Theo nhiều doanh nghiệp, dù được vay với đúng mức lãi suất 17-19% thì sản xuất vẫn lỗ nặng.
Mấy ngày qua, mặc dù lãi suất cho vay đã được nhiều ngân hàng công bố áp dụng ở mức 17 – 19%. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, dù được vay với đúng mức lãi suất này thì sản xuất vẫn lỗ nặng.
Làm ăn khéo lắm cũng chỉ hòa vốn
Sản xuất nông nghiệp, trong đó có chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc cũng là một trong những đối tượng được ưu tiên giảm lãi suất cho vay hơn các ngành khác. Tuy nhiên, việc làm ăn của các doanh nghiệp này cũng đang rất khó khăn.
Ông Lê Quang Thành, GĐ Cty TNHH Thức ăn chăn nuôi Thái Dương cho biết, hiện công ty ông đang vay Ngân hàng với mức lãi suất là 18%/năm, giảm 3,5% so với trước đây (trước đây mức lãi suất công ty ông vay là 21,5%/năm).
Tuy nhiên, với mức lãi suất 18%/năm này, công ty ông cũng chưa bao giờ có lãi. Thí dụ để sản xuất ra 1 tấn thức ăn chăn nuôi mất khoảng 8 triệu đồng các loại chi phí (giá nguyên vật liệu và nhân công), trong khi đó thời gian hoàn vốn của 1 tấn sản phẩm này mất ít nhất là nửa năm. Ngoài thời gian sản xuất (khoảng 3 tháng), mất khoảng 1 tháng chờ đợi nguyên vật liệu về xưởng sau khi ký hợp đồng, 1 tháng chế biến thành phẩm chờ xuất kho, 1 tháng (nếu nhanh) bán sản phẩm ra ngoài thị trường thu hồi vốn.
Như vậy, với mức lãi suất 18%/năm, thì để sản xuất 1 tấn sản phẩm, sẽ mất khoảng 9% tiền lãi suất. Mỗi tấn sản phẩm phải vay 8 triệu đồng tiền chi phí, như vậy tiền lãi sẽ là 9% x 8 triệu đồng, tức là mất 720 nghìn đồng/tấn tiền lãi suất ngân hàng.
Tính chung lại, giá mỗi tấn sản phẩm sẽ là gần 9 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, giá bán mỗi tấn thức ăn chăn nuôi hiện nay chỉ dao động khoảng 8,1 – 8,2 triệu đồng. Như vậy là các doanh nghiệp vẫn lỗ.
“Thức ăn chăn nuôi nguyên vật liệu phải mua theo mùa vụ, nên có nhiều loại phải tích trữ tới 5 – 6 tháng, đồng vốn quay vòng rất chậm, nên mức lãi suất phải gánh cũng rất cao. Vì vậy, doanh nghiệp nào làm ăn khéo lắm thì cũng chỉ hòa vốn, còn không khéo thì lỗ nặng”, ông Bình nhấn mạnh.
Giải pháp được nhiều doanh nghiệp nghĩ tới là tăng giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, theo ông Thành, chính các doanh nghiệp chăn nuôi cũng đang gặp khó khăn. Vì vậy, nếu tăng giá nguồn thức ăn thì họ cũng không chấp nhận. Hơn nữa, trên thị trường các doanh nghiệp đều phải cạnh tranh với nhau, nên cũng không thể tăng giá quá cao được.
Trong khi đó, trên thế giới, những doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi chỉ phải chịu mức lãi suất là 1% - 2%, còn doanh nghiệp ở Việt Nam mức lãi suất lên đến 18%, thì rất khó cạnh tranh và làm ăn có lãi.
“Mức lãi suất như thế này rất khó có thể kích thích doanh nghiệp sản xuất và cạnh tranh được”, ông Thành nói.
Cách duy nhất mà các doanh nghiệp đang phải áp dụng để đối phó với tình hình sản xuất khó khăn như hiện nay là tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất. Tuy nhiên, dù có là “cao thủ” thì cũng chỉ tiết kiệm được khoảng 10%, trong khi lãi suất là 9%. Như vậy là hòa vốn.
“Với sản xuất thức ăn chăn nuôi hay ngành khác cũng thế, ai cũng mong muốn lãi suất sẽ thấp xuống, nhưng xuống thế nào là phù hợp? Theo tôi, trong điều kiện hiện nay, để tối ưu hóa mọi mặt thì ở mức 12 – 13% là phù hợp. Có như vậy các doanh nghiệp mới hoạt động được”, ông Thành cho biết.
