Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giới đầu cơ thép đang xả hàng

- Giá thép tại thị trường trong nước từ đầu tháng 3 đến nay liên tục thay đổi thất thường với nhiều mức tăng, giảm kỷ lục. Theo các chuyên gia trong ngành, diễn biến bất thường này là do hoạt động mạnh của giới đầu cơ .


Giá thép tiếp tục giảm sâu 

Theo các công ty kinh doanh tại Hà Nội, kể từ đầu tháng 5 đến nay giá các mặt hàng thép như: miền Nam, Pomina, Vinakyoe, Việt Úc, Thái Nguyên…liên tục được nhà máy thông báo giảm với mức khoảng 200.000 - 500.000 đồng/tấn. Trong đó, giảm mạnh nhất là các doanh nghiệp kinh doanh thép phía Bắc với mức hạ từ 300.000-  500.000 đồng/tấn. Đối với các nhà máy ở khu vực phía Nam giảm khoảng 200.000 đồng/tấn.

Như vậy kể từ đầu tháng 5 đến nay, các công ty thép trong nước đã 2 lần điều chỉnh giá bán lẻ mặt hàng này (lần đầu ngày 4/5, lần thứ hai là ngày 17/5 vừa qua), mức giảm tổng cộng cả 2 lần từ 600.000 đến 1.000.000 đồng/tấn tùy chủng loại.

Cụ thể:  giá thép cuộn của Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) khu vực phía nam tại các nhà máy dao động ở mức 13.000.000 – 13.700.000 đồng/tấn tùy chủng loại (chưa bao gồm thuế VAT).

Tại thị trường bán lẻ ở Hà Nội chiều 20/5 là: thép Việt Úc có giá 14.000.000 triệu đồng/tấn; thép Thái Nguyên có giá 14.800.000 đồng/tấn (gồm cả VAT) giảm khoảng 500.000 đồng/tấn so với mức giá ngày 4/5.

Nguyên nhân của việc giảm giá này là do giá phôi nhập về trên thị trường thế giới tiếp tục giảm mạnh, khoảng 70 USD/tấn so với cùng kỳ tháng 4, từ 670 USD/tấn xuống mức 600 USD/tấn.

Trước đó, giá thép trong giai đoạn một tháng từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4 thị trường đã liên tục thay đổi với 5 lần tăng giá, tổng cộng là tăng 2.500.000 đồng/tấn. Đây được xem là thời kỳ đỉnh điểm của thị trường này.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại vật tư Kim Khí ở đường 70, tổ 27 khu ga, Thanh Trì, Hà Nội: giá thép liên tục giảm sâu trong thời gian vừa qua là do lượng tiêu thụ trong nửa đầu tháng 5 đến nay rất chậm. Ước tính giảm khoảng 30 – 40% so với hồi cuối tháng 3 và 30% so với cùng kỳ năm 2009. Ngoài ra, giá phôi trên thị trường thế giới cũng đang có xu hướng giảm giá, kéo giá trong nước hạ theo.

Giảm do giới đầu cơ đẩy hàng
 
Theo nhiều công ty thép trong nước, việc tăng, giảm giá thép trong thời gian vừa qua một phần lớn là do giới đầu cơ thao túng thị trường. Vì vậy mới xảy ra hiện tượng mức độ tăng giảm khá chênh lệch so với thế giới, mặc dù giá bán ra mặt hàng này trong nước phụ thuộc lớn việc nhập khẩu phôi từ các nước khác.

Theo một quan chức của Hiệp hội thép Việt Nam, giá mặt hàng này từ đầu tháng 5 đến nay liên tục có xu hướng giảm mạnh là do sức tiêu thụ yếu, giới đầu cơ đang ồ ạt xả hàng để cắt lỗ.

Cụ thể, theo thông kê, trong tháng 3 Hiệp hội thép Việt Nam đã tiêu thụ khoảng 568.000 tấn thép xây dựng, đây được xem là mức tiêu thụ đột biến cao của thị trường thép. Tuy nhiên theo tính toán trong một tháng, các công trình xây dựng không thể “ngốn” hết lượng thép khổng lồ đó. 

Điều này nói lên một lượng lớn thép đã được một số đại lý lớn đã ôm vào, chờ cơ hội tăng mạnh để kiếm lời. Tuy nhiên, tình hình tiêu thị thép trong nước ở thời điểm hiện tại khá ế ẩm, các cửa hàng, cũng như doanh nghiệp không thể đẩy giá lên cao.

Đứng trước tình trạng đó, các doanh nghiệp đều phải chuyển hướng kinh doanh. Nếu để lượng hàng tồn kho quá lớn thì số tiền vốn đọng lại càng nhiều, khoản lãi phải trả cho ngân hàng còn cao hơn so với việc giảm giá để đẩy hàng đi. Do đó, nhiều công ty phải chấp nhận hạ giá để kích thích khách hàng mua vào, cũng là giảm tải lượng hàng tổn kho nhằm cắt lỗ cho doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp trực tiếp sản xuất mặt hàng thép cung cấp ra thị trường lại đưa ra khá nhiều lý do khác nhau để giải thích về vấn đề này.

Trao đổi với PV VnMedia, ông Trần Anh Vương, giám đốc Công ty thép Bắc Việt cho biết: Hiện tượng giá thép tăng giảm bất thường trong thời gian qua có ba nguyên nhân cơ bản.

Thứ nhất, yếu tố thị trường: Việc sản xuất thép trong nước phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu phôi thép trên thế giới, mặt hàng này chủ yếu nhập về do trong nước không có khả năng sản xuất ra. Vì vậy, nó sẽ biến động khi thị trường thế giới chao đảo. Yếu tố bất ổn chính trị trên thế giới cũng làm ảnh hưởng đến giá cả của nguyên liệu này.

Thứ hai, nguồn vốn của các doanh nghiệp: Hiện tại số vốn của các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tiền vay lãi của các ngân hàng. Nếu lãi suất cao, công ty phải chịu sức ép lớn, giá thành bán các thành phẩm cũng bị tác động.(Hiện tại, các doanh nghiệp trong nước đang phải tiền với mức lãi suất khá cao 14,5%/năm). 

Thứ ba, là yếu tố kinh doanh: Trong kinh doanh rất cần sự nhạy bén. Cụ thể như trong trường hợp vừa qua, có rất nhiều công ty ôm hàng và xả hàng làm thị trường liên tục lên xuống thất thường. Trong trường hợp đó, nếu công ty nào thu vào, bán ra hợp lý sẽ chiến thắng. Vì vậy mới có chuyện, trong gia đoạn tăng giá kỷ lục hồi tháng 3, 4 của mặt hàng thép, một số doanh nghiệp vẫn kêu lỗ.

Trong thời gian vừa qua, mặt hàng thép luôn được giới đầu cơ tháo túng, đẩy giá lên xuống thất thường. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có biện pháp quyết liệt hơn nữa để ổn định giá cả mặt hàng này, góp phần bình ổn giá thép đồng thời kìm chế lạm phát, đúng như chỉ thị của Chính phủ đề ra.

 (VnMedia) 

ĐỌC THÊM