Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp: Sẽ giảm mạnh với doanh nghiệp siêu nhỏ

 Đề cập việc Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ 20 xuống còn 17%, thậm chí 15% đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ& vừa Việt Nam (DNNVV) cho rằng: Không chỉ giảm thuế mà cần có những chính sách đồng bộ gỡ khó cho doanh nghiệp để chính sách giảm thuế có ý nghĩa thực sự.

Xác định doanh nghiệp siêu nhỏ để áp mức thuế thấp hơn

Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Luật thuế TNDN dự kiến được sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chí để DNNVV được áp dụng mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn. Đa số các ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, việc xác định DNNVV làm cơ sở áp dụng mức thuế suất thấp hơn theo tiêu chí doanh thu là phù hợp, đúng bản chất kinh tế.


Doanh nghiệp kỳ vọng việc giảm thuế TNDN sẽ có thêm nguồn vốn kinh doanh. Ảnh minh họa:
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Biển Đông. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN.

Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp siêu nhỏ, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, dự án Luật đề xuất quy định: Doanh nghiệp siêu nhỏ (là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 15%; DNNVV là doanh nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người; đồng thời đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 17%.

Bên cạnh việc giảm thuế suất, dự án luật cũng có nhiều sửa đổi, bổ sung về ưu đãi thuế đối với một số lĩnh vực ưu đãi. Cụ thể, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, dự thảo luật dự kiến bổ sung quy định thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới cung cấp một số dịch vụ phần mềm quan trọng và sản xuất sản phẩm nội dung thông tin số cần ưu tiên phát triển được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Trước đó, giữa năm 2016, Bộ Tài chính cũng từng đề xuất giảm thuế TNDN với các DNNVV về mức 15% hoặc 17%, nhưng mức thuế ưu đãi chỉ áp dụng tới năm 2020. Thời điểm đó Bộ Tài chính tính toán, nếu giảm thuế về mức 17%, ngân sách sẽ giảm thu khoảng 1.500 tỷ đồng/năm (nếu áp dụng tiêu chí DNNVV có doanh thu không qua 100 tỷ đồng/năm) hoặc ngân sách chỉ giảm thu khoảng 473 tỷ đồng (nếu áp dụng tiêu chí DNNVV có doanh thu không qua 20 tỷ đồng/năm).

Theo thống kê của Hiệp hội DNNVV, hiện chỉ có khoảng 30% DNNVV làm ăn có lãi (tương đương 200.000 doanh nghiệp), số còn lại kinh doanh thua lỗ, sản xuất cầm chừng.

Giảm thuế giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn - Tổng Cục thuế nói: “Việc giảm thuế sẽ tác động lớn nhất và đầu tiên đó là tới ý chí kinh doanh, niềm hứng khởi kinh doanh. DNNVV được giảm thuế đương nhiên cùng sẽ tạo tâm lý sẵn sàng kinh doanh cho họ. Cùng với đó, tinh thần của sửa luật lần này sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng sự trợ giúp về quy trình thủ tục để người dân thấy được rằng, việc chuyển từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp sẽ có nhiều thuận tiện, lợi ích hơn. Khi doanh nghiệp kinh doanh tốt thì kinh tế sẽ phát triển, trong đó sự đóng góp của doanh nghiệp vào ngân sách cũng tốt hơn cho dù chúng ta giảm thuế suất”.

Theo ông Phụng, Việt Nam hiện có trên 95% là DNNVV, trong số đó có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Do vậy, chủ trương sửa đổi chính sách thuế lần này sẽ “khoan sức” cho một lớp đối tượng rất rộng trong cộng đồng doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá, để đưa ra quyết định giảm thuế TNDN cho DNNVV ở mức nào cần căn cứ vào 3 yêu cầu: Thứ nhất, phải bảo đảm mức giảm không gây “sốc” so với mức hiện tại và phù hợp với cam kết hội nhập. Thứ hai, phải đặt trong tương quan so sánh mức chung của khối doanh nghiệp khác và các nước khác để bảo đảm sự cân bằng nhất định. Thứ ba, phải dựa vào mục tiêu quản lý nhà nước cũng như sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Theo ông Phong, đề xuất giảm thuế của Bộ Tài chính cơ bản đáp ứng được cả 3 yêu cầu đó. Đây cũng là mức giảm không quá mạnh để có ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu ngân sách. Dĩ nhiên, việc giảm thuế này chỉ thực sự hiệu quả đối với doanh nghiệp “làm thật, ăn thật”.

Tuy nhiên, để việc giảm thuế đúng và trúng đối tượng, cần lưu ý hai vấn đề. Thứ nhất, phải công khai, minh bạch tất cả đối tượng được giảm thuế cũng như các quy trình, thủ tục liên quan để tránh trường hợp lợi dụng chính sách hoặc doanh nghiệp bị người có trách nhiệm gây khó dễ. Thứ hai, phải thực hiện tiếp nhận đánh giá, khiếu nại của doanh nghiệp trong khâu thực hiện chính sách ưu đãi này, đồng thời huy động sự tham gia giám sát của xã hội. Chỉ khi làm được như vậy thì chính sách tốt cho doanh nghiệp mới thực sự phát huy hiệu quả.

“Phương án giảm thuế thu nhập cho DNNVV của Bộ Tài chính là tín hiệu rất tốt nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Chính sách này rất quan trọng với sự phát triển của doanh nghiệp cả trước mắt và lâu dài. Nhưng giảm cụ thể như thế nào cần cân nhắc kỹ trên cơ sở phân tích chi phí của doanh nghiệp”, ông Nam đề xuất.

Còn ông Lê Gia Đông - CEO Công ty Cổ phần Công nghệ Smart Computer cho biết: Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Thuế - TNDN, Công ty ông thuộc diện được hưởng thuế suất 17% thay vì 20%, vì có tổng doanh thu hàng năm từ 3 - 50 tỷ đồng. Việc được giảm 3 điểm phần trăm mức đóng thuế TNDN so với trước đó, đồng nghĩa lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tăng lên và có thêm lợi thế cạnh tranh.

"Chúng tôi sẽ để ra được một khoản không nhỏ tái đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó tăng lợi nhuận, doanh nghiệp càng có động lực để phấn đấu làm ăn. Về phía doanh nghiệp mong muốn giảm được càng nhiều thuế càng tốt, nhưng dù sao với mức giảm này cũng đã chia bớt phần nào gánh nặng cho DNNVV", ông Đông nói.

Nguồn tin: TTXVN

ĐỌC THÊM