiên, ANZ vẫn giữ quan điểm rằng, NHNN nên chờ đến cuối tháng 3 mới bắt đầu cắt giảm lãi suất để đảm bảo CPI tháng 3 trong tầm kiểm soát.

Việc tăng giá xăng dầu, gas vừa qua sẽ ảnh hưởng nhất định đến kỳ vọng lạm phát. Vì vậy, theo ANZ, NHNN nên thận trọng trong việc nới lỏng chính sách để neo kỳ vọng giá.

Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, lạm phát vẫn là nguy cơ tiềm ẩn đối với nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, lạm phát kỳ vọng trong dân chúng vẫn còn cao. Nếu cắt giảm lãi suất quá gấp gáp, người dân thấy không còn hấp dẫn khi gửi tiết kiệm sẽ rút ra để đầu tư, tiêu dùng…, làm tăng sức ép lạm phát.

Một mối lo nữa là nội lực của các NHTM có khoảng cách lớn, cộng thêm kỳ vọng lạm phát còn cao nên việc huy động vốn của nhiều ngân hàng nhỏ vẫn gặp khó khăn. Hiện tượng vượt trần lãi suất huy động vẫn rải rác xảy ra. “Theo tôi, việc các ngân hàng tuân thủ nghiêm túc trần lãi suất huy động là rất quan trọng. Công tác thanh tra, giám sát của NHNN sẽ giúp thiết lập trật tự trên thị trường tài chính. Các ngân hàng nhỏ gặp khó khăn về thanh khoản nên có quy chế hỗ trợ riêng để tránh gây tình trạng đẩy lãi suất huy động lên vượt trần”, ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhấn mạnh.

Trong một tương quan khác, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban Vốn và kinh doanh vốn BIDV cho rằng, không có một chính sách hoàn hảo cho tất cả mọi người, vấn đề là Chính phủ và NHNN đã xác định được mục tiêu rõ ràng.

Từ đó, có những phép thử để thực thi chính sách đó và chắc chắn khi chính sách đi vào cuộc sống sẽ có những tác động không mong muốn với một bộ phận nào đó.

Nguồn tin: ĐTCK

ĐỌC THÊM