Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc các doanh nghiệp thép giảm giá bán từ 100 - 200 nghìn đồng/tấn nhằm đẩy mạnh tiêu thụ cũng là điều dễ hiểu. Song để giành giật thị phần, một số doanh nghiệp đã giảm mạnh giá bán xuống dưới giá thành sản xuất, thậm chí có doanh nghiệp trong vòng 1 tháng giảm tới 3 lần với tổng mức giảm khoảng 1 triệu đồng/tấn đã khiến thị trường thép bị “méo mó”.
Trước tình hình này, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) có cuộc họp khẩn cấp với các doanh nghiệp thép phía Bắc ngày 22/8/2013 để cùng thống nhất không tiếp tục giảm giá bán thép, đồng thời tìm ra những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn chung.
Sức ép cạnh tranh gay gắt
Tại cuộc họp này, các đại biểu đã đưa ra một thực tế, một số doanh nghiệp sản xuất thép trong nước vẫn dùng nguyên liệu đầu vào không chuẩn, dùng lò nung phôi trung tần, phôi sản xuất từ lò trung tần không qua lò tinh luyện chất lượng không bảo đảm, chi phí sản xuất thấp hơn rất nhiều so với các lò đúng tiêu chuẩn quy định nên nhà sản xuất không phải chi phí cho việc tinh luyện và làm sạch thép ở mức độ cho phép.
Do vậy, giá của loại phôi này rất rẻ và chênh lệch cả triệu đồng/tấn và người tiêu dùng rất khó phân biệt sản phẩm kém chất lượng. Trong khi, những doanh nghiệp làm ăn chân chính, sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, đương nhiên giá thành cao hơn, thì lại khó tiêu thụ, còn bán bằng giá sản phẩm có chất lượng thấp sẽ thua lỗ.
Chưa hết, sức ép từ thép cuộn có chứa hàm lượng Bo của Trung Quốc tràn vào Việt Nam dưới dạng các loại thép hợp kim và được bán với giá rất rẻ lại khiến các doanh nghiệp càng thêm lo.
Theo thống kê của VSA, trong năm 2012 Việt Nam đã nhập khẩu 679 nghìn tấn thép cuộn cán nóng, 275 nghìn tấn thép tấm cán nóng có chứa Bo. Riêng đối với thép xây dựng có chứa Bo, Việt Nam đã nhập khẩu 427 nghìn tấn từ Trung Quốc trong năm 2012, tăng 331% so với 2011.
Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2013, lượng thép cuộn có chứa Bo nhập khẩu đạt 270 nghìn tấn, cao hơn lượng thép cuộn nhập khẩu cả năm 2012 là 248 nghìn tấn.
Việc các sản phẩm thép hợp kim chứa Bo của Trung Quốc ồ ạt xâm nhập thị trường Việt Nam đã ảnh hưởng xấu đến kết quả sản xuất kinh doanh của các nhà sản xuất thép xây dựng trong nước, đặc biệt vào thời điểm hiện nay khi tổng cầu sụt giảm.
Tuy nhiên hiện tại, việc thép cây nhập khẩu vào Việt Nam không mấy ảnh hưởng vì có gắn nhãn mác nên người tiêu dùng dễ phân biệt, chỉ có tiêu thụ thép cuộn giảm vì chịu ảnh hưởng bởi thép cuộn có chứa hàm lượng Bo nhập từ Trung Quốc.
Giải pháp tháo gỡ khó khăn
VSA nhận định, với lượng tiêu thụ thép trên thị trường hiện dao động ở mức trên 395 nghìn tấn, “miếng bánh thị trường thép” vẫn chưa “nở” ra cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh hiện vẫn chưa thực sự đến doanh nghiệp.
Do vậy, việc cạnh tranh gay gắt, quyết liệt theo hướng giảm giá bán để giành thị phần của các đối thủ sẽ chỉ làm cho nhiều doanh nghiệp càng rơi vào tình cảnh thua lỗ và triệt tiêu lẫn nhau.
Vì vậy VSA cho rằng, trong bối cảnh lượng tiêu thụ khá chậm và không có thị trường, đặc biệt cung lớn hơn cầu, các doanh nghiệp phải tự thỏa thuận chia nhau.
Việc cạnh tranh quyết liệt, giành giật và giảm giá chỉ làm cho các doanh nghiệp đã lỗ càng lỗ thêm bởi về lâu dài, nếu người sản xuất bán sản phẩm bán dưới giá thành thì khả năng tái đầu tư cho sản xuất cũng không còn.
Đáng chú ý là mới đây, một số doanh nghiệp thép lại tiếp tục đưa sản phẩm mới ra thị trường, ngay cả với những sản phẩm đang dư thừa như: thép thanh, thép dây.
Thực trạng này càng làm cho ngành thép rơi vào cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn khi những doanh nghiệp mới gia nhập một thị trường đã bão hòa nên phải quyết liệt giành giật thị phần của những doanh nghiệp cũ. Đây cũng sẽ là nguyên nhân càng khiến cho doanh nghiệp thép lấn sâu vào cuộc đua hạ giá mà không có đường ra.
Xuất phát từ khó khăn do nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thép đều giảm, đặc biệt là thép xây dựng. VSA yêu cầu các doanh nghiệp cần giữ vững thị trường hiện tại, không giảm giá bán để cạnh tranh không lành mạnh, chiếm thị phần lẫn nhau làm ảnh hưởng tới thị trường chung.
Hiện nay, chi phí đầu vào cho sản xuất thép như điện, xăng dầu, thép phế... đã tăng giá khiến cho giá thành sản xuất thép cũng tăng theo. Chính vì vậy, thép bán ra không có lãi thì cũng phải bán bằng giá thành sản xuất, không nên bán lỗ, nếu bán lỗ thì doanh nghiệp khó tồn tại trong bối cảnh thị trường khó khăn kéo dài.
Để cân đối cung cầu hợp lý, đảm bảo cho sản xuất, các doanh nghiệp cần giảm chi phí một cách tối đa, không sản xuất tràn lan để tồn kho nhiều. Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, chuẩn bị tốt các điều kiện để sớm áp dụng “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép làm cốt bê tông - Quy chuẩn Việt Nam 07:2011/BKHCN”, từ đó mới có điều kiện tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm thép trong nước và hạn chế tối đa thép nhập khẩu, đặc biệt là thép kém chất lượng.
Theo VSA, điều quan trọng nhất để tạo đà cho doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh cũng như vực dậy ngành thép hiện nay, Nhà nước cần tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy tiêu thụ thép như: giảm thuế VAT xuống còn 5%, thay vì 10% như hiện nay.
Cùng với đó, triển khai các dự án đã giải ngân, các dự án ODA và các dự án Nhà nước đã cấp vốn và xem xét giảm lãi suất cho vay. VSA cũng đề nghị các doanh nghiệp thép cần tích cực đổi mới công nghệ, tiết kiệm chi phí nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh.
Nguồn tin: vnEconomy