Tình trạng gian lận trong ngành tôn thép đang đe dọa lớn sự phát triển của ngành thép trong nước.
Tại hội thảo Vấn nạn gian lận thương mại trong thị trường tôn thép do Hiệp hội Thép Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức ngày 26/11 tại Hà Nội, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen tính toán, với mỗi mét tôn giả, người tiêu dùng sẽ bị thiệt khoảng 4.000 - 6.000 đồng. Nếu ước tính 20% tôn trên thị trường là hàng giả, hàng nhái thì ngành thép sẽ thiệt hại đến 394 tỷ đồng trong năm nay.
Trắng trợn móc túi người tiêu dùng
Chủ một cơ sở sản xuất hàng may mặc tại Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ câu chuyện: Để xây dựng xưởng sản xuất, doanh nghiệp đã quyết định mua gần 2.000 m2 tôn Tôn Phương Nam - SSSC Việt Nhật theo yêu cầu của đơn vị thiết kế. Tuy nhiên, đến khi tiến hành lợp tôn lên thì đơn vị thi công phát hiện nhân viên của anh đã mua phải tôn giả mang nhãn hiệu Tôn Nhật - Việt SSC có xuất xứ được ghi là “made by Gloal Steel, Japan Standard” (tạm dịch: sản xuất bởi Gloal Steel, tiêu chuẩn Nhật Bản).
Sau khi kiểm tra, doanh nghiệp (DN) mới phát hiện thủ đoạn làm tôn nhái rất tinh vi. Tôn nhái có giá rẻ hơn nhưng lại bị ăn bớt độ dày, cũng như các yếu tố kỹ thuật và chất lượng khác. Tính ra, với 2.000 m2 tôn, DN đã thiệt hại khoảng 30 triệu đồng, chưa kể chất lượng sản phẩm kém hơn nhiều so với hàng thật.
Trên thị trường hiện nay xuất hiện khá nhiều loại sản phẩm mang thương hiệu Tôn Hoa Sen đang có uy tín lớn, nhưng khi được hỏi về xuất xứ của những tấm tôn này thì đại diện bên bán lại trả lời rất mập mờ. Theo tìm hiểu của phóng viên, thực chất đây là những loại tôn có nhiều xuất xứ khác nhau nhưng được các công ty gian lận mua về và in thương hiệu của Tôn Hoa Sen lên đó. Bằng mắt thường, người tiêu dùng rất khó phân biệt đâu là tôn thật, đâu là tôn giả.
Trung bình mỗi mét vuông tôn xuất xứ Đài Loan với độ dày 0,3 mm hiện có giá 45.000 đồng nhưng khi được gắn mác tôn có thương hiệu thì giá tăng lên 60.000 - 70.000 đồng. Như vậy, người tiêu dùng đang bị móc túi khoảng vài chục nghìn đồng cho mỗi mét tôn. Tình trạng bán hàng gian dối này diễn ra trắng trợn đến mức chỉ với một chiếc máy in nhãn hiệu, một công ty có thể “hô biến” bất kì loại tôn không rõ nguồn gốc nào thành các thương hiệu tôn có uy tín trên thị trường.
Đánh giá nguyên nhân của tình trạng này, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 500.000 tấn tôn các loại, chủ yếu từ Trung Quốc để tiêu thụ trong nước. Mặt khác, thị trường tôn thép trong nước phát triển rất nhanh nên việc quản lý không dễ dàng. Hơn nữa, một đặc điểm của tôn thép mạ và phủ màu là rất khó xác định được chất lượng (độ dày, chất lượng mạ, phủ...) bằng mắt thường. Để xác định được chính xác các tính chất này đòi hỏi cần có các thiết bị chuyên dụng.
Tìm cách chặn tôn thép giả
Một trong những lí do khiến người tiêu dùng rất khó kiểm soát chất lượng tôn thép mà mình mua là do các DN “mập mờ” chỉ tiêu kĩ thuật. Từ chính thực tế kinh doanh của công ty mình, ông Lê Phước Vũ cho biết, trên thị trường đang có sự thông đồng giữa nhà sản xuất và các nhà phân phối để móc túi người tiêu dùng. Do đó, ông Lê Phước Vũ đề nghị các DN phải công khai các thông số này để người tiêu dùng kiểm tra, đối chiếu. Đồng thời, người tiêu dùng khi mua tôn thép phải yêu cầu người bán phải xuất hóa đơn và giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để các DN này không gian lận được và Nhà nước không bị thất thu thuế.
“Nhiều năm qua, Tôn Hoa Sen đã phải xây dựng hệ thống bán lẻ của riêng mình. Nếu không thì chúng tôi đã phải đóng cửa rồi vì không thể cạnh tranh được với tôn giả có giá rất rẻ bán tràn lan trên thị trường”, ông Vũ nói.
Còn ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, cho rằng, các công ty làm ăn chân chính nên đăng ký bảo hộ độc quyền và kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm của mình; công bố cách nhận biết hàng giả, hàng nhái để người dân và cơ quan chức năng nắm được. Ngoài ra, cần thiết lập kênh phân phối sản phẩm chuyên nghiệp và niêm yết giá nghiêm túc càng sớm càng tốt.
Đối với các cơ quan quản lý, ông Bảo kiến nghị không cấp phép cho nhiều cơ sở sản xuất tôn thép vượt quá so với nhu cầu (thực tế ngành thép đã gần như bão hòa trong thị trường nội địa và phải hướng đến xuất khẩu để tìm đầu ra cho sản phẩm).
Nguồn tin: Tin tức