Để kiềm chế lạm phát, hạ lãi suất, giảm bội chi ngân sách, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có biện pháp phù hợp để khẩn trương hạ lãi suất huy động xuống khoảng 10%, lãi suất cho vay khoảng 12% và điều hành tỷ giá ở mức hợp lý. Đồng thời, tăng tính thanh khoản cho nền kinh tế thông qua việc tăng tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng. Trong tháng 4, tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng đã bắt đầu có cải thiện, nhưng tính chung cả 4 tháng đầu năm vẫn ở mức thấp, dư nợ toàn ngành chỉ đạt mức 5,58%/năm.
Mặc dù các ngân hàng hội viên của Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đã thống nhất cắt giảm khuyến mãi để giảm chi phí huy động vốn, giảm lãi suất cho vay thỏa thuận, nhưng trên thực tế thị trường vẫn có những diễn biến trái chiều, vì huy động được vốn không còn dễ dàng như trước. Do vậy, ngoài các chương trình khuyến mãi chưa chấm dứt, mặt bằng lãi suất tiền gửi dần vượt ngưỡng 11,5%/năm. Trong đó, không ít nhà băng vừa tăng lãi suất tiền gửi, với kỳ vọng hút thêm tiền nhàn rỗi đón đầu cơ hội tăng trưởng dư nợ.
Cụ thể, trong ngày 10/5, Eximbank tăng tiếp lãi suất huy động vốn, với kỳ hạn cao nhất đạt cao mức mới là 11,65%/năm kỳ hạn 12 tháng.
Mặt bằng lãi suất tiền gửi được các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ áp dụng hiện cũng xấp xỉ mức 12%năm. Đơn cử tại GiaDinh Bank, lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay là 11,8%/năm kỳ hạn 13 tháng. Bên cạnh đó, nhiều nhà băng còn gia tăng thêm khuyến mãi, cho dù VNBA đã ra sức kêu gọi các ngân hàng "thôi" khuyến mãi để có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay.
KienLong Bank tiếp tục đưa ra sản phẩm "Gửi tiền nhanh tay, nhận ngay quà tặng" kể từ ngày 3/5, với khách hàng gửi tiền VND từ 1 - 3 tháng sẽ được nhận số tiền quà tặng là 0,9%/năm. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi được KienLong Bank áp dụng mức cao nhất đồng đều hiện nay là 11,6%/năm cho các kỳ hạn tiền tiết kiệm từ 1 - 60 tháng. So với các ngân hàng quy mô lớn, để thu hút được tiền nhàn rỗi trong lúc này, đòi hỏi các nhà băng nhỏ phải gia tăng thêm tiện ích.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nhỏ có trụ sở tại TP. HCM cho biết, để giảm được lãi suất tiền gửi và sau đó là lãi suất cho vay, ngoài yếu tố phụ thuộc vào diễn biến thị trường, trước hết đòi hỏi các ngân hàng quốc doanh cũng như khối cổ phần lớn phải là nhà băng chủ đạo. Sau đó, các ngân hàng nhỏ mới có thể thực hiện được, vì huy động vốn ngày một khó khăn.
Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, tăng trưởng huy động vốn của Ngân hàng 4 tháng đầu năm nay cũng chỉ ở mức bình thường, không đột biến và thậm chí tiền gửi của DN lại chuyển dịch rất lớn. Cụ thể, 4 tháng đầu năm, vốn huy động từ dân cư của Vietcombank tăng 11%, còn tiền gửi của các DN có chiều hướng giảm dần. Các DN muốn vay được lãi suất thấp, nhưng cũng muốn gửi tiền ở ngân hàng có lãi suất cao. Chính điều này sẽ rất khó khăn cho ngân hàng trong việc cân đối nguồn và chi phí.
Qua đó, phần nào cho thấy, cạnh tranh trong huy động vốn ngày một gay gắt hơn và lãi suất thực được áp dụng mức khác nhau ở mỗi ngân hàng, với kỳ vọng thu hút được tiền nhàn rỗi.
Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc ABBank cũng cho rằng, lộ trình giảm tiếp lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ đi theo tín hiệu của thị trường, khó có thể làm được ngay và thực hiện trong một thời gian ngắn. Thực tế, để giảm được lãi suất cho vay từ 15%/năm xuống 13%/năm đòi hỏi nỗ lực lớn của nhà băng, nhất là khi lãi đầu vào chưa giảm.
Với mặt bằng lãi suất tiền gửi cũng như cho vay hiện nay, các ngân hàng cho rằng, đã phù hợp để DN vay vốn. Vì so với giữa tháng trước, lãi suất thỏa thuận đã được điều chỉnh giảm ít nhất 3 - 3,5%/năm. Song trên thực tế, tăng trưởng dư nợ chỉ mới bắt đầu được cải thiện và để đẩy mạnh tín dụng hơn nữa trong các tháng tới, lãi suất buộc phải giảm thêm. Ở các cuộc họp với thành viên diễn ra trong tuần qua, VNBA đã ra sức kêu gọi nhà băng nên "thôi" khuyến mãi để có thêm điều kiện cắt giảm lãi suất cho vay.
