Cuối tuần qua, khi các nhà sản xuất thép lớn cùng cam kết không tăng giá, giá thép đã dần ổn định trở lại. Theo nhiều doanh nghiệp, giá thép, trong đó có thép xây dựng tăng chủ yếu do nguyên liệu tăng giá.
Đầu cơ đã xả hàng
Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, giá thép trên thị trường cuối tuần qua đã chững lại; nhiều khả năng tuần này sẽ giảm và ổn định trở lại khi các đại lý lớn xả hàng sau khi các nhà sản xuất thép cam kết không tăng giá bán. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp thép đẩy mạnh sản xuất phôi thép và thép dài với chất lượng và giá cả cạnh tranh đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.
Ông Mai Văn Hà, Giám đốc CTCP Thép Hòa Phát thuộc Tập đoàn Hòa Phát (HPG) nhận định: “Thị trường không thiếu thép, các nhà máy vẫn sản xuất bình thường đảm bảo nguồn cung ổn định suốt cả năm”. Ông Hà cho biết:
“Thép Hòa Phát, trong khả năng của mình, cam kết không tăng giá bán, giữ ổn định thị trường thép và bản thân tập đoàn luôn chủ trương phát triển ổn định lâu dài”.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP đầu tư thương mại SMC, nhà phân phối thép lớn tại TP.HCM cho biết, giá thép xây dựng tăng khoảng 1.500 đồng/kg trong 2 tuần qua lên 11.000 - 12.000 đồng/kg do có yếu tố đầu cơ ở cả khâu sản xuất và thương mại trung gian trước thông tin áp thuế phôi và thép xây dựng nhập khẩu.
“Hệ thống phân phối không tốt, các đại lý nhào vào lấy hàng, nhà máy nâng giá lên. Mọi người tranh thủ kiếm ít lợi nhuận sau một năm lỗ nhiều. Ngoài ra, tháng 3 cũng là mùa cao điểm tiêu thụ thép”, ông Anh chia sẻ.
Khi phân tích lý do tăng giá thép, các doanh nghiệp trong ngành nhấn mạnh nguyên nhân cơ bản là do nguyên liệu gốc, quặng sắt tăng giá.
Ông Anh chia sẻ, doanh nghiệp khai thác quặng sắt của Australia cung cấp đến 70% sản lượng quặng cho Trung Quốc do lỗ tới 6 tỷ USD trong 6 tháng cuối 2015 nên đã ngừng khai thác, nâng giá quặng sắt lên theo giá dầu. Riêng trong ngày 7/3, giá quặng sắt đã tăng tới 20%.
“Mấy ngày hôm nay, báo chí và truyền hình đưa tin giá thép trong nước tăng do việc áp thuế tự vệ thương mại, nhưng đó không phải lý do chính vì thực tế là các mặt hàng thép khác, không bị đánh thuế tự vệ thương mại cũng đều tăng”, ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Đại Thiên Lộc (DTL) có nhà máy sản xuất và kinh doanh tôn thép tại tỉnh Bình Dương, cho biết.
Giá thép xây dựng tăng khoảng 1.500 đồng/kg trong 2 tuần qua lên 11.000 - 12.000 đồng/kg do có yếu tố đầu cơ ở cả khâu sản xuất và thương mại trung gian trước thông tin áp thuế phôi và thép xây dựng nhập khẩu.
Theo ông Nghĩa, giá thép tăng chủ yếu do giá vốn tăng và thông thường trong ngành thép, khi đã tăng là các mặt hàng đều tăng hết dù mức độ tăng nhiều ít khác nhau. Cụ thể, theo ông Nghĩa, từ đầu tuần thứ hai của tháng ba, giá thép ở thị trường Trung Quốc tăng mạnh chỉ sau một đêm. Giá kẽm tăng 130 USD/tấn, thép cán nóng tăng 50 USD/tấn, tôn màu tăng 150 USD/tấn, giá phôi và thép xây dựng cũng tăng. Ngay lập tức giá bán trong nước đã tăng theo trong tuần qua.
Theo các doanh nghiệp ngành thép, không chỉ ở Việt Nam, giá thép ở các nước và khu vực sản xuất thép lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản... và các nước xung quanh cũng tăng do ảnh hưởng giá quặng, than cốc, phế liệu đều tăng.
Trong khi thị trường tiêu dùng có phần bất ngờ với việc tăng giá thép và đổ lỗi cho quyết định áp thuế tự vệ thương mại, thì giá cổ phiếu thép đã phản ánh xu thế phục hồi của nguyên liệu sản xuất thép từ tháng đầu năm. Hàng loạt cổ phiếu thép, từ các doanh nghiệp lớn như HSG, HPG... tới các doanh nghiệp vừa như DTL, TLH... hay doanh nghiệp phân phối thép SMC đều tăng giá từ 15 đến 30% trong 2 tháng qua, trước khi có quyết định áp thuế.
Áp thuế tự vệ là việc bắt buộc phải làm để bảo vệ lợi ích lâu dài của ngành thép sản xuất từ thượng nguồn của Việt Nam. Quyết định áp thuế tự vệ thương mại tạm thời của Bộ Công thương là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và pháp luật của Việt Nam.
Việt Nam đã tham gia WTO và ký kết hàng chục hiệp định thương mại, hội nhập ngày càng sâu rộng vào sân chơi chung. Tuy nhiên, trước diễn biến nhập khẩu tăng vọt và giá giảm sâu gây thiệt hại và đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng đến ngành sản xuất trong nước - là các yếu tố không lường trước được - thì WTO cho phép các thành viên áp dụng tự vệ thương mại để tránh sụp đổ và có thời gian để tự điều chỉnh.
Trong thời gian đó, các nhà sản xuất nội địa nói chung buộc phải tự nghiêm khắc với chính mình bằng cách đổi mới công tác quản lý, đầu tư cải tiến trang thiết bị công nghệ, tăng năng suất lao động, giảm chi phí giá thành để nâng cao sức cạnh tranh. Khi chấm dứt giai đoạn áp dụng thuế tự vệ, ai không đủ sức cạnh tranh sẽ buộc phải rời khỏi thị trường.
- Ông Mai Văn Hà, Giám đốc CTCP Thép Hòa Phát
Nguồn tin: ĐTCK