Có thể nói, với mức lãi suất cho vay cao như vừa qua, các doanh nghiệp bất động sản là một trong những đối tượng “điêu đứng” nhất. Bị liệt vào danh sách “phi sản xuất” nên các doanh nghiệp này thường xuyên phải chịu một mức lãi suất rất cao, thường ở mức 25% - 26%, thậm chí là 27 – 30%.
Theo ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đất Xanh miền Bắc, mặc dù mức lãi suất hiện nay đã được giảm hơn trước, tuy nhiên ngay cả khi lãi suất còn 20 – 21% thì cũng không doanh nghiệp nào dám vay.
“Người dám vay ở mức lãi suất đó phải là người rất dũng cảm. Thông thường trên thế giới doanh nghiệp lãi 10% là có lãi. Nhưng ở Việt Nam, doanh nghiệp có lời 15 – 20% thì vẫn chỉ hòa vốn vì lãi suất ngân hàng ngang ở mức đó. Các doanh nghiệp bất động sản hiện chủ yếu là sản xuất cầm chừng, chứ ít người dám vay để đầu tư”, ông Quyết cho biết.
Chỉ đáp ứng một nửa nhu cầu vay
Song song với việc giảm lãi suất cho vay, trần lãi suất huy động cũng được giám sát thực hiện chặt chẽ ở mức 14%/năm. Chính điều này đã khiến cho nguồn vốn huy động tại nhiều ngân hàng hiện nay đang có xu hướng giảm. Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ chỉ được đáp ứng một nửa nhu cầu vay.
Ông Lê Quang Thành, GĐ Cty TNHH Thức ăn chăn nuôi Thái Dương cho biết, hiện nay công ty ông trình nguồn vốn cần vay giả sử là 10 triệu đồng, thì ngân hàng chỉ chấp thuận cho vay 5 triệu đồng, tức là đáp ứng một nửa nhu cầu vốn.
Ông Phạm Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng GP Bank cho biết, việc nguồn vốn cho vay bị hạn chế là do nhu cầu nền kinh tế cần nhiều, trong khi nguồn tín dụng lại đang bị thắt chặt như hiện nay.
Đặc biệt, mấy ngày qua, khi thực hiện trần lãi suất huy động là 14%/năm thì các doanh nghiệp lại càng khó có thể tiếp cận được nguồn vốn. Cũng chính vì thế, nhiều ngân hàng hiện nay buộc phải lựa chọn khách hàng tốt nhất và là khách hàng “ruột” để đáp ứng nhu cầu.
Sự tụt giảm về nguồn vốn trong các ngân hàng được lãnh đạo một Ngân hàng Thương mại ở Hà Nội lấy dẫn chứng, mấy ngày gần đây, có thể thấy dòng tiền đang dịch chuyển sang chứng khoán rất rõ. Cụ thể, cách đây 1 tuần, doanh số giao dịch cả 2 sàn Hà Nội và TP HCM cộng vào cao nhất cũng chỉ khoảng 400 tỷ đồng. Nhưng có ngày gần đây lên đến 2.000 tỷ đồng.
“Khách hàng rút tiền từ Ngân hàng đang là xu hướng chung của cả hệ thống ngân hàng, chứ không phải dịch chuyển từ ngân hàng nhỏ sang ngân hàng lớn. Ngân hàng nào hoạt động cũng phải tuân thủ các quy định của Nhà nước, vì vậy gửi tiền ở đâu thì khách hàng vẫn có thể yên tâm. Thời gian vừa rồi, không chỉ ngân hàng nhỏ, mà ngay cả các ngân hàng lớn cũng có sự sụt giảm về vốn huy động”, vị lãnh đạo ngân hàng cho biết.
Câu hỏi làm thế nào để có thể đảm bảo nguồn vốn cho vay đang trở thành bài toán cần phải giải đối với nhiều ngân hàng hiện nay.
“Khi đưa ra quyết định giảm lãi suất cho vay và thực hiện nghiêm trần lãi suất huy động 14%/năm, Ngân hàng Nhà nước nói là sẽ bơm tiền cho hệ thống, ngân hàng nào thiếu có thể vay lại của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng để vay được tiền, thì các ngân hàng thương mại cũng phải tuân thủ rất nhiều quy định ngặt nghèo. Vì vậy, rất khó tìm lời giải cho nguồn vốn”, ông Phạm Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng GP Bank khẳng định.
Nguồn tin: VTCNews