Ban hành liên tục, nhưng chính sách thuế lại chẳng thể giúp ích, mà ngược lại, đã khiến các DN ngành thép vào tình thế nguy hiểm nhất từ trước tới nay.
Nhìn lại đầu tháng 6/2008, các DN ồ ạt tổ chức tái xuất phôi thép khỏi Việt Nam. Đây là biện pháp nhằm tiêu thụ nhanh lượng phôi đã NK trước đó và tranh thủ kiếm tìm lợi nhuận khi giá phôi thế giới cao hơn giá phôi đã NK trước đó.
Do vậy, chỉ riêng trong tháng 6/2008, các DN đã xuất khẩu lượng phôi thép lên đến... trên 305.000 tấn, gấp gần 5 lần sản lượng xuất khẩu phôi trong tháng trước đó. Lo ngại các DN xuất khẩu... hết phôi dự trữ trong nước, Bộ Tài chính đã lập tức tăng thuế xuất khẩu mặt hàng này từ 2% lên 10%. Và sau đó tăng tiếp lên mức 20% vào đầu tháng 8/2008.
Thực chất, việc tăng thuế là một sai lầm về phương pháp quản lý. Khi quyết định tăng thuế, Bộ Tài chính đã quên mất thực tế: vốn NK phôi thép của các DN đều là vốn vay ngắn hạn. Nên khi nhu cầu trong nước giảm vì các biện pháp kiềm chế lạm phát, thì lối thoát duy nhất của các DN là xuất khẩu phôi thật nhanh để thu hồi vốn trả cho ngân hàng, tránh phát sinh thêm nợ lãi.
Do vậy, khi thuế xuất khẩu tăng, thì các DN vẫn buộc phải xuất khẩu phôi, dù lỗ nặng. Có nghĩa là quyết định tăng thuế đã không ngăn được dòng phôi xuất khẩu, mà ngược lại đã đẩy các DN vào tình thế thiệt hại lớn.
Thuế đã được giảm xuống mức 10%, sau đó là 5% như hiện tại, và cuối cùng là 0% trong thời gian tới. Tuy nhiên, sự giảm là hết sức thụ động và cũng không kịp thời. Có cảm giác là quyết định giảm thuế do Bộ đưa ra chịu chi phối từ sức ép của dư luận hơn là từ dự đoán sự phát triển của tình hình thực tế.
Tính chất lưỡng lự, không dứt khoát thể hiện ngay trong các quyết định giảm thuế làm nhiều lần, và vì thế không lần nào gỡ khó được cho DN. Ngay cả lần giảm thuế xuống 0% này cũng là quá muộn nếu với mục đích cứu một loạt DN thoát nguy cơ phá sản.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng thép thành phẩm và phôi thép tồn kho của các DN trong nước hiện đã lên đến gần 1 triệu tấn. Nhưng cũng có nguồn tin khẳng định là tổng lượng thép và phế liệu tồn trong nước hiện là 3 triệu tấn, tương đương giá trị trên 2,1 tỷ USD.
Các khoản vay này đều là các khoản vay ngắn hạn. Thế nên, thông tin về việc hiện có ít nhất 5 DN ngành thép đã phải đóng cửa, ngừng sản xuất do VSA công bố có thể chưa là số liệu chính xác, cũng như chưa là số liệu cuối cùng. Để bảo vệ chính mình, các thành viên VSA đã thống nhất không tiếp tục hạ giá thép, giữ ở mức 13,5-14 triệu VND/tấn.
Tuy nhiên, thực tế là giá thép trong nước vẫn giảm chỉ còn trên dưới 12 triệu VND/tấn. Và bản thân động thái này của các DN cũng đang bị điều tra xem có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không. Nếu nhìn hiện thực này trong một tổng thể thống nhất, thì không khó để thấy rằng các DN đang buộc bán lỗ nhiều triệu VND chỉ với mục đích thu lại bằng được vốn trả cho ngân hàng. Và đó thực sự là một thảm họa, nếu đánh giá về hiệu quả quản lý nhà nước.
Vậy thì lối thoát mà các DN có thể mong chờ từ Nhà nước trong thời điểm hiện tại là gì? Thực ra đến thời điểm hiện tại, chưa có một khảo sát chính xác về các yếu tố đầu vào của các DN, làm cơ sở cho ban hành một phương án hợp lý, khả dĩ gỡ được khó khăn cho DN nhưng vẫn bình ổn được thị trường thép.
Nhưng nếu thị trường xây dựng trong nước vẫn ảm đạm, nghĩa là lượng phôi tồn đọng sẽ giảm chậm, hàng loạt DN có nguy cơ phá sản vì không thu hồi vốn trả được nợ ngân hàng, thì DN mong chờ từ Nhà nước một biện pháp bảo lãnh đối với các khoản vay này, hoặc là sự hình thành lập tức một quỹ bình ổn thị trường thép.
Cần nhớ, duy trì sự hoạt động của DN ngành thép cũng chính là duy trì lượng phôi dự trữ và là biện pháp hiệu quả nhất để bình ổn thị trường thép. Chứ bình ổn thị trường này không thể trông chờ vào màn “múa” giảm thuế của Bộ Tài chính.