Thế nhưng, qua trao đổi với ĐTCK, một số ngân hàng cho biết, xu hướng lãi suất sẽ phụ thuộc vào diễn biến của cung - cầu vốn trên thị trường. Nếu nhu cầu vốn của DN tăng nhanh, lãi suất khó có thể giảm thêm, do ngân hàng phải tăng chi phí để hút thêm tiền nhàn rỗi. Ngược lại, nếu dư nợ tín dụng tiếp tục khó được cải thiện, ngân hàng không cho vay được, trong khi vốn khả dụng của ngân hàng dư thừa chắc chắn lãi suất cho vay sẽ tự động điều chỉnh giảm.
Ông Nguyễn Phước Thanh cho rằng, với diễn biến thị trường hiện tại để giảm ngay lãi suất huy động và cả cho vay là không dễ. Do đó, muốn thực hiện được việc giảm lãi suất cho vay thỏa thuận, trước hết phải điều chỉnh lãi suất tiết kiệm, nhưng điều này đòi hỏi phải có thời gian, lộ trình cũng như cung - cầu vốn của DN trong thời gian tới. Nếu nhu cầu vốn giảm, lãi suất khó có thể giữ nguyên mức như hiện nay.
Với Vietcombank, ông Thanh cho biết, lãi suất cho vay thỏa thuận đã được điều chỉnh xuống mức phù hợp, với mức thấp nhất hiện là 12,8%/năm áp dụng cho DN trong lĩnh vực xuất khẩu. Lãi vay cho vay thỏa thuận ngắn hạn của Vietcombank hiện là 14%/năm và trung, dài hạn là 14,5%/năm. Tuy nhiên, tăng trưởng dư nợ 4 tháng đầu năm cũng không đột biến. Theo Vietcombank, để tăng trưởng được dư nợ tín dụng cần có thời gian, vì thông thường, quý I đầu năm có nhiều lễ, hội. Đồng thời, đầu ra sản phẩm chưa phát triển ổn định.
Các DN có nhu cầu sử dụng vốn ngân hàng cũng có sự tính toán khá kỹ lưỡng và nếu đầu ra sản phẩm chưa được tiêu thụ tốt sẽ không vội vay vốn ngân hàng. Do vậy, theo các ngân hàng, phải theo dõi tiếp diễn biến thị trường trong những tháng tới mới có thể điều chỉnh thêm lãi suất. "Hiện vốn khả dụng của một số ngân hàng đang dưa thừa, nhưng không phải vì thế mà có thể hạ ngay lãi suất tiền gửi, vì cạnh tranh huy động vốn ngày một gay gắt, nhất là khi các kênh đầu tư khác dần hấp dẫn hơn lãi suất tiết kiệm", đại diện một ngân hàng cho biết.
Còn theo nhận định của ông Phạm Quốc Thanh, đẩy mạnh tín dụng trong bối cảnh đầu ra sản phẩm của DN chưa ổn định là điều hết sức khó khăn, cho dù lãi suất thỏa thuận đã được điều chỉnh xuống mức phù hợp. Ông Thanh cho biết, tăng trưởng dư nợ tín dụng của ABBank trong 4 tháng đầu năm cũng chỉ ở mức tương đối, trong khi lãi vay liên tiếp giảm dần.
Mặt khác, theo ABBank, với các khoản vốn huy động chi phí cao ở các tháng trước chưa đến kỳ đáo hạn nên cần có thời gian để ngân hàng có điều kiện cân đối. Tuy nhiên, vị phó tổng giám đốc ABBank nhận định, nếu tình hình kinh tế trong những tháng tới ổn định và thanh khoản ngân hàng tốt, khả năng lãi suất cho vay thỏa thuận sẽ giảm thêm khoảng 0,75 - 1%/năm so với hiện nay.
Một cán bộ trong ngành ngân hàng đưa ra ý kiến, việc giảm lãi suất sẽ tạo thêm điều kiện cho DN trong việc tiếp cận vốn vay, vì giảm được áp lực lãi suất. Thế nhưng, nếu không cân nhắc kỹ bài toán đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ tín dụng thì hậu quả sẽ rất khó lường. Vì vậy, theo vị cán bộ trên, đừng thấy tăng trưởng dư nợ tín dụng 4 tháng đầu năm tăng chậm mà vội đẩy mạnh vốn ra nền kinh tế. Bởi tín dụng tăng nóng sẽ kéo theo lạm phát lên cao.
(ĐTCK-online)