Khi nhìn ra bản chất của vấn đề, ta thấy về mặt lý thuyết thì không khó lắm để giải quyết chuyện gian lận thương mại tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế lại rất khó.
Mặt hàng thép từ Việt Nam đã bị Mỹ áp thuế cao vọt bởi cho rằng có gian lận thương mại - Ảnh: Internet
Gian lận thương mại đang khiến hàng Trung Quốc trị giá hàng tỉ đô la Mỹ chọn lối vào Việt Nam trước khi xuất qua Mỹ để né thuế. Điều này khiến cơ hội tăng trưởng do thương chiến Mỹ - Trung mở ra cho Việt Nam có nguy cơ bị giảm thấp hay triệt tiêu. Nó cũng giới hạn đáng kể hiệu quả tích cực của EVFTA trên sự phát triển của Việt Nam. Các báo về kinh tế thế giới như Wall Street Journal, USA Today, Reuters, Bloomberg, Fox Business... đã đề cập vấn đề này. Minh chứng rõ nhất là tiếp theo than phiền của ông Trump, thuế nhập vào Mỹ của một số mặt hàng thép Việt Nam đã tăng lên 456,23%, cao gấp chục lần thuế nguyên khởi.
Bản chất của vấn đề
Xin cùng nhau lấy một mặt hàng đại diện ra nói chuyện.
Một mặt hàng giả sử có 6 nấc thang giá trị gia tăng trên chuỗi sản xuất của nó. Ta tạm gọi là các nấc 1, 2, 3, 4, 5 và 6. Sau nấc 5 sản phẩm đã tới giai đoạn bán thành phẩm, sau nấc 6, nấc đóng gói, là thành phẩm cuối cùng (finished product).
Nấc 6 chiếm 10% giá trị gia tăng. Giả sử mỗi nấc trong 5 nấc đầu tạo giá trị gia tăng bằng nhau, như vậy mỗi nấc chiếm 18% giá trị gia tăng (bằng 90% chia cho 5).
Nay lại giả sử mặt hàng sản xuất tại Việt Nam chịu thuế nhập khẩu vào Mỹ là 8%. Nếu sản xuất từ Trung Quốc phải chịu thuế nhập khẩu vào Mỹ là 22%.
Hàng được coi là sản xuất tại Việt Nam khi có trên 40% giá trị gia tăng được tạo ra tại Việt Nam, và chỉ như vậy mới được hưởng thuế suất 8%.
Nếu công ty Việt Nam nhập hàng Trung Quốc sau nấc 3, đem về Việt Nam làm thêm các nấc 4, 5 và 6 để ra sản phẩm sau cùng (finished product), thì giá trị gia tăng được tạo ra trên lãnh thổ Việt Nam là 46%. Mặt hàng như vậy xuất sang Mỹ hưởng thuế suất 8% là chính đáng.
Nếu công ty Việt Nam nhập bán thành phẩm từ Trung Quốc đem về Việt Nam làm thêm nấc đóng gói để ra sản phẩm sau cùng (finished product), thì giá trị gia tăng được tạo ra trên lãnh thổ Việt Nam chỉ 10%. Mặt hàng như vậy không đủ tiêu chuẩn hưởng thuế suất 8% khi xuất vào Mỹ.
Trong lý lịch sản phẩm, có kê khai nguồn gốc xuất xứ của từng giai đoạn. Nếu công ty Việt Nam kê khai cho giá trị gia tăng tạo ra ở Việt Nam là trên 40% để được hưởng thuế suất 8%, cho dù sự thực chỉ có 10%, thì đây chính là gian lận thương mại mà phía Mỹ lên án. Chú ý đây là gian lận thương mại do cố ý khai gian, chứ không phải do “lách kẽ hở pháp luật”.
Trong thực tế việc gian lận thương mại xảy ra phức tạp hơn nhiều. Tuy nhiên thí dụ trên đây cho thấy bản chất vấn đề.
Nếu trường hợp gian lận này xảy ra, công ty Trung Quốc sẽ hưởng chênh lệch thuế suất bán hàng vào Mỹ là 14% (mức chênh lệch giữa 22% của Trung Quốc và 8% của Việt Nam). Trung Quốc và Việt Nam có ưu đãi thuế quan, những mặt hàng này có thể có thuế nhập khẩu bằng 0 khi nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam, do đó công ty Trung Quốc hưởng trọn chênh lệch 14% thuế đó. Giả sử kim ngạch xuất mặt hàng đó vào Mỹ trị giá 10 tỉ USD, phần giá trị gia tăng của Trung Quốc là 90% (trừ đi 10% do Việt Nam đóng gói), thì 14% chênh lệch thuế đó khiến công ty Trung Quốc hưởng lợi tức thêm 1,26 tỉ USD (10 x 90% x 14% = 1,26 tỉ USD).
Giải quyết vấn đề: Dễ hay khó?
Gian lận thương mại nếu bị phát giác sẽ bị phạt, nên thông thường ít người muốn gian lận. Tuy nhiên trong trường hợp Việt Nam lại có nhiều nhân tố thúc đẩy gian lận, xin liệt kê dưới đây 3 nhân tố:
1) Món lợi 1,26 tỉ USD chắc chắn sẽ được chia cho công ty Việt Nam nào chịu gian lận. 15% của số tiền đó là 189 triệu USD. Số tiền đó đủ quyến rũ nhiều công ty sẵn sàng gian lận hay không?
2) Các khâu ngăn chặn gian lận thương mại của Việt Nam kém hiệu quả. Đã là quy luật, quốc gia càng có mức tham nhũng cao, hiệu quả chống gian lận càng thấp.
3) Các công ty Việt Nam, nhất là các công ty sân sau, có mục tiêu kiếm tiền ngắn hạn, chăm chú vào vơ vét trước mắt. Họ bất chấp hậu quả, bất chấp bị phát giác và bị phạt. Khi bị phạt là cả quốc gia gánh chịu, công ty chỉ cần ngưng hoạt động kinh doanh là xong mặc cho nền kinh tế quốc gia khốn khổ!
Khi nhìn ra bản chất của vấn đề, ta thấy về lý thuyết thì không khó lắm để giải quyết chuyện gian lận thương mại tại Việt Nam. Chính quyền nắm quyền chuyên chính và chặt chẽ, sao lại không dễ làm? Chính quyền dư biết cách làm, chẳng cần ai cầm tay chỉ vẽ, ít nhất cũng làm giảm rất đáng kể so với hiện trạng để không còn là một nguy cơ như hiện nay.
Tuy nhiên thực tế lại rất khó. Tham nhũng khiến những lá chắn quốc gia chặn gian lận thương mại bị vô hiệu hóa. Thêm nữa, trong số các công ty đang gian lận thương mại kiểu đó, chắc có những công ty sân sau hay công ty thân hữu chia chác. Các việc này có liên quan tới (hay xuất phát từ) giới có chức quyền, xuất phát từ các thành viên công quyền. Không có cách ngăn chặn, kiểm soát, xử phạt giới này đồng nghĩa với gian lận ngày càng phình ra.
Cách nào mới tạo ra bộ máy công quyền liêm chính, biết sợ dân, biết phụng sự lợi ích của dân, của nước? Thiết nghĩ rằng chỉ có cách đó mới có thể giải quyết gian lận thương mại!
Nguồn tin: Motthegioi