Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giảm thuế xuất khẩu phôi thép: Có cần thiết?

Mới đây, Bộ Tài chính đã ký quyết định sửa đổi mức thuế xuất khẩu đối với phôi thép từ 20% xuống 10% và tiếp tục xuống còn 5% vào ngày 7/10. Tuy nhiên, Hiệp hội Thép Việt Nam vẫn có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giảm thuế xuất khẩu phôi thép trở lại mức cũ 2% và có lộ trình xuống 0%.

Phóng viên báo Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam về vấn đề này.

 
Tại sao Hiệp hội Thép Việt Nam đề nghị tiếp tục giảm thuế xuất khẩu phôi thép xuống 2%?

 

Do nền kinh tế toàn cầu suy giảm, thị trường thép đã không còn nóng như so với cách đây 2 tháng. Cụ thể, giá phôi thép trên thị trường thế giới sau khi tăng lên ở mức 1.150-1.200 USD/tấn nay đã xuống còn 620 USD/tấn. Tình hình tiêu thụ thép tại Việt Nam cũng rất ảm đạm. Nếu như cách đây mấy tháng toàn ngành thép tiêu thụ được 320.000-350.000 tấn/tháng thì tháng 8-9/2008 con số này chỉ còn lại 110.000 tấn/tháng, xấp xỉ 1/3 so với trước đây.

Thép thành phẩm tiêu thụ chậm, tại Việt Nam các DN sản xuất thép trong nước đã tạm ngưng việc mua phôi để tiếp tục sản xuất dẫn đến các DN sản xuất phôi không bán được cho DN trong nước, xuất khẩu ra nước ngoài thì thuế suất quá cao, do đó dẫn đến ứ đọng thép thành phẩm và phôi, không thu hồi được vốn để tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Nhiều DN thép đã phải ngưng sản xuất từ đầu tháng 9 hoặc sản xuất cầm chừng như: Vạn Lợi, Đình Vũ, Việt Ý…

Trước tình hình đó, Chính phủ cũng đã hạ mức thuế xuất khẩu phôi thép xuống 5%, tuy nhiên, Hiệp hội Thép Việt Nam nhận thấy với tình trạng như hiện nay, nếu để mức thuế xuất khẩu 5% thì không có lợi đối với ngành thép, các DN thép trong nước sẽ rất khó khăn trong việc thu hồi vốn để tiếp tục sản xuất. Đặc biệt, khi tình hình tài chính thế giới không ổn định, các ngân hàng cho vay với lãi suất cao và cũng rất dè dặt khi xuất tiền cho ngành thép, nhất là khi giá thép đang xuống thấp.

Như vậy, ngành thép hiện phải đương đầu với hàng loạt khó khăn: hàng sản xuất ra không bán được, lãi suất ngân hàng cao, thị trường tiêu thụ trì trệ… dẫn đến hầu hết DN đều thua lỗ. Để khắc phục, một số DN thép đã phải vay lãi “chợ đen” để thanh toán tiền điện và trang trải lương công nhân. Vì thế, Hiệp hội Thép Việt Nam rất mong muốn Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giảm thuế xuất khẩu đối với phôi thép xuống 2% và có lộ trình xuống 0%.

 

Nếu giảm thuế xuất khẩu đối với phôi thép xuống 2% hay 0%, khi ấy các DN sản xuất phôi thép sẽ ồ ạt xuất khẩu thì nguồn nguyên liệu có đảm bảo đủ nhu cầu trong nước cho những tháng tiếp theo?

 

Căn cứ vào tình hình thị trường thép mấy tháng gần đây và với những biến động của thị trường bất động sản, xây dựng hiện nay thì điều này hoàn toàn không đáng lo ngại. Vì tính đến thời điểm này, lượng phôi thép tồn kho đã lên tới 54 vạn tấn và lượng thép thành phẩm tồn kho cũng xấp xỉ 40 vạn tấn, tổng cộng phôi và thép thành phẩm lên tới gần 1 triệu tấn tương đương hàng tỷ USD vốn lưu động đang bị ứ đọng. Theo tính toán của chúng tôi, số lượng này đã đủ để phục vụ cho nhu cầu sản xuất và thị trường 3 tháng còn lại của năm 2008, đấy là chưa kể một số DN còn đang tiếp tục sản xuất.

Hơn nữa, với tình hình kinh tế thế giới hiện nay, xuất khẩu được phôi thép không phải là chuyện dễ dàng, đặc biệt với mức giá chào bán trên dưới 600USD/tấn thì dù có giảm thuế xuất khẩu phôi xuống 2% hay 0% thì các DN sản xuất phôi trong nước vẫn rơi vào tình trạng thua lỗ. Có chăng, đây chỉ là giải pháp giúp họ thu hồi vốn về trang trải nợ nần, giúp cho nhiều DN đỡ phải vay lãi ngày để trả chi phí điện nước, lương công nhân như hiện nay.

 

Ngoài giải pháp hạ thuế xuất khẩu, theo ông có giải pháp nào khác để ngành thép vượt qua khó khăn hiện nay và hướng đến sự ổn định mang tính lâu dài?

 

Việc hạ thuế xuất khẩu đối với phôi thép thời điểm này là rất cần thiết. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là biện pháp mang tính chuyển tiếp, không có tính ổn định về lâu dài. Để ngành thép phát triển ổn định trong tương lai, theo tôi bản thân ngành thép cũng phải tìm cách thoát ra khỏi khó khăn. Cụ thể, các DN thép nên học tập Công ty Gang thép Thái Nguyên xây dựng các lò cao. Các lò cao này đi từ quặng và sắt trong nước sau đó nấu ra gang lỏng để thay thế sắt phế nhập khẩu, như vậy vừa tiết kiệm được nguồn nguyên liệu trong nước vừa hạn chế nhập siêu. Đồng thời, cũng nên xây dựng nhiều liên hiệp luyện kim để sản xuất quặng và than phục vụ sản xuất thép. Muốn làm được điều này thì các DN sản xuất quặng cũng nên chia sẻ khó khăn với ngành thép bằng cách hạn chế xuất khẩu quặng để ưu tiên cho ngành thép trong nước đi vào ổn định.

Một giải pháp nữa mà Hiệp hội Thép Việt Nam cũng đang có công văn gửi Chính phủ đó là tăng thuế nhập khẩu đối với thép thành phẩm từ 8% như hiện nay lên 25%. Điều này không những góp phần giúp các DN thép trong nước giảm được lượng tồn kho mà các DN sản xuất phôi cũng có thể tiêu thụ được sản phẩm./.

VEN

ĐỌC THÊM