Tồn kho của nhiều ngành công nghiệp có xu hướng giảm do giảm sản xuất, vì vậy, giải phóng hàng tồn vẫn là áp lực lớn.
Theo số liệu của Bộ Công thương, từ đầu năm đến nay, chỉ số tồn kho sản phẩm giảm dần qua các tháng. Cụ thể, tính đến ngày 1/2/2013, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến - chế tạo là 19,9%, đến ngày 1/3/2013 giảm còn 16,5%, ngày 1/4/2013 còn 13,1%, thời điểm 1/5 là 12,3% và đến ngày 1/6 còn 9,7%.
Với kết quả trên, tồn kho đã giảm đáng kể, nhưng so với cùng kỳ năm 2012, thì tồn kho vẫn tăng 9,7% (tại thời điểm 1/6), tiếp tục gây lo ngại cho các doanh nghiệp (DN), đặc là DN thuộc ngành công nghiệp nặng, như sắt thép, xi măng, động cơ, cơ khí…
Những ngành có chỉ số tồn kho giảm nhiều so với cùng kỳ là sản xuất xi măng (giảm 38,4%), sản xuất linh kiện điện tử (giảm 50,7%), sản xuất xe có động cơ (giảm 27,6%)...
Tồn kho tính đến ngày 30/6/2013 của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam là 1,28 triệu tấn, giảm gần 300.000 tấn so với thời điểm cuối quý I/2013.
Mặc dù hàng tồn kho giảm, song khó khăn bao trùm lên các DN từ nay đến hết năm vẫn là tìm đầu ra cho sản phẩm.
Thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), 6 tháng đầu năm 2013, tiêu thụ toàn ngành xi măng đạt 29,5 triệu tấn sản phẩm, tăng 1,5 triệu tấn so với cùng kỳ, trong đó tiêu thụ nội địa đạt 22,7 triệu tấn, xuất khẩu 6,8 triệu tấn.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch VNCA cho biết, dù tiêu thụ tăng nhẹ so với cùng kỳ, nhưng chưa thể tự tin về tín hiệu lạc quan của thị trường xi măng Việt Nam, bởi đạt được mức tăng này là do yếu tố xuất khẩu (tăng hơn 200% cùng kỳ năm trước), còn tiêu thụ nội địa không những không tăng, mà còn giảm 4% so với 6 tháng 2012.
Kết quả khảo sát động thái doanh nghiệp Việt Nam trong 6 tháng đầu năm do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cũng cho thấy, gần 70% DN trong nước chưa tìm được giải pháp phù hợp để giải quyết đầu ra cho sản phẩm và khai thác thị trường hiệu quả.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Trương Ngọc Minh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Viglacera Tiên Sơn (VIT) tại tỉnh Bắc Ninh cho biết, do đầu ra hạn chế, ngay từ đầu năm 2013, Công ty đã phải điều chỉnh sản lượng. Hiện tại, nhằm giảm thiểu hàng tồn, Công ty chỉ sản xuất khoảng 2/3 công suất.
Tính đến hết tháng 6/2013, Công ty có lượng hàng tồn kho tương đương 2 tháng sản xuất, với giá trị khoảng 80 tỷ đồng, lợi nhuận 6 tháng âm trên 1 tỷ đồng. “Nếu thị trường 6 tháng cuối năm khởi sắc, tiêu thụ tốt hơn, Công ty mới có cơ hội đạt lợi nhuận khoảng 11 tỷ đồng”, ông Minh cho biết thêm.
Không chỉ VIT, mà nhiều DN sản xuất vật liệu xây dựng trực thuộc Tổng công ty Viglacera phải điều tiết sản lượng xuất xưởng theo từng tháng để chủ động hơn trong việc giải quyết hàng tồn kho.
Trong nhóm DN vật liệu, thép là ngành có lượng hàng tồn kho lớn nhất, dù đã có những nỗ lực cắt giảm sản lượng.
Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) cho biết, sản lượng thép thành phẩm 6 tháng đầu năm của VnSteel chỉ đạt 42% kế hoạch, với 675.900 tấn, nhưng hàng tồn kho hiện vẫn hơn 190.000 tấn.
Theo ông Lê Phú Hưng, Tổng giám đốc VnSteel, dù đã cắt giảm sản lượng, nhưng do nhu cầu thép trong 2 quý đầu năm thấp và không ổn định, cộng với nguồn cung mặt hàng thép trong nước ngày càng tăng, dẫn đến lượng hàng tồn kho cao.
Ông Hưng cũng cho biết, 7/13 công ty con của Tổng công ty, 5 DN liên doanh với VnSteel đã bị thua lỗ trong 6 tháng qua.
Trước tình trạng hiệu quả kinh doanh thấp, từ năm 2012, Tổng công ty Viglacera đã tái cơ cấu bộ phận kinh doanh của 3 DN thành viên, gồm Công ty cổ phần Viglacera Hà Nội, Công ty cổ phần Viglacera Thăng Long và Công ty cổ phần Viglacera Tiên Sơn bằng việc cho ra mắt Công ty cổ phần Kinh doanh Viglacera, với vốn điều lệ 30 tỷ đồng.
Với việc hợp nhất này, Tổng công ty Viglacera kỳ vọng sẽ phát huy được sức mạnh tổng lực của 3 bộ phận kinh doanh, phát huy hệ thống đại lý bán hàng khắp ba miền Bắc – Trung – Nam của cả 3 DN, đồng thời tiết giảm được những chi phí trùng lắp, triệt tiêu những chính sách bán hàng mang tính riêng lẻ gây cản trở lẫn nhau.
Tuy nhiên, theo ông Minh, khó khăn về tiêu thụ, giải phóng hàng tồn vẫn là áp lực lớn với Viglacera Tiên Sơn, ngay cả khi đã có DN thương mại lo đầu ra cho sản phẩm.
Nguồn : Baomoi